Banner trang chủ

Hiện trạng và giải pháp quản lý chất thải rắn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

15/11/2019

     Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: Khai thác, chế biến than và khoáng sản; sản xuất điện, hóa chất mỏ, vật liệu xây dựng; sửa chữa, lắp ráp, chế tạo thiết bị mỏ. TKV hiện là một trong ba trụ cột đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, là nhà sản xuất và cung cấp than, sản xuất alumin duy nhất và sản xuất kim loại màu lớn nhất cung cấp cho nền kinh tế đất nước.

     Hiện trạng phát sinh chất thải rắn trong hoạt động sản xuất của TKV

     Quá trình sản xuất TKV đã phát sinh các loại chất thải rắn (CTR) chủ yếu như: Chất thải nguy hại (CTNH), chất thải sinh hoạt, đất đá bóc, tro xỉ nhiệt điện, đá xít sàng tuyển than, bùn thải tuyển quặng, bùn đỏ sản xuất alumin và một số loại chất thải khác.

     Chỉ tính riêng năm 2018, tổng lượng CTR phát sinh trong quá trình sản xuất của TKV quy đổi gần 182,5 triệu m3, trong đó CTNH phát sinh 10.136 tấn (từ sản xuất than 3.254 tấn, sản xuất điện và xi măng 137 tấn, sản xuất khoáng sản 6.087 tấn, sản xuất alumin 358 tấn, sản xuất khác 300 tấn). Thành phần chủ yếu là dầu mỡ thải, ắc quy hỏng, chi tiết máy hỏng dính dầu mỡ, thùng phi chứa dầu mỡ và một số loại chất thải khác.

     CTR sinh hoạt phát sinh từ quá trình sinh hoạt của người lao động khoảng 30.689 m3 (trong đó từ sản xuất than 26.186 m3, sản xuất điện và xi măng 1.052 m3, sản xuất khoáng sản 862 tấn, sản xuất alumin 1.896 m3, sản xuất khác 693 m3) thành phần chủ yếu tương tự như rác thải sinh hoạt đô thị.

     Bên cạnh đó là các chất thải đặc trưng từ khai thác mỏ như đất đá bóc phát sinh từ quá trình khai thác than và khoáng sản, lượng phát sinh năm 2018 là 165 triệu m3; trong đó từ khai thác than là 153 triệu m3, khai thác khoáng sản là 12 triệu m3, việc khai thác bauxit không phát sinh đất đá thải, thành phần chủ yếu là các chất vô cơ. Đá xít thải từ sàng tuyển than phát sinh từ quá trình sàng tuyển than của các nhà máy sàng tuyển than tập trung, lượng phát sinh năm 2018 là 2,4 triệu m3, thành phần đá và xít than... các chất thải đặc trưng nêu trên đều là chất thải công nghiệp thông thường.

     Đối với các loại bùn thải như: Bùn thải quặng đuôi phát sinh từ quá trình tuyển nâng hàm lượng các loại quặng khoáng sản (kim loại, bauxite), còn gọi là quặng đuôi, lượng phát sinh năm 2018 là 8,6 triệu m3; trong đó từ tuyển bauxite 8,0 triệu m3, từ tuyển các loại khoáng sản khác là 0,6 triệu m3; bùn thải quặng đuôi của TKV không có các thành phần nguy hại vượt ngưỡng. Bùn đỏ là chất thải phát sinh từ quá trình sản xuất alumin, lượng phát sinh năm 2018 là 3,6 triệu m3; bùn đỏ có độ pH lớn hơn 9 (lớn hơn quy chuẩn môi trường) nhưng nhỏ hơn 12 nên không phải chất thải nguy hại, được xác định là chất thải công nghiệp thông thường.

     Tro xỉ nhiệt điện phát sinh năm 2018 là 2,8 triệu m3, thành phần chủ yếu là các chất vô cơ phát sinh từ quá trình đốt than kèm đá vôi, không có các thành phần nguy hại vượt ngưỡng, là CTR công nghiệp thông thường.

     Ngoài ra, quá trình sản xuất của TKV còn phát sinh một số loại CTR thông thường khác có thể tái sử dụng được như săm lốp ô tô, băng tải hỏng, chi tiết máy hỏng, vì thép chống lò hỏng... Các loại chất thải này được coi là phế liệu và được chuyển giao cho các cơ sở khác tái chế không thải ra môi trường.

