20/12/2016
Trong những năm gần đây, kiểm toán chất thải (KTCT) là một trong những công cụ quản lý mới được áp dụng ở Việt Nam, đã mang lại những lợi ích về kinh tế và môi trường. Hiện nay, mặc dù KTCT đối với các doanh nghiệp (DN) và cơ sở sản xuất là không bắt buộc, tuy nhiên, việc thực hiện KTCT trong ngành sản xuất sữa là cần thiết, do ngành sữa là một trong những mặt hàng được sử dụng hàng ngày cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi. KTCT ngành sữa sẽ góp phần cải thiện chất lượng môi trường và nâng cao hiệu quả trong toàn bộ quá trình sản xuất cũng như gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm sữa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
KTCT ngành sữa góp phần cải thiện chất lượng môi trường |
Khái niệm về KTCT
KTCT là công cụ quản lý môi trường nhằm giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ quá trình sản xuất tại cơ sở công nghiệp. KTCT bao gồm việc rà soát, kiểm tra các quá trình sản xuất, xác định nguồn thải, khối lượng chất thải và các vấn đề trong vận hành sản xuất, từ đó đề ra giải pháp để giảm thiểu phát sinh chất thải ra môi trường. KTCT đã được tiêu chuẩn hóa bằng hệ thống tiêu chuẩn ISO 14010 và ISO 14011:1996.
Quy trình KTCT được thực hiện theo các bước: Khảo sát quá trình, thu thập số liệu về đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất như nguyên liệu, năng lượng, nước và sản phẩm; Xác định loại hình, nguồn, khối lượng chất thải; Nghiên cứu tính toán cân bằng vật chất; Xác định các nguyên nhân gây gia tăng chất thải; Nghiên cứu hiệu quả kinh tế, đề xuất các giải pháp giảm thiểu chất thải. KTCT có thể do một nhóm kiểm toán độc lập hoặc do chính DN thực hiện, với sự tham gia phối hợp của một đơn vị quan trắc, phân tích môi trường.
KTCT trong quá trình sản xuất sữa
Hiện cả nước có 72 DN sản xuất và phân phối sữa. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, các DN sản xuất sữa cũng làm phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường. Để ngăn ngừa ô nhiễm ngay từ quá trình sản xuất, các DN đã tiến hành KTCT để xác định cụ thể nguồn thải, từ đó đưa ra các biện pháp giảm thiểu, chống tiêu hao và thất thoát. Điển hình như việc thực hiện KTCT tại Nhà máy sữa Hà Nội. Nhóm kiểm toán tiến hành khảo sát, thu thập số liệu đầu vào, đầu ra của các công đoạn sản xuất như nguyên liệu, năng lượng, nước và sản phẩm sữa để xác định khối lượng nước thải, rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Sau đó, nhóm kiểm toán đã lập bảng ghi các thông số đối với từng loại nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào tương ứng với các loại nước thải, khí thải, chất thải rắn (CTR) đầu ra. Đồng thời, áp dụng công thức Bilan (EC - eq = M x Ef, trong đó: EC-eq: Lượng các bon phát thải; M: Quy mô nguồn thải; Ef: Hệ số phát thải của nhiên liệu) để tính lượng phát thải ra môi trường của Nhà máy. Kết quả tính toán cho thấy, mỗi ngày lượng nước thải từ quá trình sản xuất sữa chiếm 98, 51%, nước thải từ sinh hoạt chiếm 1,49%. Thông số các chất ô nhiễm như BOD5, COD, TSS, tổng nitơ, dầu mỡ trong nước thải đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN 40:2001/BTNMT nhiều lần.
