12/01/2017
Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri TP trước kỳ họp thứ 3, HĐND TP khóa XV, trong đó đề cập nội dung về mức độ ô nhiễm môi trường và công bố nguyên nhân cá chết tại một số hồ trên địa bàn TP.
Hiện tại, nội đô Hà Nội có khoảng 118 ao hồ, đa số đều bị ô nhiễm bởi nước thải, trầm tích, bùn đáy. Đặc biệt, đối với các hồ có lưu lượng nước thải chảy vào đã vượt quá khả năng tự làm sạch của hồ gây ô nhiễm hữu cơ, dầu mỡ, kim loại nặng, vi sinh. Với các hồ đã cải tạo kè đá, có nhiều hồ được nạo vét lấy bùn, xây dựng đường dạo tạo cảnh quan khu vực xung quanh hồ, tuy nhiên, do các hồ này là hồ điều hòa nên ngay cả khi đã được tách nước thải hoàn toàn thì vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải chảy vào hồ như Hồ Tây, Trúc Bạch, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... gây ô nhiễm. Đối với các hồ chưa được cải tạo (Linh Quang, Tứ Liên, Đại Kim, Phùng Khoang...), hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ còn diễn ra phổ biến làm thu hẹp diện tích sử dụng, giảm khả năng điều hòa thoát nước và gây mất mỹ quan đô thị. Ngoài ra, xung quanh các hồ thường có nhiều hàng quán, gây mất vệ sinh môi trường.
Theo kết quả quan trắc tại một số hồ nội thành do Trung tâm Quan trắc TN&MT Hà Nội thực hiện từ 2011 - 2016 cho thấy, chất lượng nước hồ tại các khu vực nội thành đã và đang ô nhiễm, hầu hết chỉ tiêu ô nhiễm đều vượt ngưỡng quy chuẩn cho phép theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột B1). Trong tất cả các hồ được lựa chọn để lấy mẫu quan trắc, đánh giá chất lượng nước trong giai đoạn 2011 - 2015 và 3 tháng đầu năm 2016, hồ Giáp Bát, hồ Văn Quán có chất lượng nước xấu nhất; các hồ có chất lượng nước tốt hơn là hồ Thanh Nhàn 1, hồ Thanh Nhàn 2B và hồ Xã Đàn. Tại các hồ trên, ngoài thông số Fe nằm trong giới hạn cho phép, các thông số còn lại đều vượt quy chuẩn cho phép, trong đó thông số COD, BOD5 đo có giá trị biến động qua các năm và giữa các hồ không lớn; dầu mỡ khoáng trong giai đoạn 2019 - 2016 cao hơn giai đoạn trước và vượt quy chuẩn cho phép. Đối với Hồ Tây, theo kết quả quan trắc hàng năm của Sở TN&MT, các thông số ô nhiễm cơ bản đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), chất lượng nước Hồ Tây tương đối tốt.
Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc cá chết tại các hồ thời gian qua, UBND TP. Hà Nội nêu ra các nguyên nhân sau: Thứ nhất, do hầu hết hồ của Hà Nội là hồ điều hòa, nên vẫn tiếp nhận hỗn hợp nước mưa lẫn nước thải khi có mưa chảy vào hồ. Một số hồ như Hồ Tây, Trúc Bạch, Thanh Nhàn 2A, Linh Đàm, Nghĩa Tân, Kim Liên... đã cải tạo kè bờ, có xây dựng hệ thống chặn nước thải nhưng chưa tách nước thải hoàn toàn nên vẫn tiếp nhận một phần nước thải chảy vào hồ, gây nên hiện tượng tái ô nhiễm nước; Thứ hai, thời tiết thay đổi dẫn tới thiếu ôxy trong nước, hàm lượng DO thấp (DO là lượng ôxy hòa tan trong nước cần thiết cho sự hô hấp của thủy sinh); Thứ ba, ý thức người dân kém, xả thẳng rác thải và xả thải trái phép vào hồ; Thứ tư, còn hiện tượng cho phép nuôi, thả cá kinh doanh làm ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường hồ.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện xử lý nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C |
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm các hồ trên địa bàn TP, từ tháng 8/2016, UBND TP đã giao Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện thử nghiệm xử lý ô nhiễm các hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C của Đức. Đến nay, TP đã tiến hành thử nghiệm xử lý ô nhiễm thành công tại 3 hồ: Hố Mẻ, Giáp Bát, Ba Mẫu. Kết quả cho thấy, các chỉ tiêu ô nhiễm cơ bản tại các hồ đã đạt QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt), nước hồ trong, không mùi, hết váng tảo, đã được hội đồng khoa học, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư ghi nhận và ủng hộ. Trong năm 2016, TP đã thực hiện xử lý ô nhiễm được 70 hồ trên địa bàn TP bằng công nghệ này. Ngoài ra, TP cũng triển khai nhiều giải pháp khác nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm hồ như tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hành vi xả thải của các đơn vị kinh doanh quanh hồ; lắp đặt trạm quan sát tự động, kiểm soát chất lượng nước tại một số hồ (Hoàn Kiếm, Hồ Tây); đẩy nhanh các dự án cải tạo hồ như hệ thống thoát nước, thu gom, tách nước thải vào các sông, hồ; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT hồ…
Với quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm hồ Hà Nội, thời gian tới, TP sẽ tiếp tục nhân rộng việc xử lý toàn bộ các hồ trên địa bàn bằng chế phẩm Redoxy-3C của Đức. Đồng thời, tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ: Nâng cao ý thức và trách nhiệm của cộng đồng trong công tác giám sát và BVMT, cảnh quan hồ; Tìm kiếm các công nghệ tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của TP để xử lý ô nhiễm các hồ trên địa bàn; Duy trì chất lượng nước các hồ đã xử lý ô nhiễm nước thành công; Đẩy nhanh việc triển khai các dự án cải tạo hồ; Tập trung nguồn lực cho việc xử lý ô nhiễm nước sông, hồ từ nguồn ngân sách TP kết hợp với các nguồn vốn huy động khác.
Hương Trần
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2016