22/03/2019
Đây là nhận định của nhiều đại biểu tại buổi Tọa đàm “Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tầng ôzôn”, vừa được diễn ra tại Hưng Yên. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức.
Hiện nay, một trong những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu là tầng ôzôn - trung tâm bảo vệ sự sống trên Trái đất khỏi bị bức xạ tia cực tím gây hại, đang bị tàn phá nghiêm trọng. Những thập kỷ qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp trong việc loại bỏ sử dụng các tác nhân gây suy giảm tầng ôzôn. Trong đó, việc dán nhãn năng lượng là giải pháp hiệu quả giúp định hướng việc sử dụng thiết bị hiệu suất cao, loại dần các sản phẩm công nghệ lạc hậu, trực tiếp làm giảm thải các chất khí gây tác động tới tầng ôzôn và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Trịnh Quốc Vũ, Việt Nam đã triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng theo hình thức tự nguyện từ năm 2008 và bắt đầu thực hiện theo hình thức bắt buộc từ ngày 1/7/2013. Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như: Quạt điện, máy thu hình, điều hòa... chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.
Mục tiêu của Chương trình dán nhãn năng lượng là phấn đấu tới năm 2030, tiết kiệm được 10 nghìn tỷ đồng (khoảng 480 triệu USD) từ tiền tiết kiệm tích lũy năng lượng; giảm phát thải 34 triệu tấn khí carbon dioxide/năm;tiết kiệmkhoảng 6.000 GWh/nămđiện năng tiêu thụ, (tương đương với sản lượng của hai nhà máy nhiệt điện sử dụng than công suất 500 MW, với giá trị đầu tư 1 tỷ USD/ nhà máy điện),…
Bích Hồng