Như vậy, quá trình sản xuất của các nhà máy sữa, với công đoạn phối trộn, lọc, làm lạnh, đồng hóa - tiệt trùng, làm nguội, bảo quản sản phẩm, chế biến, nồi hơi, rửa máy, làm phát sinh lượng nước thải tương đối lớn. Ngoài nước thải, lượng CTR cũng phát sinh do các hoạt động sinh hoạt của cán bộ, nhân viên trong nhà máy (lượng rác này có thể tái chế như: Vỏ lon, chai lọ nhựa, giấy, bìa các tông); CTR thu được tại song chắn rác của hệ thống xử lý nước thải (cặn sữa, bao bì ni lông và cặn lắng ở các bể xử lý nước thải); CTR nguy hại bao gồm bóng đèn huỳnh quang hỏng (được sử dụng thắp sáng ở nhiều khu vực như nhà ăn, hội trường, nhà hành chính, nhà bảo vệ...), hộp mực in thải bỏ (có tính độc và gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người). Cùng với đó, lượng khí thải chủ yếu phát sinh do 2 nguồn là: phát thải (Ceq) do điện năng tiêu thụ của hệ thống đèn chiếu sáng và phát thải khí nhà kính do nhiên liệu dầu (DO) sử dụng cho hệ thống nhà máy.
Giải pháp giảm thiểu chất thải phát sinh trong sản xuất sữa
Kết quả KTCT các DN ngành sữa cho thấy, quá trình sản xuất đã phát sinh lượng chất thải lớn, cần thiết phải có các giải pháp giảm thiểu như:
Giảm thiểu lượng CTR: Nên đặt hệ thống thu gom CTR theo hệ thống các thùng chứa riêng biệt: rác hữu cơ, rác vô cơ không có khả năng tại chế và có khả năng tái chế. Sau khi thu gom và phân loại được CTR, tùy theo từng loại có thể vận chuyển và đưa đi xử lý.
Giảm thiểu lượng nước thải: Tiến hành thu gom hàng ngày bọt và váng nổi ở khu vực bể điều hòa của hệ thống xử lý nước thải để tận dụng làm thức ăn cho gia súc hoặc làm phân bón hữu cơ cho cây trồng và hoa màu; Lắp đặt hệ thống đồng hồ đo và kiểm soát lưu lượng van xả đáy tại các thùng chứa, bồn chứa, lò hơi; Thiết kế hệ thống ống cống dẫn nước thải và hố thu nước thải riêng rẽ từ quá trình sinh hoạt của cán bộ, công nhân và sản xuất sữa để có phương phương pháp xử lý phù hợp; Thường xuyên kiểm tra, bảo trì đường ống dẫn nước trong khu vực sản xuất cũng như khu vực sinh hoạt của cán bộ, công nhân để tránh thất thoát nước.
Giảm thiểu lượng khí thải: Lắp đặt hệ thống máy hiện đại và ít tiêu tốn điện năng; Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh hệ thống trang thiết bị; Cần tận dụng ánh sáng mặt trời để giảm lượng đèn sử dụng, giảm tiêu tốn điện năng và giúp khu sản xuất luôn luôn thông thoáng; Lắp đặt hệ thống rơ le tự ngắt cho các thiết bị điện và hệ thống ngắt điện tổng cho từng khu vực.
An toàn lao động: Cần xử lý tiếng ồn, độ rung và bụi; Thường xuyên kiểm tra thông số kỹ thuật của từng loại máy để tuân thủ, thực hiện đúng các nguyên tắc và chế độ vận hành máy móc; Hướng dẫn nội quy an toàn lao động về điện cho công nhân trong toàn nhà máy; Có các quy định, nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy để tránh xảy ra những sự cố…
Như vậy, với những lợi ích khi thực hiện KTCT, các DN sản xuất sữa đã giảm thiểu sự phát sinh chất thải ra môi trường, tiết kiệm nguyên liệu, năng lượng, nước, giảm sự lãng phí tài nguyên. Theo các chuyên gia tư vấn môi trường, không chỉ có các DN quy mô lớn của ngành sữa mới có điều kiện triển khai KTCT, mà các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa cũng có thể thực hiện.
Để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất sữa thực hiện KTCT, Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục, nâng cao nhận thức về KTCT, đồng thời có cơ chế hỗ trợ phát triển dịch vụ tư vấn KTCT. Nghiên cứu xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích/bắt buộc áp dụng KTCT trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo một lộ trình nhất định để DN có thể nắm bắt được rõ các quy định cũng như có phương án chuyển đổi, thay thế và điều chỉnh hoạt động cho phù hợp với quy định.
ThS. Lê Xuân Thái
Đại học Công nghệ Giao thông vận tải
Phạm Thùy Linh
Đại học Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11/2016