14/05/2020
Nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học biển
Biển Việt Nam có diện tích hơn 1 triệu km2, gần 3.000 hòn đảo và tài nguyên sinh vật biển có trên 20 kiểu hệ sinh thái, với năng suất sinh học cao, tài nguyên lớn, là nơi cư trú của khoảng 11.000 loài, trong đó trên 2.000 loài cá, đặc biệt các hệ sinh thái (HST) rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn (RNM).
Năm 2015, Viện Tài nguyên quốc tế thống kê có tới 50% rạn san hô trên thế giới, 80% rạn san hô của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa (nguy hiểm), trong đó 50% nguy cấp. Theo Báo cáo của các nhà khoa học đăng trên Tạp chí Sinh thái học toàn cầu năm 2016, RNM trên thế giới suy giảm nghiêm trọng về diện tích và chất lượng rừng. Diện tích RNM thế giới vào năm 2000 là 17.306.721 ha nhưng đến năm 2014 chỉ còn 16.426.500 ha (mỗi năm suy giảm mất 0,36%). Tại Việt Nam, theo Báo cáo của Bộ TN&MT năm 2016, trong hơn năm thập kỷ qua, đã mất đi 67% diện tích RNM so với năm 1943. Trong giai đoạn từ năm 1943 - 1990, tỉ lệ mất RNM trung bình là 3.266 ha/năm, đến giai đoạn từ năm 1990 - 2012 là 5.613 ha/năm. Trong 22 năm (từ năm 1990 - 2012) tỷ lệ mất RNM gấp 1,7 lần giai đoạn 47 năm trước (từ năm 1943 - 1990). Tính đến năm 2012, 56% tổng diện tích RNM trên toàn quốc là rừng mới trồng, thuần loại, chất lượng rừng kém cả về kích cỡ, chiều cao cây và đa dạng thành phần loài.
Hiện tài nguyên sinh vật và các HST biển, ven biển và hải đảo Việt Nam đã và đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng do ô nhiễm môi trường, khai thác hải sản hủy diệt, đô thị hóa, sử dụng thiếu quy hoạch bãi triều, nuôi trồng hải sản, biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng, a xít hóa đại dương, giao thông hàng hải. Bởi vậy, cần áp dụng nhiều cách tiếp cận để bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững.
Vùng biển ngoài khơi, theo UNCLOS 1982 là các vùng biển nằm ngoài vùng tài phán của các quốc gia ven biển. Giữa các vùng biển ngoài khơi quốc tế với các vùng biển quốc gia ven biển có mối quan hệ tương tác đặc biệt, tác động qua lại lẫn nhau, đặc biệt là sự di chuyển không ranh giới của các loài cá, các sinh vật biển khác. Sinh vật biển, động vật biển rõ ràng không ở một nơi; rất nhiều trong số chúng sinh sống cư trú ở khu vực lớn của đại dương và những ranh giới khu vực đó có thể di chuyển theo thời gian và không gian.
Hiện tượng ô nhiễm môi trường (như dầu tràn, hóa chất độc hại…) xuyên ranh giới, hiện tượng BĐKH toàn cầu, đánh bắt cá quá mức và bằng phương tiện bị cấm gây ra sự suy giảm nghiêm trọng tại các vùng biển của các quốc gia và đã xảy ra đến các vùng biển ngoài khơi.
Trên thế giới nhiều nơi san hô, HST điển hình, phong phú của đáy biển, đại dương bị suy giảm nghiệm trọng do hiện tượng a xít hóa đại dương và bị tàn phá, tôn tạo nạo vét xây dựng công trình nhân tạo. Năm 2019, vùng dải san hô lớn của Úc đã xác lập được 30% san hô tại đây bị tẩy trắng do nước biển ấm lên vì hiện tượng BĐKH toàn cầu. Vào những năm 1940, tại Bermuda, quốc đảo tự trị của Anh ở Bắc Đại Tây Dương đã tiến hành các hoạt động tôn tạo xây dựng sân bay, hoạt động này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các rạn san hô mà đến nay vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Việc tôn tạo cũng đã làm một số loài cá tại khu vực bị tuyệt chủng. Điều này cho thấy, việc nạo vét, tôn tạo đảo là những tác động gây ra nguy hiểm nhiều nhất cho các rạn san hô.
