25/09/2017
Hiện nay, vấn đề môi trường tại các bãi chôn lấp (BCL) rác thải, bãi thải mỏ khai thác khoáng sản, bãi chứa lưu giữ tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện đang được các cấp, ngành, dư luận đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi thải, đáp ứng yêu cầu về BVMT trong quản lý chất thải là một “bài toán khó” đang được đặt ra cho các nhà quản lý, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong công tác quản lý môi trường tại các bãi thải, đem đến những giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp trong xử lý chất thải, ngày 22/9/2017, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT đã phối hợp với Tập đoàn GSE tổ chức Hội thảo “Quản lý bãi thải tại Việt Nam: Hiện trạng và Xu hướng”.
Toàn cảnh Hội thảo
Thời gian qua, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh trên cả nước đã tăng nhanh chóng về số lượng, với thành phần ngày càng phức tạp, trong khi đó công nghệ xử lý chưa đảm bảo kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hiện nay, lượng CTR tại Việt Nam được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, đòi hỏi nhiều quỹ đất, trong đó phần lớn là BCL không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến cuối năm 2016, nước ta có khoảng 660 BCL (chưa thống kê được đầy đủ các BCL nhỏ, rải rác ở các xã), trong đó có khoảng hơn 200 BCL hợp vệ sinh. Ở nhiều tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây nguyên, chất thải công nghiệp và CTR sinh hoạt vẫn còn chôn lấp chung. Tại khu vực Tây Nguyên, các BCL lộ thiên thường được bố trí tại các thung lũng, có nơi gần đầu nguồn nước gây ô nhiễm môi trường khu vực hạ nguồn. Đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhiều BCL không có bờ bao, khi mùa lũ về, bãi chôn lấp bị ngập nước gây ô nhiễm môi trường. Việc xử lý CTR chưa đáp ứng nhu cầu; công tác quản lý CTR nói chung hiện nay còn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTR theo các quy hoạch được duyệt còn chậm, đặc biệt đối với các cơ sở xử lý CTR mang tính chất liên đô thị, liên vùng… Tại các bãi thải mỏ, nhiều bãi thải đã xây dựng kè bờ chân bãi thải, bố trí hố thu lắng nước mưa chảy tràn, phun tưới đường dập bụi… nhưng việc thực hiện quản lý bãi thải của nhiều đơn vị chưa tốt, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý bãi thải tại Việt Nam, đề xuất những giải pháp, khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý chất thải và tìm hiểu những công nghệ, ứng dụng vật liệu địa kỹ thuật của Tập đoàn GSE trong xử lý môi trường tại các bãi thải. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại các BCL rác thải, bãi thải mỏ và bãi thải tro, xỉ, thạch cao, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xử lý chất thải là yêu cầu cấp bách đối với nhiều địa phương. Tập đoàn GSE là nhà sản xuất và kinh doanh hàng đầu thế giới về các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ về màng chắn địa kỹ thuật ứng dụng trong quản lý chất thải, khai khoáng, nước và thủy sản. Với những tính năng ưu việt mà các sản phẩm vật liệu địa kỹ thuật của Tập đoàn GSE có được, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các bãi thải ở nhiều địa phương sẽ sớm được giải quyết, đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh khu vực bãi thải…
Giáng Hương