Banner trang chủ

Giảm thiểu sử dụng túi ni lông tại Hội An - Bài học thành công đến từ sự đồng thuận của người dân

10/09/2018

     Cù Lao Chàm là một điểm sáng tiêu biểu trên cả nước về thực hiện hiệu quả Chương trình “Giảm thiểu sử dụng túi ni lông”. Bài học thành công của Cù Lao Chàm đã được nhân rộng tại các phường, xã ở Hội An - nơi được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới.

     Điểm sáng Cù Lao Chàm

     Quần đảo Cù Lao Chàm gồm 8 hòn đảo lớn nhỏ theo hình cánh cung trải rộng trên diện tích biển 15 km², cách đô thị cổ Hội An khoảng 19 km. Năm 2009, Cù Lao Chàm được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) với các giá trị đặc trưng về tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.

     Trước đây, tại Cù Lao Chàm, các loại túi ni lông cùng với rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động du lịch, khai thác thủy sản đều thải ra biển, gây ô nhiễm môi trường… Trước tình hình đó, tháng 5/2009, TP. Hội An đã phối hợp với UBND xã Tân Hiệp (vùng lõi của Khu DTSQTG) phát động Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông”, huy động sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là phụ nữ, nhằm BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học tại quần đảo Cù Lao Chàm.

 

Đoàn Thanh niên trong xã tặng túi giấy cho các tiểu thương trong chợ

 

     Với sự quyết liệt của các cấp lãnh đạo TP, sự nỗ lực của chính quyền xã Tân Hiệp và sự đồng lòng hưởng ứng của người dân, Chiến dịch đã được thực hiện thành công với nhiều hoạt động thiết thực nhằm giảm thiểu túi ni lông trên quần đảo. Để người dân từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi ni lông, xã đã thành lập một tổ công tác gồm 10 thành viên để thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không sử dụng túi ni lông; đồng thời, đưa chủ trương giảm thiểu sử dụng túi ni lông vào Nghị quyết của HĐND xã và làm tiêu chí xét chọn “Gia đình văn hóa”. Bên cạnh đó, xã còn xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền cho người dân về tác hại của túi ni lông; treo các biển hiệu, pa nô, áp phích trên đường, cầu cảng… với khẩu hiệu “Vì Cù Lao Chàm, vì biển xanh, đảo xanh”; “Xách giỏ đi chợ - phong cách của người nội trợ”; “Tiết kiệm bao bì là BVMT”… Các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, dịch vụ tại Cù Lao Chàm phải ký vào bản cam kết không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt, không phát túi ni lông cho người mua hàng. Đầu năm 2010, UBND xã Tân Hiệp đã thành lập đội kiểm tra liên ngành để giám sát, xử lý vi phạm hành chính về sử dụng túi ni lông. Nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng, tiểu thương bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng, riêng hộ gia đình thì bị nhắc nhở, phê bình trước toàn khu phố, đồng thời cắt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

     Bên cạnh việc đưa ra các quy định pháp lý, UBND xã Tân Hiệp còn cung cấp hàng nghìn giỏ nhựa và túi sinh thái tự hủy cho các hộ gia đình, hộ kinh doanh trên quần đảo. Người dân cũng chủ động sử dụng túi lưới, lá chuối, lá môn, cặp lồng, giỏ đan từ tre, nứa… để đựng đồ ăn, thực phẩm, hàng hóa. Thậm chí, chị em phụ nữ, đoàn viên, thanh niên trong xã còn có “sáng kiến” lấy sách báo, bao bì cũ làm thành túi giấy. Du khách đến với Cù Lao Chàm cũng được nhắc nhở không sử dụng túi ni lông và cung cấp các loại túi sinh thái, túi giấy để sử dụng.

