Banner trang chủ

Gặp nhà khoa học nữ đam mê nghiên cứu khoa học môi trường

05/08/2020

    Với những nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực Khoa học vật liệu, thực hiện Đề tài "Đề án nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0,8W0,2O2, để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo", PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh đã trở thành một trong 3 đại diện của Việt Nam nằm trong tốp 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á năm 2020 được Tạp chí Asian Scientist (Singapo) bình chọn. Để tìm hiểu rõ hơn về những đóng góp của bà trong lĩnh vực môi trường, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân.

 

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân - Trường Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh

 

PV: Xin chúc mừng PGS.TS đã được vinh danh trong Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020. Cảm xúc của PGS.TS lúc này như thế nào?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Tôi đến với khoa học, vì yêu khoa học và mong muốn được khám phá những điều thú vị của cuộc sống. Do vậy, khi biết mình có mặt trong Danh sách 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á năm 2020, tôi cảm thấy rất vui mừng, vinh dự và hạnh phúc nhưng cũng mang theo một áp lực không nhỏ. Nhận được giải thưởng đã khó, giữ được giá trị và danh tiếng của giải lại càng khó hơn.

    Bản thân tôi không nghĩ rằng đây là phần thưởng của riêng cá nhân. Nói theo cách khác thì đây chính là đóng góp chung của nhiều nhà khoa học, bởi trong quá trình thực hiện đề tài, tôi đã nhận được sự hỗ trợ, cổ vũ, những chia sẻ quý báu từ các đồng nghiệp. Tôi đặc biệt trân trọng sự hợp tác ấy. Nhiều năm công tác tại Đại học TN&MT TP. Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy nhà trường đang có sự quan tâm, đầu tư rất lớn cho nghiên cứu khoa học (NCKH) cũng như có những chính sách đãi ngộ xứng đáng cho các nhà khoa học để công bố các công trình chất lượng. Tôi cùng với các đồng nghiệp hiện đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế để cùng nhau chia sẻ ý tưởng và thực hiện các công trình nghiên cứu hữu ích cho cuộc sống.

PV: PGS. TS có thể chia sẻ những ưu điểm vượt trội của Đề tài nghiên cứu mà cô thực hiện được Hội đồng bình chọn, trao giải, cũng như tính ứng dụng của nghiên cứu trong thực tiễn hiện nay?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Đề tài nghiên cứu tổng hợp xúc tác nano hợp kim Pt-Mo trên vật liệu nano Ti0,8W0,2O2 để nâng cao khả năng chịu đầu độc CO và giảm giá thành cho loại pin nhiên liệu sử dụng trực tiếp methanol là một dạng năng lượng tái tạo. Hướng nghiên cứu này sẽ mang đến lợi ích thiết thực trong việc sử dụng rộng rãi pin nhiên liệu, để thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch và giảm sự nóng lên toàn cầu do khí thải CO2.

    So với các loại pin truyền thống thì pin nhiên liệu không bị mất điện và cũng không có khả năng tích điện, không cần sạc. Pin nhiên liệu hoạt động liên tục khi nhiên liệu và chất ôxi hóa là ôxi được đưa từ ngoài vào. Do đó, có thể nói, pin nhiên liệu là loại thiết bị năng lượng có mức thải ô nhiễm gần như "bằng 0", thân thiện với môi trường và lượng nước sinh ra sau phản ứng là nước sạch có thể dùng uống được. Ngoài ra, so với các dạng năng lượng tái tạo khác như mặt trời, gió, địa nhiệt.., pin nhiên liệu không phụ thuộc vào thời tiết, địa hình hay đòi hỏi diện tích lớn nên có thể chế tạo ở quy mô phòng thí nghiệm đến quy mô công nghiệp với công suất khác nhau, ứng dụng từ thiết bị nhỏ gọn di động như máy tính, điện thoại, dùng trong giao thông, sản xuất điện… Đây là nguồn năng lượng vô tận, có thể tái sinh được và giữ vai trò chủ đạo thay thế nhiên liệu hóa thạch.

    Tuy nhiên, pin nhiên liệu có nhược điểm là giá thành còn cao nên cần nghiên cứu giảm giá thành để ứng dụng rộng rãi hơn. Nghiên cứu này hướng đến tổng hợp vật liệu nano mới, làm giảm giá thành pin nhiên liệu và tăng hiệu suất pin. Cùng với đó, cải thiện hiệu suất của hợp kim so với Pt nguyên chất, nhờ đó nâng cao hoạt tính và thời gian hoạt động của xúc tác điện hóa Pt, mang đến hiệu quả về chi phí, hoạt động và độ bền cao để có thể thương mại hóa được loại pin nhiên liệu thân thiện với môi trường này trong tương lai.

