Banner trang chủ

Hiện trạng biến động hệ sinh thái thảm cỏ biển tại Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và đề xuất giải pháp phục hồi

06/03/2019

     Khu bảo tồn biển (KBTB) Cù Lao Chàm (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) có hệ sinh thái (HST) đa dạng, phong phú, trong đó, thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng như tham gia vào chuỗi thức ăn và là nơi sống cho nhiều loài thủy, hải sản. Tuy nhiên, HST thảm cỏ biển của KBTB đang ngày càng suy giảm về diện tích cũng như phạm vi phân bố.

     Hiện trạng thảm cỏ biển

     Cỏ biển là những thực vật thủy sinh bậc cao, có hoa, sống trong môi trường biển. Chức năng của cỏ biển trong thủy vực ven biển đa dạng cả về giá trị sinh thái và kinh tế. Chức năng chính của thảm cỏ biển là ổn định đới bờ, góp phần chống sạt lở bờ biển, thúc đẩy sự lắng đọng trầm tích và các vật chất hữu cơ, vô cơ, làm sạch môi trường bị ô nhiễm. Đồng thời, các thảm cỏ là nơi sống cho một số động vật trưởng thành và là vườn ươm cho các ấu trùng, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao; lá cỏ biển đem lại nguồn thức ăn trực tiếp cho các loài động vật ăn cỏ hay thực vật biểu sinh; tham gia vào chu trình dinh dưỡng của hệ sinh thái, là một mắt xích quan trọng trong lưới thức ăn...

      Kết quả điều tra nghiên cứu vào tháng 6/2017 của Viện TN&MT biển về hiện trạng thành phần loài, phân bố thảm cỏ biển tại các cụm đảo Cù Lao Chàm trong khuôn khổ “Chương trình độc lập cấp Nhà nước mã số: ĐTĐL.XH-02/16” cho thấy, Cù Lao Chàm có 5 loài cỏ biển, tăng 1 loài so với năm 2007. Tuy nhiên, diện tích và phạm vi phân bố của chúng đã suy giảm nghiêm trọng, năm 2007 tổng diện tích cỏ biển là 50 ha thì đến nay chỉ còn 15ha, chủ yếu tại Bãi Bắc và Bãi Nằn, với độ phủ không đồng đều (trước đây cỏ biển phân bố ở các điểm Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Bìm và Bãi Hương nhưng nay thì không còn).

     Tác động của hoạt động du lịch đến các thảm cỏ biển

     Hoạt động du lịch tại Cù Lao Chàm đã mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng dân cư địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - thương mại - dịch vụ. Theo thống kê của Ban quản lý (BQL) KBTB Cù Lao Chàm, lượng khách du lịch đến đảo Cù Lao Chàm tăng mạnh trong giai đoạn từ năm 2007 - 2015. Để phục vụ cho việc vận chuyển lượng hành khách này, tính đến ngày 31/12/2018 trên địa bàn TP. Hội An có 44 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách tham quan tuyến Hội An - Cù Lao Chàm với 146 phương tiện, trong đó có 140 phương tiện ca nô, 6 tàu gỗ vận chuyển hàng hóa và hành khách đi Cù Lao Chàm, tập trung chủ yếu tại bến tàu chính Bãi Ông và một số địa điểm du lịch tại Bãi Hương và Bãi Bắc. Bên cạnh đó, việc phát triển các công trình, cải tạo tuyến giao thông trên đảo đã gia tăng quá trình xói lở đất, vật liệu xây dựng đưa xuống bãi biển làm suy thoái môi trường nước, tăng độ đục và lắng đọng trầm tích trên các thảm cỏ biển.

 

Cỏ biển Cù Lao Chàm

 

     Do phân bố tại khu vực ven bờ, độ sâu không lớn nên các thảm cỏ biển không thể chống chịu được với tác động của phương tiện vận chuyển khách du lịch từ đất liền ra đảo (chủ yếu là xuồng cao tốc với công suất máy lớn). Mặc dù, không đủ số liệu thống kê để tính toán tương quan giữa diện tích thảm cỏ biển với số lượng khách du lịch đến Cù Lao Chàm, nhưng có thể thấy xu thế giảm đáng kể của diện tích thảm cỏ biển trong thời gian gần đây. Quan sát thực tế cũng cho thấy, các khu vực có hoạt động du lịch mạnh (số lượng ca nô, thuyền và khách du lịch) như Bãi Hương, Bãi Ông, Bãi Chồng và Bãi Bìm đã không phát hiện thảm cỏ biển trong đợt khảo sát, chỉ còn 2 khu vực có cỏ biển phát triển tương đối tốt là Bãi Nằn và Bãi Bắc.

     Một số đề xuất phục hồi hệ sinh thái thảm cỏ biển tại Cù Lao Chàm

     Quản lý, phục hồi và phát triển bền vững hệ sinh thái thảm cỏ biển nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là bài toán khó đối với KBTB Cù Lao Chàm. Do đó, cần thiết phải thực hiện các hoạt động:

     Chấp hành nghiêm các văn bản pháp luật của Trung ương, tỉnh Quảng Nam, TP. Hội An và của BQL KBTB Cù Lao Chàm như: Luật Thủy sản năm 2017; Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo năm 2015; Các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản như số 01/1998/CT-TTg ngày 2/1/1998; số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014; số 45/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; Nghị định số 103/2013/NĐ-CP  quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản…

     Mở rộng phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, tiếp tục tăng cường năng lực cho đội bảo vệ KBTB Cù Lao Chàm, bổ sung trang thiết bị và phương tiện tuần tra; không cấp phép mở bến tàu du lịch tại các khu vực có cỏ biển phân bố, hạn chế tốc độ ca nô khi tiếp cận khu vực nước nông ven bờ; không đổ dầu, rác thải và neo đậu tàu thuyền trên các bãi cỏ biển, rạn san hô; ngăn chặn khai thác bằng phương tiện hủy diệt (kích điện, chất nổ) và hủy hoại môi trường; xây dựng cơ chế phối hợp công tác tốt hơn giữa các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và đại diện ngư dân nhằm bảo vệ nguồn lợi cỏ biển.

     Tiếp tục tăng cường tuyên truyền về lợi ích nguồn lợi sinh vật biển nói chung và nguồn lợi cỏ biển nói riêng trên báo chí, truyền thanh, truyền hình, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân địa phương trong việc bảo vệ cỏ biển.

     Quy hoạch mở rộng các vùng ưu tiên bảo tồn cỏ biển, nuôi trồng thủy sản kết hợp bền vững, trồng phục hồi các thảm cỏ biển bị suy thoái; quan trắc định kỳ các thảm cỏ biển, phát hiện sớm các biến động và có giải pháp phù hợp.

 

Cao Văn Lương, Chu Thế Cường

Viện Tài nguyên và Môi trường biển

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2019)

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn