Banner trang chủ

Khu công nghiệp sinh thái - Chìa khóa Xanh hóa khu công nghiệp tại Việt Nam

07/10/2015

   Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) là một mô hình mới, tạo ra động lực phát triển kinh tế công nghiệp của địa phương và khu vực, vùng lãnh thổ, không những giúp thu hút đầu tư, tạo việc làm cho người lao động mà còn giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất từ quá trình tiết kiệm, tái chế, tái sử dụng nguyên - vật liệu và năng lượng, tạo một bộ mặt mới, một môi trường trong sạch và hấp dẫn cho các KCN. Đó là những chia sẻ của ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) với Tạp chí Môi trường tại Hội thảo Giới thiệu Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam”.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH&ĐT

   Ông có thể giới thiệu đôi nét về những hoạt động của Dự án triển khai tại Việt Nam?

   Ông Trần Duy Đông: Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ định hướng phát triển đất nước theo hướng phát triển bền vững trên 3 trụ cột là: Kinh tế, xã hội và môi trường, các KCN là một trong những mô hình cần phải phát triển theo định hướng đó. Từ năm 2012, Bộ KH&ĐT phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) xây dựng Dự án “Triển khai sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững tại Việt Nam” và đến tháng 8/2014, Dự án được Thủ tướng phê duyệt, với tổng vốn viện trợ không hoàn lại là trên 4,5 triệu USD từ Quỹ môi trường Toàn cầu (GEF) và Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO). Dự án nhằm mục đích chuyển đổi các KCN đang hoạt động thành KCN sinh thái; thí điểm tại KCN Khánh Phú (Ninh Bình), KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng) và KCN Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ). Dự án sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) chuyển giao công nghệ, áp dụng phương thức sản xuất sạch hơn, để giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt là kết nối các DN với nhau, góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường và giảm chi phí sản xuất. Hiện tại, Dự án đã hoàn tất việc đánh giá lại hoạt động sản xuất và thực trạng về công nghệ tại các DN có tiềm năng tham gia Dự án, xây dựng Sổ tay hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn Tín dụng Xanh dành cho DN tham gia Dự án và đang đẩy nhanh việc triển khai nhiều hoạt động tiếp theo.

   Với 5 hợp phần, thời gian tới, Dự án sẽ tập trung vào những nhiệm vụ sau: Xây dựng các chính sách và quy định, tiêu chí của KCNST; Tăng cường năng lực lập quy hoạch và quản lý KCNST cho các cơ quan quản lý KCN ở Trung ương và địa phương; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ sạch, phát thải ít các-bon, phương thức sản xuất an toàn và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN trong KCN; Xác định, hỗ trợ kỹ thuật và tiếp cận tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên cho các DN tại những KCN thực hiện thí điểm; Triển khai thí điểm các dự án chuyển đổi thành KCNST; Nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển KCNST.

Trạm xử lý nước thải của KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng)

   Xin ông cho biết, lý do Dự án lựa chọn 3 KCN: Khánh Phú (Ninh Bình), Hòa Khánh (Đà Nẵng), Trà Nóc 1, 2 (Cần Thơ) để tham gia vào sáng kiến KCNST và các KCN cần đáp ứng theo các tiêu chí nào?

   Ông Trần Duy Đông: Trước khi quyết định lựa chọn các KCN tại 3 địa phương này, Bộ KH&ĐT và UNIDO đã tổ chức những nghiên cứu đánh giá trong quá trình xây dựng Dự án và thấy rằng, các KCN này có nhiều loại hình DN nên có thể áp dụng các phương pháp sản xuất sạch hơn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Thông qua khảo sát các DN trong 3 KCN cho thấy, các DN đều có tiềm năng để thực hiện chuyển đổi công nghệ theo hướng bền vững, giảm thiểu chất thải, nước thải ra môi trường và Dự án xác định 3 KCN: Khánh Phú, Hòa Khánh, Trà Nóc 1, 2 là những KCN tiêu biểu để thực hiện. Dự án cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ các DN trong việc cung cấp thông tin, tư vấn để tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến và những nguồn tài chính ưu đãi, thực hiện chuyển đổi với chi phí hợp lý. Trên cơ sở đó sẽ giúp DN đang hoạt động tại các KCN đạt được mục tiêu tăng doanh thu gắn với phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển toàn cầu.

   Hiện nay, khái niệm KCNST vẫn còn khá mới mẻ tại Việt Nam, các quy định, văn bản pháp quy về KCNST hầu như chưa có, do vậy, bên cạnh mang lại các lợi ích cho DN, Dự án cũng tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho các cán bộ quản lý nhà nước liên quan, đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể cho việc chuyển đổi từ KCN cũ sang KCNST. Chúng tôi hy vọng rằng, từ việc thực hiện thí điểm của 3 KCN trên, sẽ xây dựng, ban hành văn bản pháp quy quy định về mô hình KCNST, trong đó sẽ bao gồm khái niệm KCNST, các điều kiện cụ thể để chuyển đổi thành KCNST, quy định các cơ chế, chính sách để khuyến khích các DN, công ty phát triển hạ tầng KCN chuyển đổi thành KCNST.

   Trong tình hình hiện nay, việc chuyển đổi sang mô hình KCNST sẽ không dễ dàng đối với các KCN. Trước những khó khăn về tài chính, kỹ thuật và năng lực của DN, Dự án có các giải pháp gì để giải quyết vấn đề này, thưa ông?

   Ông Trần Duy Đông: Chúng tôi cũng đã lường trước những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hiện nay. Có thể thấy rõ, ở các nước phát triển, việc chuyển đổi KCN sang KCNST đem lại nhiều lợi ích, các DN trong KCN hợp tác với nhau để đạt được hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế và BVMT thông qua việc quản lý hiệu quả năng lượng, nước và nguyên liệu sử dụng, giảm chi phí sản xuất; giảm phát sinh chất thải; thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải và trao đổi chất thải; các giải pháp xử lý chất thải thân thiện với môi trường. Tại Việt Nam, khó khăn hiện nay là làm sao để thuyết phục được các DN trong KCN tham gia vào Dự án và triển khai các biện pháp sản xuất sạch hơn. Để làm được điều này, các chuyên gia trong nước và nước ngoài của Dự án sẽ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nhiệt tình cho các DN để họ thấy được lợi ích của việc tham gia Dự án; đặc biệt là cách thức, quy trình làm sao tiếp cận được với các nguồn tài chính ưu đãi để đầu tư ứng dụng công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên. Đây cũng là phương thức giúp các DN Việt Nam tiếp cận được với sân chơi của quốc tế, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và nâng tầm vị thế của DN trong mạng lưới DN toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Phương Tâm (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9 - 2015)

Ý kiến của bạn