     Các giải pháp quản lý chất thải rắn của TKV

     Để thực hiện đúng các quy định của Luật BVMT năm 2014 và các văn bản pháp luật liên quan, TKV đã chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nhiều giải pháp thu gom, xử lý các loại CTR phát sinh trong sản xuất theo đúng các quy định của pháp luật.

     Theo đó, TKV đã chủ động giao Công ty TNHH MTV Môi trường là đơn vị thành viên của TKV đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý CTNH công nghiệp tại Cẩm Phả - Quảng Ninh. Việc thu gom, xử lý CTNH ngay tại chỗ giúp giảm thiểu nguy cơ sự cố môi trường trong quá trình vận chuyển liên tỉnh, nâng cao khả năng giám sát quá trình xử lý, thu hồi sản phẩm sau xử lý tái sử dụng cho sản xuất. Nhà máy có công suất 6.900 tấn/năm, xử lý 172/196 mã CTNH phát sinh trong sản xuất, 24 mã còn lại (bóng đèn, pin, linh kiện điện tử...) có khối lượng nhỏ (0,9 - 5,5% lượng chất thải thu gom) được chuyển giao cho cơ sở khác theo văn bản cho phép của Bộ TN&MT. CTNH phát sinh trong sản xuất ở các địa phương khác ngoài Quảng Ninh được các đơn vị thành viên TKV thuê các cơ sở có giấy phép thu gom, xử lý theo đúng quy định.

 

Bãi thải đất đá mỏ trước và sau khi cải tạo phục hồi môi trường

 

     Bên cạnh đó, toàn bộ CTR sinh hoạt phát sinh trong sản xuất được các đơn vị thành viên TKV thu gom, hợp đồng thuê các công ty vệ sinh môi trường có giấy phép tại địa phương thu gom, xử lý theo đúng quy định.

     Đối với các chất thải đặc trưng từ khai thác mỏ như đất đá bóc từ khai thác mỏ đổ thải vào các bãi thải đất đá theo quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong đó trên 50% đổ bãi thải ngoài, còn lại đổ bãi thải trong vào các khai trường đã kết thúc. Các bãi thải được đổ thải theo đúng quy hoạch, thiết kế, quy chuẩn với chiều cao tầng ≤30m, các tầng có bờ chắn và hệ thống mương thoát nước, chân bãi thải có đê đập chắn đất đá đảm bảo ổn định, phòng ngừa sạt lở. Đối với các bãi thải đã kết thúc đổ thải được cải tạo đảm bảo ổn định, được trồng cây phủ xanh giảm thiểu xói mòn đất đá, phục hồi môi trường; đến hết năm 2018, TKV đã cải tạo phục hồi môi trường được trên 1.000 ha bãi thải đã kết thúc, thời gian phủ xanh rút ngắn từ 5 - 6 năm trước đây xuống còn 2 - 3 năm. TKV đang phối hợp với Tập đoàn VinGroup nghiên cứu sử dụng trên 300 triệu m3 đất đá thải làm vật liệu san lấp nền cho các dự án tại Quảng Ninh, phối hợp với Tập đoàn FLC nghiên cứu sử dụng các bãi thải đất đá mỏ đã được cải tạo phục hồi môi trường để phát triển các khu du lịch sinh thái.

     Đá xít thải từ quá trình sàng tuyển than được đổ thải vào các bãi thải đá xít theo đúng quy hoạch, thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; chân bãi thải có đê chắn, có hệ thống tưới nước dập bụi để giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển, đổ thải. Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy tái sử dụng đá xít làm vật liệu san lấp nền, TKV nghiên cứu đầu tư hệ thống vận tải ngược vào trong mỏ than để đổ thải, hạn chế ảnh hưởng môi trường.

     Bùn thải từ tuyển quặng được đổ thải vào các hồ thải quặng đuôi thiết kế và xây dựng trong các thung lũng, được chống thấm, có cửa xả kiên cố, có hệ thống thoát nước mưa xung quanh. Để tăng cường an toàn cho đập chắn, hầu hết các hồ thải quặng đuôi của TKV đã chuyển đổi sang áp dụng quy trình thải ngược (thải bùn từ phía đập trở vào), đập chắn hồ thải quặng đuôi thường xuyên được quan trắc dịch động, trong những năm vừa qua không để xảy ra sự cố tràn vỡ đập. Hồ thải quặng đuôi sau khi được thải đầy sẽ được phủ đất màu và trồng cây phủ xanh phục hồi môi trường.