Biển Đông nằm trong “trung tâm san hô toàn cầu” và san hô phân bố rộng khắp vùng biển nông ven bờ của các quốc gia và cấu thành nên các rạn san hô rộng lớn ở giữa khu vực biển này. Rạn san hô là HST quan trọng và dễ bị tổn thương nhất trong đại dương và biển, có giá trị cao về môi trường và nguồn lợi thủy sản không chỉ cho vùng biển của các cụm đảo san hô ngoài khơi như Trường Sa, Hoàng Sa, mà còn cho phần biển còn lại của biển Đông thông qua hệ thống dòng chảy biến đổi theo mùa. Nhờ đó, biển Đông trở thành một trong những vùng biển có mức đa dạng sinh học (ĐDSH) và giá trị bảo tồn cao, nguồn lợi thủy sản phong phú, giàu có nhất thế giới. Bảo vệ được môi trường biển và các HST trong biển Đông, đặc biệt là rạn san hô ở các cụm đảo ngoài khơi nói trên sẽ bảo đảm được an ninh môi trường và nguồn lợi ĐDSH toàn biển Đông, duy trì được sự thịnh vượng và an ninh của các quốc gia trong khu vực.
Việt Nam cũng như các quốc gia ven biển trên thế giới đang đối mặt với rất nhiều khó khăn trong công tác bảo tồn ĐDSH biển nói chung, vùng biển ngoài khơi nói riêng, từ sức ép kinh tế như: phát triển du lịch biển, tình trạng khai thác thủy sản bất hợp pháp vẫn còn diễn ra, sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất cấm, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản, tình trạng ô nhiễm môi trường biển. Nguyên nhân chính suy giảm diện tích RNM là phá rừng để làm đầm nuôi tôm theo lối quảng canh, bán công nghiệp đang diễn ra trên khắp các vùng ven biển nước ta. Do chưa hiểu hết giá trị nhiều mặt của HST rừng ngập mặn, hoặc do những lợi ích kinh tế trước mắt, đặc biệt là nguồn lợi từ tôm nuôi xuất khẩu nên RNM Việt Nam đã bị suy thoái nghiêm trọng. Chỉ tính riêng diễn biến diện tích rừng từ năm 2005 - 2006, có hơn 4.000 ha RNM bị mất, trong đó hơn 50% là do chặt phá rừng làm đầm nuôi thủy sản và các mục đích khác. Từ năm 2011 - 2016, RNM vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bị suy giảm nghiêm trọng, chủ yếu do vùng bãi bị sạt lở và việc giao rừng để nuôi trồng thủy sản. Trong 5 năm (từ năm 2011 - 2016), diện tích RNM toàn vùng đã giảm gần 10%, từ 194.723 ha năm 2011 xuống còn 179.384 ha vào năm 2016.
Việc quan tâm chưa đầy đủ đến công tác bảo tồn biển, ĐDSH biển đã trực tiếp hoặc gián tiếp làm suy giảm nhanh nguồn lợi thủy sản tự nhiên và suy thoái các HST biển, phát triển không bền vững.
Khu bảo tồn biển di động (MMPA) - bảo tồn ĐDSH biển ngoài khơi
Theo quan niệm phổ biến các khu bảo tồn (KBT) biển cấm đánh bắt, mặc dù có tác dụng bảo vệ các cá thể sống cố định, không di cư nhưng lại không hiệu quả trong việc bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng ngàn km như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... khi di cư ra khỏi khu vực bảo tồn, chúng thường có nguy cơ trở thành đối tượng đánh bắt hoặc bị đánh bắt do ngẫu nhiên.