 

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân hướng dẫn sinh viên thực hành nghiên cứu

 

PV: Là một phụ nữ làm khoa học, trong quá trình nghiên cứu Đề tài, PGS.TS gặp khó khăn, thách thức gì và đã vượt qua như thế nào?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Những năm qua, tỷ lệ phụ nữ tham gia nghiên cứu khoa học không ngừng tăng và ngày càng có nhiều người trong số họ thành công trên lĩnh vực NCKH, phát triển công nghệ. Tuy nhiên, so với nam giới, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn khi dấn thân vào con đường NCKH, bởi họ vừa phải làm tròn vai trò của người “xây tổ ấm”, vừa phải thực hiện nhiệm vụ NCKH của mình. Do đó, tôi cho rằng, việc sắp xếp khoa học để cân bằng cuộc sống gia đình và công việc là điều rất quan trọng. Dù ở bất cứ vị trí nào, tôi cũng đều cố gắng cống hiến tài năng, trí tuệ của bản thân để cùng với các nhà khoa học của Việt Nam có thêm nhiều công trình chất lượng công bố trên các tạp chí uy tín của thế giới.

    Hiện nay, điều kiện và môi trường nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn. Trở về giảng dạy và nghiên cứu lĩnh vực pin nhiên liệu, dù là lĩnh vực đã từng nghiên cứu trước đó ở nước ngoài nhưng bản thân tôi cũng gặp không ít trở ngại. Khó khăn đầu tiên là nguồn kinh phí và trang thiết bị phòng thí nghiệm, các kỹ thuật phân tích hiện đại phục vụ cho hướng nghiên cứu mới còn thiếu. Một số hóa chất sử dụng cho việc tổng hợp vật liệu phải đặt mua, nhiều phương pháp đo đạc, phân tích hiện đại phải gửi đi các Trường đại học, Viện nghiên cứu ở nước ngoài. Ngoài ra, mô hình các nhóm nghiên cứu, kỹ năng làm việc nhóm thực sự chưa phát triển ở Việt Nam cũng là những rào cản nhất định trong NCKH. Cùng với đó là vấn đề nhân lực cho NCKH. Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp, rất nhiều người (dù có đam mê khoa học) vẫn phải bỏ dở vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền. Vì thế, người làm khoa học phải hy sinh rất nhiều.

    Mỗi lần gặp khó khăn, tôi lại tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa vì nếu bỏ cuộc thì Việt Nam sẽ không thể phát triển các hướng nghiên cứu mới, khó hội nhập, bắt kịp xu thế phát triển khoa học công nghệ của quốc tế cũng như không thể đào tạo, truyền đạt kết quả cho các thế hệ trẻ trong nước tiếp cận, học hỏi. Với suy nghĩ đó, tôi đã quyết tâm vượt qua mọi thách thức để có thể thực hiện được những trăn trở tâm huyết của mình cho việc NCKH. Tôi có niềm tin rằng, nếu đam mê, nhiệt huyết và cố gắng tìm tòi, trau dồi, học hỏi thì mọi cánh cửa khoa học đều mở ra và ngày càng rộng hơn.

 

PGS. TS. Hồ Thị Thanh Vân nhận hoa chúc mừng của Bộ trưởng Trần Hồng Hà vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, giảng dạy tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020

 

PV: PGS. TS có đề xuất, kiến nghị gì để nghiên cứu này được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

PGS.TS Hồ Thị Thanh Vân: Với mục tiêu hướng đến an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, việc phát triển năng lượng sạch, có khả năng tái tạo ngày càng trở nên cấp bách đối với mọi quốc gia. Với ưu điểm của pin nhiên liệu như hiệu suất chuyển hóa cao, độ ổn định lớn, độ phát xạ thấp, không gây ồn, không gây ô nhiễm môi trường và được cung cấp theo yêu cầu... điện năng sinh ra trong tế bào nhiên liệu với công nghệ hydro từ nguồn năng lượng tái tạo có thể được sử dụng khi cần thiết là viễn cảnh của các nhà máy sản xuất điện trong tương lai ở Việt Nam.

    Nước ta có tiềm năng phát triển công nghệ chế tạo và ứng dụng pin nhiên liệu trong đời sống cũng như sản xuất khá cao. Ví dụ như việc tận dụng nguồn khí thải giàu hydro tại các nhà máy đạm, quá trình điện phân tại các nhà máy sản xuất hóa chất cơ bản để cung cấp nhiên liệu cho pin cũng là một trong những giải phát tiềm năng ở Việt Nam.

    Ngoài ra, theo tôi, cần có chính sách khuyến khích sử dụng các sản phẩm KH&CN Việt Nam đã được làm chủ, hỗ trợ những công trình nghiên cứu khoa học có sản phẩm sở hữu trí tuệ nhiều tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng của KH&CN, đặc biệt là các công nghệ thân thiện với môi trường để áp dụng rộng rãi…

Trân trọng cảm ơn PGS. TS.

MAI HƯƠNG (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn