06/06/2019
Biến rác thải - nguyên liệu tưởng chừng như đồ bỏ đi thành nước rửa chén và nước lau nhà sinh học, chị Trịnh Thị Hồng trú tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng không chỉ thoát nghèo mà còn tạo việc làm cho hàng trăm phụ nữ trong vùng và đặc biệt là giúp cho môi trường sống sạch hơn.
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo ở làng chài ven biển, lại mồ côi từ nhỏ, năm chị em chị Hồng lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc, sẻ chia của bà con lối xóm và nuôi nấng ước mơ làm nhiều việc có ích để giúp đỡ cộng đồng. Năm 2011, chứng kiến cảnh xe chở rác bị hỏng 4 ngày không thu gom được dẫn đến tình trạng hôi thối cho cả khu dân cư, chị trăn trở, nuôi nấng ý tưởng biến rác thải thành tiền góp phần BVMT cũng như giúp dân làm giàu. Cơ duyên đến với chị năm 2012, chị may mắn được cử sang Philippin dự Hội thảo “Phát triển cộng đồng nghèo châu Á”. Sau khi được nghe thuyết trình của đại diện Thái Lan về công nghệ lên men sinh học tạo chế phẩm từ rác thải hữu cơ, chị quyết tâm mang công nghệ này về nước, bắt tay nghiên để tạo ra sản phẩm tẩy rửa hữu ích.
Thời gian đầu nghiên cứu, chị không nhận được sự ủng hộ từ gia đình và nhiều lần thất bại. Rút kinh nghiệm từ những thất bại ấy, bằng lòng kiên trì, mày mò nghiên cứu, chị đã thành công với quy trình ủ rác thải thực vật, biến những thứ phế thải thành sản phẩm nước rửa chén, lau nhà sinh học. Từ đây, công thức “EM” ra đời, với quy trình làm đơn giản, chỉ với 3 kg rác thải (rau già, vỏ củ, quả, cát), rửa sạch, hòa 3gam đường vào 10 lít nước, ủ trong thùng kín 30 ngày, lọc qua hệ thống lọc điều chỉnh PH. Kết thúc công đoạn này, sẽ thu được thứ dung dịch thô màu vàng, cứ 10 lít dung dịch sẽ cho ra được 2 lít thành phẩm qua quá trình lọc, chiết… Để tạo độ sánh, có bọt và mùi thơm, sản phẩm sẽ ủ thêm 45 ngày với các chế phẩm cà tím, tinh bột nghệ.
Chị Trịnh Thị Hồng bên sản phẩm nước rửa chén sinh học
Sản phẩm nước rửa chén do chị Hồng làm ra mang nhiều đặc tính vượt trội như rửa sạch, khử độc, khử mùi, thông cống, không kích ứng da, tiết kiệm nước, tiết kiệm thời gian. Mỗi một chai nước rửa chén có thể pha thành 3 chai, có lợi cho người tiêu dùng. Trong khi đó, sản phẩm nước lau nhà của chị có công dụng làm sạch các vết bẩn bám trên bề mặt sàn nhà, gạch men, khử mùi kể cả nước tiểu chó, mèo... Lau nhà xong có thể dùng tưới cây làm tăng độ mùn cho đất, giúp cây phát triển tốt. Sản phẩm của chị đã được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Đà Nẵng kiểm định chất lượng sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Tiếng lành đồn xa, sản phẩm nước rửa chén bát thân thiên với môi trường, an toàn cho sức khỏe của chị được người dân tin dùng. Nhiều đoàn công tác của các tỉnh, thành đã đến tham quan, học tập. Đặc biệt, năm 2014, chị được Viện Quốc tế về môi trường và phát triển thích ứng dựa vào cộng đồng (CBA8) mời đến Nepal chia sẻ kinh nghiệm. Cuối năm 2015, Viện nghiên cứu phát triển kinh tế, xã hội đã mời chị tham gia vào Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng. Sau nhiều lần xét duyệt, phỏng vấn, dự án của chị được chọn là một trong 8 dự án được ươm tạo khóa 1 tại Vườn ươm. Tốt nghiệp Vườn ươm vào tháng 7/2016, chị quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Minh Hồng, với số vốn điều lệ là 500 triệu đồng, chủ yếu dùng mua máy móc, thiết bị và trả tiền cho nhân công. Doanh thu hiện nay của công ty chị dao động khoảng 70 - 90 triệu đồng mỗi tháng (tức tầm trên dưới một tỷ đồng mỗi năm) với số lượng nhân viên 5 người. Hiện Công ty thu gom, xử lý được khoảng 94.500 kg rác thải hữu cơ thực vật mỗi tháng.
Bên cạnh đó, với mong muốn xóa nghèo bền vững cho người dân nơi mình sinh sống, trung bình 2 tháng, chị Hồng tổ chức tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất cho dân một lần. Sau 30 ngày chị sẽ kiểm tra và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với những người sản xuất thành công. Những hộ chưa thành công thì sẽ được hướng dẫn lại cho đến khi làm được. Hiện số hộ nghèo tham gia sản xuất là 85 hộ, thu nhập từ 2,4 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Dự tính đến năm 2020, chị Hồng hy vọng sẽ giải quyết cho 2.275 lao động thuộc hộ nghèo, ưu tiên phụ nữ.
Xuất thân từ một người nông dân, không có kiến thức gì về công nghệ sinh học, nhưng bằng sự quyết tâm và ham học hỏi, chị Trịnh Thị Hồng đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất quê hương. Những việc làm của chị Hồng đã mở ra hướng đi mới tích cực cho chị em về giải quyết công ăn việc làm, vừa tạo thêm thu nhập, vừa bảo vệ được môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Thời gian tới, chị sẽ đẩy mạnh tìm kiếm mặt bằng để mở rộng quy mô sản xuất, thiết kế mẫu mã đáp ứng kiểu dáng công nghiệp cũng như xúc tiến các kênh phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường, mang đến cho bà con hàng Việt với tính năng an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoàng Khang
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)