     Tại các điểm thăm quan, khu nghỉ dưỡng, sau khi phục vụ du khách, các nhân viên đều thu gom và phân loại rác cẩn thận. Toàn bộ túi ni lông và rác thải khó phân hủy được vận chuyển bằng thuyền chuyên dụng từ Cù Lao Chàm vào đất liền xử lý. Chiếc thuyền trông giống thuyền du lịch, với hầm chứa khoảng 8 - 9 m³ rác, làm bằng inox và có bộ lọc không cho nước bẩn rò rỉ ra biển. Ngoài ra, Cù Lao Chàm còn được trang bị 5 xe chở rác và các thuyền thúng vớt rác trên biển. Để thuận tiện cho việc thu gom, người dân còn kết hàng trăm cây tre với nhau, chắn quanh các mép nước ngăn không cho rác và túi ni lông dạt từ biển vào các kẽ đá.

 

Người dân sử dụng túi giấy để thay thế túi ni lông

 

     Nhờ những việc làm tích cực và ý nghĩa trên, Chiến dịch “Cù Lao Chàm nói không với túi ni lông” đã thành công, góp phần tạo nên một bài học lớn về sự gắn kết, đồng thuận giữa chính quyền và người dân trong công tác BVMT. Môi trường xanh - sạch - đẹp tại Cù Lao Chàm là điều mà bất kỳ du khách nào khi đến với Cù Lao Chàm đều cảm nhận. Việc “nói không với túi ni lông” tại Cù Lao Chàm không chỉ tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo, mà qua đó còn góp phần BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu DTSQTG.

     Lan tỏa đến toàn TP. Hội An

     Từ kinh nghiệm “nói không với túi ni lông” ở Cù Lao Chàm, chính quyền TP. Hội An đã nỗ lực nhân rộng mô hình. Ngày 9/9/2009, lần đầu tiên, TP. Hội An phát động phong trào “Ngày không túi ni lông” và hàng năm, cứ vào ngày này, TP lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giảm thiểu việc sử dụng túi ni lônng trên địa bàn TP. Năm 2010. TP thực hiện thí điểm Chương trình “Giảm thiểu sử dụng túi ni lông” trên địa bàn phường Minh An và khu vực chợ Hội An. Đến năm 2014, Hội An đã triển khai phát động Chương trình trên toàn TP để không chỉ một ngày mà hàng ngày, người dân TP sẽ loại bỏ dần thói quen sử dụng túi ni lông. Với quyết tâm đó, TP đã đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về giảm thiểu sử dụng túi ni lông như treo băng rôn, pa nô, áp phích, phát tờ rơi; tổ chức các buổi họp dân, tọa đàm, tập huấn; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của TP, xã, phường; xây dựng và thực hiện những mô hình, chương trình tự quản về BVMT, trong đó lồng ghép nội dung giảm thiểu sử dụng túi ni lông. Các tổ chức hội như Cựu chiến binh, Phụ nữ các cấp cũng tổ chức nhiều chương trình như gấp túi giấy tặng phụ nữ tiểu thương, vận động hội viên đăng ký thực hiện, cấp phát giỏ xách đi chợ, thay thế túi ni lông… Không chỉ các hội đoàn thể, Chương trình “Giảm thiểu sử dụng túi ni lông” tại Hội An cũng thu hút các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng trên địa bàn TP nhiệt tình hưởng ứng, góp phần thay thế túi ni lông bằng các loại túi thân thiện với môi trường.

     Qua các hoạt động tuyên truyền và tổ chức thực hiện trong gần 10 năm qua tại Hội An, Chương trình đã tạo được hiệu ứng tích cực trong công tác BVMT, từng bước loại bỏ thói quen sử dụng túi ni lông của người dân, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, xây dựng hình ảnh Hội An ngày càng xanh - sạch - đẹp. Bài học giảm thiểu sử dụng túi ni lông ở Hội An là một mô hình tiêu biểu để các địa phương tham khảo, học tập, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

 

Đỗ Thị Huyền Trang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2018)

 

 

Ý kiến của bạn