Banner trang chủ

Giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, Yên Bái

02/03/2017

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Nà Hẩu được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt tại Quyết định số 512/QĐ-UB ngày 9/10/2006, với tổng diện tích tự nhiên là 16.950 ha, trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt là 7.250 ha, phân khu phục hồi sinh thái là 9.700 ha. Nằm trên địa bàn 4 xã Nà Hẩu, Đại Sơn, Mở Vàng và Phong Dụ Thượng (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), KBTTN Nà Hẩu có hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đa dạng mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam với nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

     Các tác động tới KBTTN Nà Hẩu

     KBTTN Nà Hẩu như một lòng chảo được tạo nên từ thung lũng hẹp, xung quanh được bao bọc bởi những dãy núi cao. Địa hình nơi đây bị chia cắt mạnh tạo thành nhiều khe suối và các đồi, núi thấp có độ cao trung bình từ 600 - 700 m so với mặt nước biển. Theo thống kê, hệ thực vật rừng của KBTTN có 396 loài, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam. Rừng nơi đây chủ yếu là rừng nguyên sinh, rậm rạp với nhiều tầng cây, tán lá. Tầng cao nhất là hệ sinh thái rừng lá rộng thường xanh, với  nhiều loài gỗ quý như chò nâu, giổi, trám, pơ mu, lát hoa...; tầng giữa là tầng cây thường xanh lá kim như loài de, giẻ...; tầng dưới phân thành nhiều lớp cây cao thấp khác nhau, chủ yếu là các cây gỗ nhỏ ưa bóng; tầng thảm tươi chủ yếu là cây bụi, dương sỉ, cau rừng…

 

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên  (Yên Bái) và tổ bảo vệ rừng thôn 3 tuần tra bảo vệ rừng Nà Hẩu

 

     Về động vật rừng, KBTTN có khoảng 72 loài thú, 240 loài chim, 48 loài bò sát…, trong đó có nhiều loài có giá trị có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới như sơn dương, gấu, vượn đen tuyền, voọc xám, rùa đầu to, kỳ đà hoa. Ngoài ra, khu vực rừng trong vùng lõi của KBTTN còn là nơi sinh sống của một số loài chim có vùng phân bố hẹp, trong đó có một số loài chim bị đe dọa toàn cầu như hồng hoàng, gà lôi…

     Hiện nay, công tác bảo tồn ĐDSH trong KBTTN Nà Hẩu đang chịu nhiều sức ép do dân số sống trong vùng đệm ngày càng tăng. Người dân thường vào rừng khai thác tài nguyên rừng trái phép, làm mất cân bằng hệ sinh thái động, thực vật rừng. Theo báo cáo của Ban quản lý (BQL) KBTTN cho thấy, trong 5 năm (2010-2015) đã phát hiện 98 vụ với 61 đối tượng vi phạm về khai thác trái phép lâm sản rừng, thu giữ 74,79 m3 gỗ pơ mu; 7,71 m3 gỗ đinh trắc; 52,44 m3 gỗ rừng khác; xử phạt vi phạm hành chính 604 triệu đồng; Khởi tố hình sự 2 vụ về tội hủy hoại rừng gây thiệt hại 5,1 ha rừng phòng hộ và 4,55 ha rừng sản xuất.

     Cùng với đó, do nhu cầu sử dụng động vật hoang dã làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh, trưng bày… có xu hướng gia tăng nên tình trạng săn bắt, buôn bán và tiêu thụ bất hợp pháp ngày càng diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là việc người dân sử dụng súng săn, súng tự chế, đặt bẫy để tàn sát thú rừng. Riêng năm 2015, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã phối hợp với BQL KBTTN Nà Hẩu xử lý 32 vụ (với 33 đối tượng) vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó, khởi tố hình sự 1 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 31 vụ, với tổng số tiền là 155 triệu đồng, tiến hành cứu hộ và thả lại về rừng nhiều động vật hoang dã. Thêm vào đó, các hoạt động lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, đường giao thông và chăn thả gia súc tự do trong rừng đặc dụng đã làm mất các sinh cảnh quan trọng của thú tại khu vực bảo tồn. Các quần thể sống trong điều kiện sinh cảnh bị chia cắt và thu hẹp sẽ dẫn tới tình trạng giao phối nội dòng, suy thoái thế hệ.

     Tăng cường các giải pháp bảo tồn và phát triển bền vững

     Trước tình trạng trên, BQL KBTTN Nà Hẩu đã phối hợp với UBND các xã, đặc biệt là xã vùng lõi để triển khai các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái của KBTTN. Một tổ Kiểm lâm gồm từ 3 - 4 người được thành lập và duy trì tại xã Nà Hẩu với nhiệm vụ tham mưu về các giải pháp bảo vệ rừng; giao khoán bảo vệ rừng cho các nhóm hộ. Ngoài các chốt trực của lực lượng kiểm lâm trên địa bàn, huyện Văn Yên còn huy động lực lượng dân quân, người có uy tín của đồng bào bản địa cùng tham gia bảo vệ rừng.

 

Loài voọc xám đang có nguy cơ tuyệt chủng ở KBTTN Nà Hẩu

 

     Để tăng cường công tác bảo tồn ĐDSH, BQL KBTTN đã đề ra một số giải pháp như: Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật của KBTTN; Đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác quản lý, xây dựng phòng thí nghiệm để nghiên cứu, giám sát ĐDSH, lưu giữ, nhân giống và bảo quản các mẫu vật di truyền hoang dã; thiết lập cơ sở dữ liệu, chế độ báo cáo và cơ chế chia sẻ thông tin về ĐDSH với các khu bảo tồn quốc gia; Áp dụng và thực hiện các giải pháp khoa học công nghệ trong bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH.

     Mặt khác, điều tra cơ bản về tài nguyên sinh vật, trong đó chú trọng đến đặc điểm sinh học, sinh thái của các loài sinh vật đặc hữu, quý, hiếm và các hệ sinh thái đặc thù, nhạy cảm, từ đó lập kế hoạch bảo tồn, bảo vệ các loài quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; Bảo tồn, lưu giữ, trưng bày các nguồn gen, hiện vật, tiêu bản các loài đặc hữu, quý, hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, và phát triển du lịch sinh thái; Áp dụng các mô hình gây nuôi và tái thả các loài hoang dã vào tự nhiên, sử dụng bền vững loài, nguồn gen; sử dụng các biện pháp khai thác bền vững về tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH; Khuyến khích, huy động sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ rừng và ĐDSH…

 

Lê Mai

Sở NN&PTNT Yên Bái

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2017

 

 

Ý kiến của bạn