09/01/2017
Tân Triều là xã ven đô thuộc huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Hiện xã có 29.256 nhân khẩu với 7.062 hộ, tổng số lao động toàn xã là 21.144 người. Do ở gần trung tâm thủ đô Hà Nội nên Tân Triều phát triển chủ yếu ngành nghề thủ công và dịch vụ thương mại. Cùng với sự phát triển kinh tế, Tân Triều đang phải đối mặt với những vấn đề ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Kiểm tra, giám sát xây dựng NTM tại xã Tân Triều |
Trong những năm gần đây, các hoạt động giao thông và xây dựng trên địa bàn xã đã làm cho môi trường không khí trong khu dân cư bị ô nhiễm do bụi lơ lửng, tiếng ồn, hơi xăng; nước thải sinh hoạt và sản xuất từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, tái chế nhựa chưa được thu gom và xử lý. Kết quả quan trắc cho thấy, nhiều chỉ tiêu trong nước thải vượt quá quy chuẩn cho phép như các thông số TSS, BOD5, COD, kim loại nặng, phenol, tổng dầu mỡ. Ngoài ra, các mẫu đất nông nghiệp trên địa bàn xã đều có nồng độ axít cao hơn quy chuẩn cho phép từ 1 - 2 lần, nguyên nhân là do nguồn nước tưới phục vụ sản xuất đã bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật.
Để nâng cao hiệu quả BVMT nông thôn, năm 2012, Đảng ủy xã đã ban hành Quyết định số 109 - QĐ/ĐU về việc thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) Chương trình Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010 - 2016. Đến nay, sau 4 năm thực hiện, xã Tân Triều đang từng bước hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu về môi trường (tiêu chí 17/19) là tiêu chí khó thực hiện nhất trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Đảng ủy - HĐND - UBND xã đã xây dựng Đề án phát triển NTM giai đoạn 2015-2020, trong đó đề ra mục tiêu, phấn đấu xây dựng xã Tân Triều cơ bản đạt 19 tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Triển khai thực hiện Đề án, UBND xã đã thành lập Tổ công tác giúp việc cho UBND xã trong công tác kiểm tra xử lý các vi phạm pháp luật BVMT, đồng thời chủ động phối hợp với ngành chức năng của huyện huy động nguồn lực đầu tư cho các công trình về môi trường như: Công trình cấp nước sạch nông thôn; xây dựng nghĩa trang nhân dân và xây dựng các khu chôn cất tập trung, bãi xử lý rác thải cho các xã; hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; di chuyển chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra xa khu dân cư.
Kết quả bước đầu cho thấy, cơ sở cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, xã đã vận động nhân dân nâng cấp nhà ở, công trình vệ sinh phù hợp. Hiện trên địa bàn xã đã có 4 trạm cấp nước sạch, công suất thiết kế đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của nhân dân; 100% hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% hộ có đủ 3 công trình (nhà tắm, nhà vệ sinh, bể nước); 90% hộ có cơ sở chăn nuôi hợp vệ sinh. Hệ thống cống, rãnh đã được đầu tư xây dựng, với tổng kinh phí trên 68 tỷ đồng, đảm bảo việc tiêu thoát nước trong khu dân cư không còn tình trạng ngập úng cục bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm của địa phương.
Bên cạnh đó, toàn xã có 2 đội vệ sinh với 26 công nhân thực hiện thu gom và vận chuyển trên 90% lượng rác thải hàng ngày. Xã bố trí 2 điểm tập kết thu gom rác trên địa bàn, 1 điểm cho thôn Triều Khúc với diện tích 0,12 ha và 1 điểm cho thôn Yên Xá với diện tích 0,08 ha gần đường giao thông trục chính. Ngoài ra, UBND xã đã có quy hoạch các khu nghĩa trang và đài tưởng niệm.
Cùng với đó, xã đã tiến hành kiểm tra và xử lý trên 50 cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm trên địa bàn và tại khu cụm sản xuất làng nghề. Qua quá trình kiểm tra, xử lý, nhiều cơ sở đã chấp hành nghiêm túc các chính sách, pháp luật về BVMT, khắc phục hậu quả hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, nhiều cơ sở chủ động chuyển đổi nghề nghiệp từ tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường sang kinh doanh dịch vụ... Tính đến nay, xã có 30/58 doanh nghiệp và 1.300/2.200 cơ sở sản xuất hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ thương mại đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Trong quá trình xây dựng NTM, xã Tân Triều cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều công trình, dự án về xử lý chất thải chưa hoàn thành do vướng mắc về cơ chế chính sách, và cần nguồn vốn lớn. Bên cạnh đó, các điểm chôn rác của địa phương chưa được quy hoạch và đầu tư đồng bộ dẫn đến lượng rác thải không được vận chuyển kịp thời trong ngày làm mất mỹ quan đô thị và mất vệ sinh môi trường.
Để phấn đấu hoàn thành các nội dung của tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, trong thời gian tới, UBND xã đã đề ra các giải pháp:
Công tác xây dựng NTM tiếp tục được đẩy mạnh, tăng cường công tác giám sát để đảm bảo việc thực hiện các tiêu chí môi trường; Vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp các nguồn lực để thực hiện tốt công tác duy tu, cải tạo đường làng ngõ xóm, các công trình hạ tầng của địa phương; Thực hiện tốt công tác khen thưởng, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến trong việc thực hiện công tác xây dựng NTM, tạo động lực để phong trào xây dựng NTM đạt hiệu quả thiết thực.
Cùng với đó, kết hợp chương trình xây dựng NTM với phong trào xây dựng làng văn hóa; Tăng cường quản lý và trồng cây xanh trên các trục đường giao thông, khu vui chơi công cộng nhằm giảm thiểu tiếng ồn, bụi và điều hòa không khí xung quanh; Quy hoạch mở rộng hệ thống giao thông giảm thiểu ùn tắc và ô nhiễm không khí; Tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh buôn bán thuốc bảo vệ thực vật; Thành lập các nhóm, tổ, đội vệ sinh môi trường tự quản tại địa phương. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị như xe đẩy, trang phục bảo hộ… và thùng rác công cộng đặt tại vỉa hè của các tuyến đường giao thông chính, vị trí công cộng trong khu dân cư; Từng bước quy hoạch xây dựng cải tạo nghĩa trang hiện có, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia tổ chức tang lễ tiết kiệm, đảm bảo vệ sinh môi trường…
Đối với các dự án thu hồi đất, tiến hành xây dựng phải thực hiện nghiêm túc Luật BVMT, tuân thủ trình tự thẩm định theo các Nghị định và Thông tư về BVMT; Thường xuyên tuyên truyền tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người và phổ biến rộng rãi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM; Tổ chức phát động BVMT vào các ngày lễ lớn như: Ngày Môi trường thế giới, Quốc khánh, Tết Nguyên đán...
Phạm Thị Tố Oanh
Liên minh HTX Việt Nam
Hoàng Văn Hùng
Đại học Khoa học Tự nhiên
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016