Banner trang chủ

Hướng đi mới về năng lượng tái tạo và năng lượng sạch

31/05/2017

   Vừa qua, Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp (CTCN) phát điện tại Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội (Nhà máy NEDO) sau quá trình thi công, lắp đặt, chuyển giao công nghệ và chạy thử nghiệm đã chính thức được khánh thành. Đây không chỉ là công trình đầu tiên của Việt Nam và khu vực biến chất thải thành điện năng mà còn là công trình mang tính hữu nghị đặc biệt của hai đất nước Việt Nam - Nhật Bản. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Xuân Huynh - Phó Tổng Giám đốc Công ty URENCO, Giám đốc Dự án.

Ông Nguyễn Xuân Huynh - Phó Tổng Giám đốc Công ty URENCO

   PV: Xin ông cho biết hiện trạng công tác xử lý CTCN trên địa bàn Hà Nội hiện nay?

   Ông Nguyễn Xuân Huynh: Hiện nay, theo thống kê sơ bộ trên địa bàn TP. Hà Nội một  ngày thải ra khoảng 7.000 tấn chất thải trong đó có khoảng 1.000 tấn CTCN, nguy hại. Lượng CTCN, nguy hại này nếu không được giải quyết triệt để, đúng quy trình sẽ là mối đe dọa lớn đối với môi trường.

   Tuy vậy, để xử lý được CTCN đòi hỏi các cơ sở xử lý phải đủ năng lực, đảm bảo được những yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình xử lý theo tiêu chuẩn. Trong thực tế không chỉ riêng ở Hà Nội, chủ nguồn thải là các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở sản xuất cắt giảm chi phí xử lý CTCN, nguy hại bằng cách xả trộm chất thải ra môi trường hoặc thuê những đơn vị vận chuyển chất thải với giá thành rẻ và không có chức năng xử lý.

   Pháp luật hiện hành cũng quy định “đối với CTCN, nguy hại, chủ nguồn thải phải có trách nhiệm đến cùng đối với chất thải của mình thải ra”. Điều 21, Nghị định 155/2016/NĐ-CP cũng chỉ rất rõ hình thức xử phạt đối với các chủ nguồn thải vi phạm các quy định về BVMT.

   PV: Xin ông cho biết công tác phân loại CTCN cũng như những khó khăn khi triển khai xây dựng Nhà máy xử lý CTCN phát điện tại Nam Sơn?

   Ông Nguyễn Xuân Huynh: Đối với CTCN, giá thành xử lý cao hơn so với các loại chất thải thông thường khác, do vậy các chủ nguồn thải thường đã phân loại rất kỹ trước khi đưa đi xử lý. Sau khi tiếp nhận và đưa về Nhà máy, tiếp tục phân loại trước khi cho vào lò đốt. Cộng với đó là công nghệ tiên tiến của lò đốt Rotary - Stoker cho phép đốt được hầu hết các loại chất thải một cách triệt để nhất, do đó gần như không gặp khó khăn trong quá trình đốt rác.

   Điểm khó khăn khi triển khai Dự án lại chính là làm thế nào để nguyên liệu đầu vào luôn đảm bảo để đủ công suất cho Nhà máy hoạt động liên tục. Đây là dự án mẫu, mang tính tiên phong trong việc xử lý chất thải phát điện, do đó chắc chắn trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà máy như vậy được nghiên cứu và xây dựng. Tuy nhiên để nhân rộng mô hình trên cần chú ý đến các vấn đề như: điều kiện về mặt bằng, nhân lực, công nghệ, năng lực quản lý và đặc biệt là điều kiện về tài chính.

   PV: Thưa ông, những tính năng ưu việt và các giải pháp BVMT của công nghệ cũng như ý nghĩa công trình là gì?

   Ông Nguyễn Xuân Huynh: Nhà máy xử lý CTCN phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn sử dụng công nghệ đốt rác tiên tiến của Nhật Bản, sử dụng loại lò đốt Rotary - Stoker với công suất xử lý rác 75 tấn/ngày và điểm đặc biệt nhất là phát được điện năng với công suất là 1,93 MW điện (trong đó hòa lên điện lưới quốc gia khoảng 1,2 MW điện, số điện năng còn lại được phục vụ cho hoạt động nội tại của Nhà máy).

Lễ Khánh thành Nhà máy xử lý CTCN phát điện

   Lò đốt này có thể xử lý được nhiều loại rác thải khác nhau bao gồm chất thải có nhiệt trị cao và kích thước lớn, hệ thống khử Sox trong khói thải kiểu khô dùng đá vôi, lượng Dioxin đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam. Chất thải cuối cùng được thải ra ở dạng tro xỉ có thể dễ dàng xử lý bằng phương pháp hóa rắn hoặc chôn lấp.

Toàn cảnh Nhà máy xử lý CTCN phát điện

   Việc triển khai thực hiện dự án này có  ý nghĩa lớn, là dự án mẫu do Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại, không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, là dự án đầu tiên biến rác thành năng lượng (điện), giải quyết vấn đề cấp thiết về xử lý triệt để CTCN tại Hà Nội và quan trọng hơn, dự án đã mở ra một hướng rất mới về năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

   PV: Xin trân trọng cảm ơn ông.

Phạm Đình (Thực hiện)

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2017

Ý kiến của bạn