02/01/2019
Những năm gần đây, rác thải từ những phao xốp bị vỡ trong nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển đã làm ảnh hưởng đến môi trường biển, nhằm hạn chế thực trạng trên, ngày 28/12/2018, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub) phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản Bền vững (ICAFIS) đã tổ chức Hội thảo “Giải pháp thân thiện với môi trường cho vật liệu nổi trong nuôi trồng thủy sản tại vịnh Hạ Long, Bái Tử Long”. Hội thảo nhằm giới thiệu giải pháp phủ sơn cho bề mặt phao xốp sử dụng trong nuôi trồng thủy sản lồng, bè trên biển.
Trong nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa, các cuộc khảo sát về chất thải ven biển được tổ chức gần đây bởi Liên minh Hạ Long - Cát Bà đã cho thấy, các loại rác thải chủ yếu dọc theo vịnh Hạ Long, bao gồm bọt xốp từ các khu nuôi trồng thủy sản trên biển, nhựa từ du lịch và thuyền đánh cá. Thống kê của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trong các năm 2016, 2017, phao xốp chiếm từ 50 - 70% lượng rác thải biển tìm thấy trong các sự kiện làm sạch bờ biển.
Ông Đinh Xuân Lập - Phó giám đốc Trung tâm ICAFIS phát biểu khai mạc Hội thảo
Bên cạnh đó, theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm ICAFIS, nghề nuôi cá lồng ở Việt Nam đã phát triển từ năm 1999, góp phần cải thiện sinh kế và phát triển kinh tế của các địa phương ven biển. Các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang là những nơi sản xuất lồng nuôi cá biển lớn nhất trên cả nước. Ước tính, để tiến hành nuôi một lồng cá với diện tích 180 m2 thì trung bình người nuôi cần sử dụng 40 quả phao xốp và phao xốp sau khi sử dụng một thời gian sẽ bị vỡ vụn thành có mảnh nhỏ li ti và gây ảnh hưởng rất lớn tới mỹ quan hệ sinh thái biển và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh vật biển.
Phát biểu tại Hội thảo ông Đinh Xuân Lập - Phó giám đốc Trung tâm ICAFIS nhận định: “Những hệ lụy từ việc sử dụng phao xốp là khi phao xốp bị vỡ ra thành các mảnh nhỏ, việc thu gom chúng là rất khó và các loài sinh vật biển bị nhầm tưởng là thức ăn, điều này gây tác hại nghiêm trọng đến môi trường biển”.
Để có giải pháp cho độ bền của vật liệu nổi trong nuôi, trồng thủy sản, tại Hội thảo, đại diện Trung tâm GreenHub đã trình bày sáng kiến thử nghiệm sử dụng sơn LINE- X® sơn lên bền mặt phao xốp. Loại sơn này giúp kéo dài tuổi thọ các vật dụng từ 7 - 10 năm. Khi phủ sơn LINE- X® lên bề mặt, lớp sơn sẽ đóng vai trò như một lớp áo bọc phao xốp, làm tăng độ bền của phao xốp (chịu va đập, nén, kéo, chống thấm nước) và vẫn đảm bảo được độ nổi của phao xốp, từ đó tránh cho phao xốp bị vỡ vụn. Một số hộ nuôi trồng thủy sản lồng bè tại Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã được chọn áp dụng thí điểm sử dụng phao xốp được phủ sơn Line-X®. Vật liệu nổi được phủ sơn LINE- X® sẽ là một giải pháp hữu ích trong việc BVMT biển và đảm bảo cho nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Châu Loan