21/05/2018
Tính đến giữa tháng 5/2018, tỉnh Thừa Thiên - Huế thả nuôi được 7.300 ha thủy sản, trong đó, nuôi xen ghép các đối tượng trên vùng đầm phá hơn 4.200 ha (tôm sú là đối tượng chính), thủy sản nước ngọt 2.000 ha, còn lại là nuôi tôm chân trắng trên cát.
Tuy nhiên, thời điểm này, Thừa Thiên - Huế đang nắng nóng gay gắt, một số loài nuôi chậm phát triển, ít diện tích khác tôm nuôi bị chết. Trong vòng 10 ngày nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cử cán bộ thường xuyên bám cơ sở, các vùng nuôi, nhất là 400 ha ao hồ tôm nuôi trên cát để theo dõi các vấn đề liên quan, đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ an toàn cho thủy sản nuôi, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
Theo đó, quá trình nuôi, người dân cần sử dụng các chế phẩm sinh học Bokashi - trầu, hoặc sử dụng lá trầu, chiết xuất từ tỏi trộn với thức ăn nhằm tăng đề kháng, hạn chế nguy cơ dịch bệnh. Người nuôi tôm, cá thường xuyên vận hành máy sục khí trong các ao nuôi, đảm bảo cho tôm sinh trưởng và phát triển. Riêng chế phẩm sinh học Bokashi - trầu có khả năng ức chế và tiêu diệt 2 loài vi khuẩn Vibrio Parahaemoliticus và Aeromonas hydrophyla (gây bệnh phổ biến trên thủy sản nước ngọt và nước lợ).
Đầm Phá Tam Giang - Ảnh: TL
Một số hộ nuôi tôm ở xã Quảng An, Quảng Công (huyện Quảng Điền); xã Điền Hòa (Phong Điền) cũng cho biết, từ khi sử dụng Bokashi - trầu để phòng và trị bệnh cho tôm, sau mỗi vụ nuôi nguồn nước vẫn đảm bảo, không cần phải dùng hóa chất để khử trùng, sản lượng tôm thu hoạch đều tăng.
Đối với 1 ha diện tích nuôi, với quy mô bán thâm canh (mật độ 10 - 15 con/m2), chỉ cần 15 - 20 lít Bokashi - trầu có thể phòng và trị bệnh tốt cho cả vụ nuôi. Bokashi - trầu ở dạng dung dịch dễ sử dụng, giá chỉ bằng 1/2 giá thành các sản phẩm có cùng tác dụng trên thị trường hiện nay. Đây còn là chế phẩm có thể thay thế nhiều chất kháng sinh khác để phòng ngừa, cũng như điều trị bệnh cho các loài tôm nuôi hiện nay, vừa thân thiện với môi trường.
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân phải sử dụng các chế phẩm sinh học để phân hủy bùn đáy ao nuôi, kết hợp bón thêm zeolite để hấp thu khí độc; Thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời. Những ngày nắng nóng, nếu có mưa giông phải tăng cường kiểm tra môi trường nước và có biện pháp xử lý, như tăng cường sục khí sau mưa, thay bớt nước mặt, trước và sau khi mưa; bón vôi để nâng cao và ổn định PH, độ kiềm cho ao nuôi.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, người dân cần tuân thủ, chấp hành các quy định, quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn. Với các hộ đã thả nuôi tôm trong thời điểm này cần đảm bảo mực nước trong ao luôn đạt 1,2 m. Người dân thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, nồng độ pH, nhiệt độ trong ao, các khí độc để có sự điều tiết, điều chỉnh phù hợp. Riêng đối với cá phải thường xuyên theo dõi, loại nào đạt trọng lượng, kích cỡ thì nên thu tỉa (thu hoạch bớt) vừa hạn chế thức ăn, vừa tránh thiệt hại do nắng nóng gây ra.
Về mặt thời vụ, tỉnh yêu cầu các địa phương và người nuôi cần tính toán trong khoảng từ tháng 8 - 9 mới bắt đầu nuôi vụ mới nhằm tránh thiệt hại do nắng nóng. Với những diện tích đã thả nuôi trong vụ này, chính quyền địa phương đã cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn và vận động người dân tăng cường các biện pháp phòng, chống nắng nóng trong điều kiện có thể. Đối với các ao có độ sâu lớn cần tăng cường sục khí để tránh hiện tượng nước trong ao nuôi bị phân tầng, nhằm hạn chế tối đa thiệt hại...
Nguyệt Minh