Tuy nhiên, về mặt lý thuyết có nhiều phương thức để bảo vệ các loài này như lập các KBT rộng lớn để bao phủ toàn bộ hoạt dộng di chuyển của các loài này. Các KBT có thể được thiết lập dọc theo đường di chuyển của các loài trong toàn bộ chu trình sống của loài. Một phương pháp khác là các khu cấm đánh bắt được thiết lập xung quanh khu vực sống quan trọng của loài như các vùng loài đẻ trứng và sinh sản hoặc các hành lang di cư.
Một lựa chọn khác là thiết lập các KBT di động (MMPA) có vùng ranh giới biển linh hoạt và biến động trên các vùng biển quốc tế và xuyên quốc gia. Nói cách khác, các loài di cư sẽ được bảo vệ nhờ các vùng bảo tồn di chuyển theo con đường di cư của loài. Việc quản lý các KBT di động (MMPA) sẽ được thực hiện nhờ sự trợ giúp của các công nghệ viễn thám và truyền số liệu qua vệ tinh.
Chương trình giám sát rùa của Mỹ đã áp dụng phương thức yêu cầu các tàu đánh cá phải tự nguyện tránh vùng biển phía Bắc quần đảo Hawaii khivào mùa nhiệt độ bề mặt biển ưa thích của rùa biển bị đe dọa, để giảm việc bắt giữ động vật và gây hại ngoài ý muốn.
Ở Úc, các tàu đánh cá phải từ bỏ việc đánh bắt ở vùng biển quốc tế vào thời gian hiện diện của cá ngừ vây xanh miền Nam, một loài có giá trị thương mại và có nguy cơ tuyệt chủng được quản lý thông qua hệ thống hạn ngạch.
Từ năm 2007, các nhà khoa học biển quốc tế đã đề xuất một phương thức mới bảo tồn ĐDSH biển ngoài khơi - KBT biển di động để bảo vệ các loài di cư. Một số loài sinh vật biển sống di cư trong phạm vi hàng ngàn km như cá ngừ, cá kiếm, rùa biển, động vật có vú sống ở biển như cá voi, các loài chim biển... khi di cư ra khỏi khu vực bảo tồn chúng thường có nguy cơ trở thành đối tượng đánh bắt hoặc bị đánh bắt do ngẫu nhiên.
Cá voi lưng gù (Humpback Whale)
Giáo sư Sara Maxwell, Đại học Washington năm 2020 đã xác định các tiêu chí và đề xuất được 14 KBT biển di động (MMPA) đầu tiên trên đại dương thế giới (Bảng 1).
Bảng 1.14 MMPA đầu tiên trên đại dương thế giới
STT |
|
1 |
Hành lang di cư rùa biển Olive Ridley: Di cư toàn cầu của rùa biển quý hiếm bị đe dọa.
|
2 |
Vùng biển sâu Bắc Băng Dương và thay đổi bang theo mùa: Môi trường sống năng động quan trọng đối với nhiều loài; thay đổi cấu trúc bang nhanh chóng dưới sự thay đổi khí hậu.
|
3 |
Vùng chuyển tiếp Bắc Thái Bình Dương: Loài di cư năng suất môi trường sống, thay đổi theo mùa và năm; dịch chuyển về phía bắc khí hậu thay đổi.
|
4 |
Khu vực săn bắn chim biển Labrador: Khu vực cư trú mùa đông cho hơn 40 triệu con chim biển hàng năm. |
5 |
Biển Sargaso: Môi trường động lực và độc đáo; nơi cư trú đặc thù cho các loài sinh vật chỉ thị. |
6 |
Vùng Đông Bắc Thái Bình Dương: Cá mập trắng, mùa giao phối và nơi cung cấp thức ăn. |
7 |
Vùng năng suất cao xích đạo: Độc đáo và năng suất sinh sản cao, được đánh dấu bằng dao động phía Nam của El Nino. Dễ bị ảnh hưởng bởi BĐKH. |
8 |
Khu vực nước trồi Canary-Guinea: Khu vực dòng nước trồi từ sâu lên mặt biển mạnh mẽ, hỗ trợ các loài cá quan trọng về mặt thương mại.
