09/06/2016
Trong Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC), Việt Nam cam kết đến năm 2030, sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính (KNK). Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều dự án về tiết kiệm năng lượng, hạn chế phát thải CO2, trong đó có Dự án Nâng cấp công cụ Calculator 2050 của Việt Nam và xây dựng phiên bản Calculator 2050 cho cấp tỉnh nhằm hỗ trợ hoạch định chính sách về quản lý năng lượng và phát thải KNK (Dự án Calculator 2050). Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Tâm - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án về những đóng góp của Dự án cho công tác BVMT.
Hội thảo công bố Phiên bản nâng cấp công cụ Calculator 2050 của Việt Nam ngày 3/3/2016 tại Hà Nội |
Ông có thể giới thiệu đôi nét về Dự án và công cụ Calculator 2050?
Ông Hoàng Văn Tâm: Công cụ Calculator 2050 được Bộ Năng lượng và BĐKH Vương quốc Anh (DECC) xây dựng và phát triển nhằm giảm phát thải KNK, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Đến nay, công cụ này đã được chuyển giao cho 16 quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Inđônêxia… Năm 2014, với sự hỗ trợ kỹ thuật của DECC, Bộ Công Thương đã tiếp nhận chuyển giao và xây dựng phiên bản Calculator 2050 của Việt Nam, với những tính năng tương tự phiên bản gốc của Anh. Công cụ Calculator 2050 là mô hình tính toán chạy trên web mô tả bức tranh cung - cầu năng lượng của Việt Nam với các kịch bản phát triển năng lượng và giảm phát thải KNK từ nay đến năm 2050. Các dữ liệu được thu thập, lựa chọn đáp ứng yêu cầu của mô hình trong phiên bản gốc và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Qua đó, xác định các kịch bản có thể xảy ra trong tương lai để đưa ra các quyết sách hợp lý nhằm giảm phát thải, cải thiện chất lượng không khí, hạn chế nhập khẩu năng lượng, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Năm 2015, thông qua Quỹ Thịnh vượng, Bộ Ngoại giao Vương quốc Anh đã hỗ trợ Bộ Công Thương triển khai Dự án Calculator 2050 cho cấp tỉnh, nhằm hỗ trợ các cơ quan cấp tỉnh trong việc hoạch định chính sách và thiết lập kế hoạch hành động liên quan đến giảm phát thải CO2, từ đó kết nối với các chính sách, mục tiêu của quốc gia. Phiên bản nâng cấp đã được giới thiệu tới các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, các viện và trường đại học.
Ông có thể cho biết, công cụ Calculator 2050 phục vụ cho những đối tượng nào và tính ưu việt của công cụ này trong lĩnh vực năng lượng và môi trường?
Ông Hoàng Văn Tâm: Công cụ Calculator 2050 được thể hiện bằng tiếng Việt, thuận tiện cho người sử dụng truy cập, nghiên cứu, tham khảo số liệu, thông tin về các kịch bản năng lượng, mối tương quan giữa kịch bản và mức phát thải KNK của Việt Nam. Hiện nay, công cụ đã cập nhật các chính sách mới được ban hành của Việt Nam về năng lượng, bổ sung và chi tiết hóa các dữ liệu về tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp, hộ gia đình và thương mại. Công cụ bao quát tất cả các dạng năng lượng (dầu, khí, sinh khối, điện…) và các hoạt động phát thải (đốt nhiên liệu hóa thạch, sản xuất công nghiệp…). Đồng thời, đưa ra ước tính chi phí cho các kịch bản, cung cấp những giả định và giải pháp giảm phát thải KNK tương ứng.
Việc phát triển một mô hình tính toán mang tính khoa học, ưu việt, minh bạch giúp các nhà hoạch định chính sách có cơ sở nghiên cứu và đề xuất chính sách trong lĩnh vực năng lượng, giảm phát thải KNK, góp phần ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh. Calculator 2050 được công bố trực tuyến nên bất cứ ai quan tâm đều có thể tiếp cận, khai thác, tìm kiếm thông tin liên quan đến năng lượng, phát thải KNK. Đây cũng là một công cụ hữu ích trong quá trình nghiên cứu xây dựng Báo cáo INDC của Việt Nam và nghiên cứu các giải pháp triển khai Thỏa thuận Pari trong thời gian tới.
Dự án đã lựa chọn địa phương nào để triển khai thí điểm phiên bản Calculator 2050, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Tâm: Trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ của Đại sứ quán Anh tại Hà Nội, Dự án đang hỗ trợ TP. Đà Nẵng xây dựng thí điểm phiên bản Calculator 2050 cho cấp tỉnh. Dự kiến đến tháng 3/2017, phiên bản Calculator 2050 của Đà Nẵng sẽ được hoàn tất. Đây sẽ là mô hình đầu tiên được xây dựng ở cấp địa phương. Hy vọng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách ở địa phương có cái nhìn toàn diện và thực hiện hiệu quả các mục tiêu BĐKH, tăng trưởng xanh tại địa phương. Thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ kỹ thuật đối với các địa phương khác nhằm nhân rộng công cụ Calculator 2050, từ đó góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Xin cảm ơn ông!
Phương Linh
(Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 5/2016)