08/05/2017
Hải Phòng có đường bờ biển dài khoảng 125 km, với 5 cửa sông chính đổ ra biển là: Thái Bình, Văn Úc, Lạch Tray, Bạch Đằng và Lạch Huyện. Trong những năm gần đây, các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, cảng biển, nuôi trồng thủy sản… đã xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm môi trường nước và suy soái cảnh quan các vùng cửa sông, ven biển nơi đây.
Hoạt động giao thông thủy làm gia tăng mức độ ô nhiễm vùng cửa sông, ven biển Hải Phòng |
Gia tăng ô nhiễm môi trường nước vùng cửa sông, ven biển
Theo kết quả quan trắc môi trường nước vùng cửa sông, ven biển Hải Phòng của Viện TN&MT biển Hải Phòng năm 2016, nước ở vùng biển ven bờ đều gia tăng mức độ ô nhiễm so với năm 2015. Theo đó, vùng nuôi trồng thủy sản, tỷ lệ chất ô nhiễm (chất rắn lơ lửng và phenol) vượt giới hạn cho phép (GHCP) tăng từ 10,8% lên 20,7%. Tương tự, vùng nước dành cho giao thông thủy, tỷ lệ chất ô nhiễm (chất dinh dưỡng và phenol) vượt GHCP tăng từ 9,4 % lên 11,4%. Vùng bãi tắm tỷ lệ chất ô nhiễm, vượt GHCP tăng từ 8,7% lên 15,9%.
Tại vùng biển ven bờ Hải Phòng, các nguồn thải từ lục địa ra biển chiếm tới 60 - 70%, trong đó, các chất ô nhiễm đổ ra biển qua cửa sông Thái Bình, Cấm và Bạch Đằng, chủ yếu là chất hữu cơ (chiếm khoảng 53 - 63%), dinh dưỡng ni tơ và phốt pho (chiếm khoảng 27% - 48%). Không những thế, khu vực ven biển hiện có rất nhiều khu công nghiệp như Đình Vũ, An Dương, Đồ Sơn… Tại các khu vực này, nồng độ dầu và xyanua trong đất ngấm ra sông, biển khá cao.
Tại các khu du lịch như khu Đồ Sơn 2, khu dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Cát Bà…, nước thải từ các nhà hàng ăn uống chưa qua xử lý, đổ thẳng ra biển, gây ô nhiễm môi trường. Thêm vào đó, nước thải sinh hoạt tại các cống xả đổ ra biển gây ô nhiễm như cống Nam Đông, nơi tiếp nhận nước thải từ mương An Kim Hải đổ ra biển khu vực Đình Vũ; Cống C1 cũng là nơi tiếp nhận nước thải của một số cơ sở sản xuất cá trên địa bàn quận Dương Kinh…
Ngoài ra, các hoạt động nuôi trồng thủy sản, các nhà bè trên biển và dân cư các làng chài ven biển cũng đổ rác thải trực tiếp xuống biển. Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp đã làm phát tán các hóa chất ra biển. Qua điều tra cho thấy, vùng cửa sông Hải Phòng có hàm lượng thuốc trừ sâu cao 3-4 lần so với nơi khác.
Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển
Để kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, trong năm qua, Viện TN&MT biển Hải Phòng đã triển khai Mô hình dự đoán toán học delft-3d xác định hướng phân tán các chất thải độc hại trên vùng của sông, ven biển của Hải Phòng. Theo kết quả tính toán, các nhà khoa học đã xác định quy luật phát tán chất thải độc hại chủ yếu vào mùa mưa. Cụ thể, vào mùa mưa, khi triều xuống, hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) của các cửa sông đổ ra biển đều lớn hơn 100mg/l. Tương tự với các chất độc hại khác cũng tăng cao như nhóm muối amoni, nhóm muối nitơrat, nhóm muối phốt pho, nhờ thủy triều lên xuống theo mùa mà bám vào khu vực quanh đảo Cát Bà hoặc các cửa sông, ven biển... Từ kết quả trên, Viện TN&MT biển Hải Phòng đã đề xuất các giải pháp kiểm soát ô nhiễm:
Tổ chức đánh giá và giám sát quá trình bồi lắng đáy vịnh và bồi tụ - xói lở bờ biển. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống quản lý thông tin tổng hợp (IIMS) và hệ thống thông tin địa lý (GIS); phân vùng chức năng đới bờ nhằm hướng tới khai thác, sử dụng hợp lý các tài nguyên, giảm thiểu xung đột lợi ích giữa các ngành kinh tế; bảo vệ, duy trì và khôi phục các hệ sinh thái đới bờ.
Đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tại những khu vực ven biển nhằm từng bước hạn chế sự phát tán của hóa chất độc hại; xây dựng các tổ vệ sinh môi trường, bãi thu gom rác thải, phương tiện vận chuyển rác thải.
Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra kiểm soát các nguồn thải trực tiếp gây ô nhiễm, suy thoái môi trường vùng bờ, bảo đảm nước thải phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra biển; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ các yêu cầu về điều kiện, năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố của tàu, thuyền vận chuyển dầu, hóa chất hoạt động trên biển cũng như các kho chứa xăng dầu, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật vùng ven biển, trên các đảo; Triển khai công tác quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường khu vực cửa sông, ven biển thường xuyên để phát hiện sớm ô nhiễm.
Tăng cường công tác đối thoại giữa chính quyền, các cơ quan chức năng và cộng đồng dân cư nhằm tìm ra các giải pháp hữu hiệu và sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện các giải pháp BVMT biển tại các địa phương.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và BVMT biển thông qua việc phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ TN&MT biển.
Nguyễn Thị Phượng
Bộ TN&MT
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017