|
9 |
Khu vực sản xuất xích đạo: Nơi sinh vật di cư, sinh sản năng suất cao và môi trường vườn ươm cho các hải sản thương mại quan trọng.
|
10 |
Vùng hội tu cận nhiệt đới: Khu vực năng suất sinh sản đại dương bậc cao, nơi cư trú các loài chim biển đang bị đe dọa và các loài sinh vật khác.
|
11 |
Khu vực chim báo bão Đông Nam Thái Bình Dương: Nơi nuôi dưỡng nhiều chim bị đe dọa biển vào mùa từ tháng 10 đến tháng 2 hàng năm.
|
12 |
Phía Nam vịnh Úc lớn: Nơi cư trú chim hải âu và cá ngừ di cư. |
13 |
Khu vực trung tâm Ấn Độ Dương: Khu vực săn mồi chim biển quan trọng, bị ảnh hưởng nhiều bởi năng suất trong mùa đông nước Úc. |
14 |
Vùng nước trồi Ahulhas Ấn Độ Dương: Nhiều chim biển, cá ngừ, động vật biển. |
Hình 1: Sơ đồ 14 MMPA trên đại dương thế giới
Đề xuất giải pháp trong bảo tồn ĐDSH và phát triển bền vững biển Việt Nam
Dựa trên nghiên cứu, đánh giá về các phương pháp tiếp cận, mô hình bảo tồn ĐDSH hiện có trên vùng biển Việt Nam chỉ đạt 0,4% diện tích bảo tồn biển và nhu cầu tăng 4% diện tích vào năm 2030; 6% diện tích bảo tồn biển vào năm 2045 như chỉ tiêu được nêu ra trong Nghị quyết Trung ương 36 về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xu hướng bảo tồn ĐDSH biển theo các tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN và WCPA đến năm 2020 các KBT biển (MPA) sẽ chiếm diện tích 6% diện tích và đến năm 2030 là 10% diện tích đại dương thế giới. Vì vậy, cần bổ sung các tiếp cận mới trong bảo vệ ĐDSH biển tại Việt Nam.
Hiện trạng các khu vực bảo vệ ĐDSH biển Việt Nam
Hiện nay vùng biển Việt Nam có 23 khu vực bảo vệ ĐDSH, chiếm diện tích gần 1% diện tích biển Việt Nam. Nhiều khu vực áp dụng các giải pháp đồng thời như tại biển Cát Bà (Hình 2).
Theo Bảng 2, thống kê các khu vực bảo tồn biển cho đến năm 2020 gồm: 16 KBT biển (MPA), 06 Vườn quốc gia, KBT thiên nhiên vùng biển, hải đảo (NP),01 Di sản thiên nhiên thế giới (WH) vùng ven biển, hải đảo, 07 Khu dự trữ sinh quyển thế giới (BR) ven biển, hải đảo, 06 KBT đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RS), 01Khu biển đặc biệt nhạy cảm (PSSA).