     Bùn đỏ từ sản xuất aliumin mặc dù được xác định là chất thải thông thường, tuy nhiên do có độ pH ≥ 9 vượt quy chuẩn cho phép nên bùn đỏ được thải trong các hồ thải xây dựng trong các thung lũng theo tiêu chuẩn chống thấm triệt để bằng lớp đất sét và HDPE, có hệ thống giếng thu nước kiềm dư tái sử dụng cho sản xuất không xả ra môi trường; đập chắn hồ bùn đỏ thường xuyên quan trắc dịch động, chất lượng nước ngầm được giám sát định kỳ; xung quanh hồ bùn đỏ có hệ thống thoát nước mặt, luôn có 1 khoang hoạt động và 1 khoang dự phòng. Từ khi Nhà máy sản xuất alumin đầu tiên của TKV (Nhà máy alumin Tân Rai) đi vào sản xuất năm 2015 đến nay, các hồ bùn đỏ đều đảm bảo an toàn, chưa xảy ra tình trạng vỡ đập, tràn bùn nước ra môi trường hoặc thẩm thấu dung dịch xút xuống nước ngầm. Hiện nay ở Nhà máy alumin Tân Rai - Lâm Đồng đã có 2 khoang hồ bùn đỏ kết thúc đổ thải, đang thực hiện phủ đất trên bề mặt để trồng cây phủ xanh, phục hồi môi trường.

     Đối với tro xỉ các nhà máy nhiệt điện của TKV được vận chuyển ra đổ thải tại bãi thải xỉ theo đúng quy hoạch, thiết kế; chân bãi thải xỉ có đê chắn, hố lắng, được nạo vét thường xuyên; để giảm thiểu bụi trong quá trình vận chuyển, đổ thải tro xỉ, lắp đặt hệ thống phun sương dập bụi, tưới nước chống bụi, xung quanh khu vực bãi thải trồng vành đai cây xanh ngăn bụi.

     Để hạn chế tác động của tro xỉ nhiệt điện đến môi trường, những năm qua, TKV đã tích cực nghiên cứu, hợp tác để tái sử dụng tro xỉ, hạn chế thải ra bãi thải. Lượng tro xỉ nhiệt điện của TKV được tái sử dụng để sản xuất gạch ngói không nung, phụ gia xi măng hiện khoảng 700.000 tấn/năm, bằng 27,3% lượng tro xỉ phát sinh hàng năm. Trong đó, tro xỉ Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn sử dụng để sản xuất gạch không nung với khối lượng khoảng 10.000 m3/năm và cấp cho Nhà máy xi măng La Hiên làm phụ gia xi măng khoảng 200-300 tấn/năm; Nhà máy nhiệt điện Đông Triều cấp khoảng 400.000 m3/năm cho Công ty Thanh Tuyền sản xuất gạch ngói không nung; Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả cấp khoảng 300.000 tấn/năm và cho các nhà máy xi măng làm phụ gia xi măng.

     Để giảm thiểu ảnh hưởng của tro xỉ nhiệt điện đến môi trường, giải quyết khó khăn về bãi thải xỉ, những năm tới, TKV tiếp tục tăng cường phối hợp sử dụng tro xỉ làm vật liệu xây dựng, san lấp nền; trường hợp không thể sử dụng hết sẽ xem xét phương án vận chuyển ngược vào trong các mỏ than để đổ thải.

     Với việc chủ động đầu tư và triển khai nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó coi trọng giải pháp tái sử dụng, những năm vừa qua các loại chất thải rắn phát sinh trong sản xuất của, TKV đã được thu gom, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật BVMT, không để xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, góp phần cải thiện môi trường chung trên địa bàn các địa phương có hoạt động sản xuất kinh doanh của TKV.

 

Nguyễn Mạnh Điệp

Trưởng ban Môi trường

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam

(Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 10/2019)

 

Ý kiến của bạn