12/12/2017
Dự án “Giải pháp tổng thể cho Trường Sa xanh, cho biển đảo Tổ quốc” là công trình nghiên cứu của các chuyên gia Trung tâm Vật liệu mới và Hội làm vườn Hà Nội phối hợp thực hiện. Dự án nằm trong mô hình “Ứng dụng công nghệ mới vào xử lý môi trường chăn nuôi, rác và nước thải trong sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đảo Trường Sa” do kỹ sư Bùi Công Khê - Giám đốc Trung tâm Vật liệu mới làm chủ nhiệm.
Hơn một năm trước, kỹ sư Bùi Công Khê đã có chuyến thăn đảo Trường Sa trong khuôn khổ hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương năm 2016”. Trải qua 10 ngày trên biển, đi qua 9 hòn đảo và thăm nhà giàn DK1, điều ông trải nghiệm không chỉ là một chuyến tham quan đơn thuần mà còn là cơ hội để ứng dụng hai chế phẩm vi sinh là bột kích hoạt vi sinh Bioaktic-Eco và dung dịch polyme diệt khuẩn Medipag-20 tại đảo chìm Đá Tây và đảo nổi Trường Sa Đông. Đây là các chế phẩm có khả năng khử mùi, xử lý môi trường tại các khu chăn nuôi, ao hồ, bãi rác công cộng.
Dự án góp phần gìn giữ màu xanh bền vững cho quần đảo Trường Sa (Ảnh: TTXVN)
Theo kỹ sư Bùi Công Khê, nguyên nhân gây ô nhiễm tại quần đảo Trường Sa là do nhiều yếu tố, như điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nguồn nước ngọt khan hiếm, diện tích đảo chật hẹp, tập trung đông người, công tác tăng gia, chăn nuôi ngày càng phát triển. Vì vậy, việc ứng dụng các chế phẩm thân thiện với môi trường dựa trên hoạt tính sinh học cao, an toàn tuyệt đối, không độc, không mùi đặc trưng chất sát trùng diệt khuẩn sẽ góp phần tái lập môi trường trong sạch cho các đảo, điểm đảo. Yêu cầu đặt ra là phải có giải pháp xử lý để đảm bảo môi trường trong lành cho các đảo, điểm đảo, góp phần gìn giữ màu xanh bền vững quần đảo Trường Sa nói riêng, môi trường biển đảo của Tổ quốc nói chung.
Chế phẩm được sử dụng là dung dịch polyme diệt khuẩn AD (Medipag-20) - hoạt chất diệt khuẩn dạng polyme muối cao phân tử từ Polyhexanmethylene Guanidine (PHMG) và bột kích hoạt vi sinh Bioaktiv- Eco là chất phấn đá thiên nhiên CaCO3 96,2 %; các chất khác (Mg CO3, SiO2, Al2O3, Fe2O3, Na2O) 3,8% và nhiều vi lượng khác được chế tạo bằng công nghệ Đức.
Theo ý kiến đề xuất của Bộ Tư lệnh Hải quân, trong tháng 5/2017, đoàn công tác gồm các chuyên gia của Trung tâm Vật liệu mới, Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4 đã tiến hành khảo sát thực địa, triển khai mô hình xử lý môi trường tại Trường Sa và căn cứ trên bờ Cam Ranh thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân vùng 4.
Riêng tại đảo Trường Sa, đoàn đã thực nghiệm rải bột kích hoạt vi sinh Bioaktic-Eco tại khu chăn nuôi tập trung, phun dung dịch Medipag-20 tại khu vực hầm, hào, công sự sau đó vệ sinh bệnh xá và khu điều trị.
Kết quả bước đầu từ đợt thực nghiệm cho thấy mùi ẩm mốc tại các hầm và công sự đã giảm, không khí tại các khu vực này cũng thông thoáng hơn, các khu bể chứa, rãnh nước thải bớt ruồi muỗi, mùi hôi. Chế phẩm này hoàn toàn phù hợp với các đảo của huyện đảo Trường Sa.
Các chế phẩm này cũng là một trong những kết quả của Chương trình “Trường Sa xanh” giai đoạn 2016 - 2018 do Trung ương Đoàn phối hợp với Quân chủng Hải quân phát động. Sau khi sử dụng tại hai đảo thuộc huyện đảo Trường Sa nếu đạt kết quả tốt, Quân chủng Hải quân sẽ lựa chọn để áp dụng tại các đảo, điểm đảo khác.
Phạm Đình (Theo baomoi.com)