14/07/2017
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn như than bùn, than nâu, sét cao lanh và một số kim loại màu nặng, bauxite và sắt… Tuy hoạt động khai thác khoáng sản (KTKS) ở đây chưa phát triển mạnh như những vùng kinh tế khác, nhưng đã và đang gây ra những tác động đến môi trường.
Thất thoát tài nguyên do KTKS trái phép
Hiện nay, tình trạng KTKS trái phép như vàng sa khoáng, đá quý, đá chẻ, cát xây dựng... xảy ra tại hầu hết các địa phương trong khu vực Tây Nguyên. Kon Tum được đánh giá là nơi có trữ lượng vàng lớn nhất Tây Nguyên. Từ năm 2013 đến nay, tại xã Hiếu, huyện Kon Plông, nhiều người dân đã đổ về thượng nguồn sông Re để tìm kiếm vàng sa khoáng. Tại các bãi vàng vừa khai thác xong, mùi xyanua bốc lên nồng nặc, nước sông đục ngầu vì bùn, cây cối xung quanh bị cưa xẻ làm lán trại. Không những xã Hiếu mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Kon Tum như thôn Đắk Ôn, xã Đắk Long, huyện Đắk Glei, nhiều năm qua, vẫn diễn ra nạn khai thác vàng trái phép. Hậu quả từ những "cơn bão vàng" là những ruộng rẫy mỡ màng bị cày xới, các dòng sông bị ô nhiễm, đất đai bạc màu..., khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Để ngăn chặn tình trạng trên, nhiều lần các lực lượng chức năng đã tịch thu máy móc, phương tiện phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép. Tuy nhiên, do lợi nhuận của việc khai thác vàng rất lớn nên người dân bất chấp vi phạm pháp luật vẫn lén lút khai thác. Vừa qua, Đoàn liên ngành của huyện Đắk Glei đã kiểm tra tại khu vực hồ Đắk Bloc, thôn Đắk Ôn, xã Đắk Long thì phát hiện và lập biên bản tạm giữ 4 tổ máy (gồm 8 máy nổ, 4 van thể, 3 máng xổ, hơn 100 m ống nước đường kính từ 60 - 160 mm).
Tại các địa phương khác, tình trạng khai thác đất sét trái phép vẫn diễn ra tràn lan, không theo quy hoạch, nhiều nơi còn diễn ra tình trạng mua bán chuyển nhượng đất đai để khai thác đất sét bất hợp pháp, không thực hiện cải tạo đồng ruộng để trả lại diện tích canh tác nông nghiệp. Riêng huyện Krông Ana (Đắk Lắk), theo thống kê đến thời điểm này, toàn huyện có 70 cơ sở đang hoạt động, nhưng trong đó chỉ có 2/70 cơ sở có giấy phép khai thác còn hiệu lực. Các cơ sở còn lại tự thỏa thuận hợp đồng với các hộ dân có đất ruộng để khai thác lấy sét, mà không thông qua chính quyền địa phương.
Ngoài ra, việc khai thác cát trái phép trong thời gian gần đây đã gây thất thoát một lượng lớn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, thất thu cho ngân sách nhà nước. Nhiều cơ sở khai thác cát trái phép trên địa bàn các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông.... vẫn lén lút hoạt động. Gần đây, việc khai thác cát của một số cơ sở trên sông Krông Ana và sông Krông Nô (Krông Ana, Đắk Lắk) không tuân thủ quy định về giấy phép khai thác và đề án BVMT đã được phê duyệt, dẫn đến việc sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến diện tích sản xuất đất nông nghiệp. Đặc biệt, tình trạng sạt lở sông đã xảy ra tại 9 xã trên địa bàn huyện Krông Bông (Đắk Lắk) vào tháng 3/2016. Trong đó, diện tích sạt lở tại xã Yang Réh lên đến 48.994 m2; xã Cư Kty 18.408 m2; xã Hòa Tân 1.680 m2…Vừa qua, UBND huyện Krông Bông đã chỉ đạo các xã khẩn trương báo cáo diện tích sạt lở đất mới nhất để có biện pháp xử lý, hỗ trợ kịp thời cho người dân.
Tình trạng sạt lở đất do khai thác cát tại khu vực trạm bơm 3, xã Hòa Bình (huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) |
Tăng cường giải pháp sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên
Để tăng cường công tác quản lý và ngăn chặn tình trạng KTKS trái phép, UBND 5 tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cần nhanh chóng xây dựng chiến lược, quy hoạch và chính sách phát triển từng loại khoáng sản, đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thăm dò, khai thác đến chế biến, phù hợp với nhu cầu nền kinh tế và chấm dứt xuất khẩu sản phẩm thô. Bên cạnh đó, Sở TN&MT các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên cần đầu tư thăm dò chi tiết, khoanh định diện tích phân bố, đánh giá trữ lượng, chất lượng các loại khoáng sản; Tiến hành lập phương án bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn trình UBND các tỉnh. Đồng thời, công khai hóa việc trích nguồn thu từ hoạt động KTKS và sử dụng nguồn thu này hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Qua đó, giúp cho công tác quản lý của địa phương đạt hiệu quả, xử lý triệt để tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép... Mặt khác, cần tăng cường nguồn lực và nhân lực cho công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý để kịp thời phát hiện, xử lý và ngăn chặn sai phạm, không để dẫn đến những vi phạm nghiêm trọng; nâng cao trách nhiệm giám sát của các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã;
Về quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản, phải thực hiện định giá tài nguyên và tổ chức đấu thầu KTKS. Việc đấu giá thăm dò - KTKS cần phải chuẩn bị đủ điều kiện về định giá tài nguyên và cơ chế quản lý; hạn chế tối đa (hoặc bỏ hẳn) việc phân cấp và cấp giấy phép KTKS tràn lan ở cấp tỉnh như thời gian qua; bổ sung các điều kiện, cam kết về chế biến trước khi cấp giấy phép khai thác. Thực tế cho thấy, vốn đầu tư cho KTKS không lớn, nhưng việc chế biến đòi hỏi vốn lớn, công nghệ hiện đại. Vì vậy, dẫn đến việc khai thác tràn lan, không thực hiện được mục đích chế biến sâu. Ngoài ra, cần có lộ trình nâng cao năng lực quản lý khoáng sản cho địa phương, từng bước thực hiện phân quyền cấp phép và quản lý hoạt động khoáng sản cho địa phương (trừ các mỏ khoáng sản chiến lược và phân bố liên tỉnh) ở Tây Nguyên nói riêng và các tỉnh, TP trong cả nước nói chung. Riêng Chương trình bauxite Tây Nguyên cần phải đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của việc khai thác trong thời gian qua. Qua đó, xây dựng định hướng và chính sách đối với bauxite ở Tây Nguyên để khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững.
Nguyễn Thùy
Trường Đại học Mỏ - Địa chất
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2017