Hình 2: Các khu vực bảo tồn ĐDSH biển Việt Nam
Bảng 2. Đặc tính các khu vực ĐDSH biển Việt Nam
STT |
Tên gọi khu vực biển |
Tỉnh |
Giải pháp hiện nay |
Đặc tính ĐDSH |
---|---|---|---|---|
1 |
Đảo Trần |
Quảng Ninh |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
2 |
Cô Tô |
Quảng Ninh |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
3 |
Bái Tử Long |
Quảng Ninh |
NP |
San hô, đa dạng loài |
4 |
Vịnh Hạ Long |
Quảng Ninh |
WH, PSSA |
San hô, các HST |
5 |
Cát Bà |
Hải Phòng |
NP, MPA, BR, PSSA, WH |
San hô, Vọc đầu trắng hiếm |
6 |
Bạch Long Vĩ |
Hải Phòng |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
7 |
Tiền Hải |
Thái Bình |
NP |
Rừng ngập mặn, Chim di cư |
8 |
Xuân Thủy |
Nam Định |
NP, RS, BR |
Rừng ngập mặn, Chim di cư |
9 |
Hòn Mê |
Thanh Hóa |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
10 |
Cồn Cỏ |
Quảng Trị |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
11 |
Hải Vân-Sơn Trà |
Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
12 |
Cù Lao Chàm |
Quảng Nam |
MPA, BR |
San hô, đa dạng loài |
13 |
Lý Sơn |
Quảng Ngãi |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
14 |
Vịnh Nha Trang |
Khánh Hòa |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
15 |
Hòn Cau |
Bình Thuận |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
16 |
Núi Chúa |
Ninh Thuận |
MPA, BR |
San hô, đa dạng loài |
17 |
Phú Quý |
Bình Thuận |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
19 |
Côn Đảo |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
MPA, RS |
San hô, Bò biển |
18 |
Cần Giờ |
TP. Hồ Chí Minh |
BR |
Rừng ngập mặn |
20 |
Cà Mau |
Cà Mau |
NP, BR |
Rừng ngập mặn |
21 |
Phú Quốc |
Kiên Giang |
NP, MPA, BR |
San hô, Bò biển |
22 |
Nam Yết |
Khánh Hòa |
MPA |
San hô, đa dạng loài |
23 |
Hoàng Sa |
Đà Nẵng |
MPA |
San hô |
Thảo luận và kiến nghị
KBT biển di động (MMPA) là một công cụ mới, sẽ giúp công tác bảo tồn ĐDSH biển Việt Nam có thể gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 6% đến năm 2030 ngoài các phương pháp, mô hình bảo tồn biển hiện có.
Thứ nhất, cần có các nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và thiết lập hệ thống các MMPA trên vùng biển Việt Nam, đặc biệt khu vực biển ngoài khơi gần với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Thứ hai, cần đánh giá tác động đầy đủ của KBT biển di động (MMPA) với các ngành quản lý biển, nghề cá, kinh tế biển, bảo tồn ĐDSH biển và phát triển bền vững đại dương.
Thứ ba, kết nối hệ thống 16 KBT biển cố định (MPA), các khu bảo vệ san hô, khu dự trữ nguồn lợi hiện có với các khu MMPA mới để hoàn chỉnh hệ thống bảo tồn ĐDSH biển Việt Nam, giúp gia tăng diện tích bảo tồn biển lên 4% vào năm 2025 và 6% vào năm 2030, theo mục tiêu của Chiến lược Phát triển kinh tế biển Việt Nam bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ tư, các KBT biển di động (MMPA) sẽ giúp nâng cao vị thế Quốc gia mạnh về biển của Việt Nam vào năm 2030 trong quá trình hội nhập quốc tế và nâng cao sức khỏe biển quốc gia lên tầm cao mới.
Thứ năm, lồng ghép các KBT biển di động (MMPA) vào các chương trình, dự án, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường, ĐDSH, thủy sản.
Thứ sáu, cần thúc đẩy quan điểm của Việt Nam về đưa nội dung các KBT biển di động (MMPA) như một giải pháp quản lý khu vực biển quan trọng trong Công ước mới của Liên hợp quốc về bảo tồn ĐDSH biển ngoài khơi để chúng trở thành lựa chọn để bảo vệ biển, đại dương trong tương lai.
Thứ bảy, đề xuất xây dựng mạng lưới các các KBT biển di động (MMPA) giúp cho công tác bảo tồn ĐDSH biển quốc gia bền vững và hợp tác quốc tế cùng xây dựng mạng lưới MMPA với các quốc gia ven biển Đông và Thái Bình Dương. Các KBT biển di động (MMPA) cũng sẽ giúp phát triển bền vững kinh tế biển xanh; tăng cường hợp tác quốc tế và ngoại giao về bảo tồn biển; du lịch sinh thái biển.
Lê Đức Đạt - Dư Văn Toán
Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2020)