Banner trang chủ

Cần nhân rộng mô hình xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang

14/10/2019

     Vịnh Nha Trang có diện tích 249,65 km2, trong đó diện tích mặt biển là 211,85 km2 và diện tích các đảo nằm trong vịnh là 37,8 km2, có hệ sinh thái đa dạng, là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Các nhà khoa học đã phát hiện nơi đây có trên 26 loài cá có giá trị thương mại, 200 loài cá sống ở tầng đáy, 30 loài cá sống nổi ven bờ, 33 loài cá sống ở cửa sông và 176 loài cá sống ở các rạn san hô. Đặc biệt là có trên 350 loài san hô, chiếm khoảng 40% số loài san hô trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều năm qua, quá trình đô thị hóa, nạn khai thác san hô trái phép, đánh bắt hải sản đã làm cho số lượng và diện tích rạn san hô bị thu hẹp.

     Trước thực trạng đó, các nhà khoa học của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đề tài nghiên cứu “Theo dõi, đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang”, thời gian từ tháng 4/2017 - 5/2019 nhằm đánh giá lại hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang sau 4 năm thả rạn. Đây là đề tài ứng dụng từ kết quả nghiên cứu của đề tài KH-CN cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng rạn nhân tạo tại vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản”.

     Xây dựng rạn nhân tạo - Ngôi nhà dưới đại dương

     Rạn nhân tạo được hiểu là xây dựng “nhà” trong một khu vực ở biển cho cá đến sinh sống bằng những vật thể tự nhiên hoặc do con người tạo ra, rồi thả xuống đáy biển nhằm thay đổi điều kiện vật lý, hải dương, tạo nơi dưỡng cư tập trung cá và tạo giá thể để khôi phục san hô. Nói cách khác, rạn nhân tạo làm giá thể cho san hô sống bám và phát triển trong điều kiện san hô ở vùng đó đang bị suy thoái hoặc bị chết do trầm tích. Đây được coi là giải pháp kỹ thuật hữu hiệu được sử dụng nhằm tập trung, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hạn chế tàu lưới kéo đánh bắt ở vùng nước ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác theo hướng bền vững. Ngoài ra, rạn nhân tạo còn là nơi sinh cư lý tưởng cho các loài sinh vật biển sống bám (nhuyễn thể, da gai, sao biển, hải sâm…) và các sinh vật biển khác (cá rạn, giáp xác…) đến sinh sống trong vùng rạn hoặc ẩn tránh kẻ thù.

 

Các loài sinh vật biển trở về sau 5 tháng xây dựng rạn nhân tạo

 

     Rạn nhân tạo có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, xây dựng bằng các toa tàu, xe hơi cũ đánh đắm, đá, cây cối… Tuy nhiên, đa phần rạn được làm bằng các khối bê tông đúc sẵn với khoảng trống phù hợp cho sinh vật biển cư trú. Nghiên cứu chỉ ra hình dáng, kết cấu, vật liệu tạo rạn nhân tạo có ảnh hưởng rõ rệt đến sự thu hút sinh vật đến sống tại khu vực rạn, trong đó rạn quy mô lớn thường có nhiều cá thể kích thước lớn đến sinh sống và phát triển. Vì vậy, khi xây dựng rạn nhân tạo cần tăng cường sự phức tạp của hình thái khối rạn, nhưng phải phù hợp với kích thước của các đối tượng cần thu hút và bảo vệ.

     Cần nhân rộng mô hình xây dựng rạn nhân tạo

     Rạn nhân tạo phía Bắc vịnh Nha Trang là hệ thống 10 cụm rạn bê tông được đặt ở độ sâu 7 - 12 m tại khu vực cách bờ biển Khu tái định cư phường Vĩnh Hòa về phía Đông khoảng 2 km, tại vĩ độ 12017’37’’, kinh độ từ 1090 13’26’’ - 109013’56’’. Rạn bao phủ 10.000 m2 nền đáy biển, được xây dựng nhằm bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản ven bờ tại vịnh Nha Trang.

     Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, các rạn ổn định về độ bền, nhưng một số rạn hình lập phương được xếp nằm trên các rạn hình nón và hình trụ tròn có hiện tượng gãy ở các góc với tỷ lệ khoảng 10%, lớp trầm tích tại khu vực rạn có độ dày trung bình khoảng 10 – 15 cm. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu ghi nhận ở khu vực rạn nhân tạo hiện có 91 loài cá, trong đó họ cá sơn, bàng chài, thia, lượng, phèn và cá bướm chiếm đa số. Mật độ trung bình cá phân bố tại các cụm rạn có xu hướng tăng theo thời gian, cụ thể, tháng 6/2017 có 1.626 cá thể/cụm, đến tháng 8/2018 tăng lên 1.713 cá thể/cụm. Nhóm cá có kích thước nhỏ dưới 10 cm chiếm tỷ lệ trung bình 87,6%; nhóm cá có kích thước 10 - 20 cm chiếm 10,1%; nhóm cá có kích thước trên 20 cm chỉ chiếm 2,2%. Đặc biệt, nhóm cá kích thước trên 20 cm, có sự xuất hiện của một số loài có giá trị thực phẩm như cá hồng chấm đen, cá mú, cá kẽm hoa…

     Mật độ cá phân bố có sự khác nhau giữa không gian trong khu vực rạn và xung quanh rạn. Ngoài ra, còn có 16 loài sinh vật đáy cỡ lớn, gồm: ốc vôi, ốc gai, cầu gai đen, tôm hùm, sò quạt, san hô mềm… So với kết quả khảo sát cách đây khoảng 3 năm, thành phần loài cá tại khu vực rạn không thay đổi, nhưng mật độ cá tăng, sinh vật đáy trù phú hơn, phát hiện thêm san hô mềm và các sinh vật đáy khác bám tại khu vực rạn. Điều đó cho thấy, rạn nhân tạo thích hợp cho một số loài đến cư ngụ. Tuy vậy, cá phân bố tại khu vực rạn chủ yếu cá cỡ nhỏ, các loài cá có giá trị thực phẩm chiếm tỷ lệ thấp, các sinh vật đáy có giá trị kinh tế xuất hiện thưa thớt.

     Ngoài ra, khu vực rạn nhân tạo có tiềm năng khai thác du lịch theo hướng sinh thái, đồng thời có thể sử dụng mô hình rạn như mô hình mẫu phục vụ công tác tham quan học tập hay nâng cao hiệu quả tuyên truyền về vai trò của rạn nhân tạo trong phục hồi nguồn lợi. Chính vì vậy, hướng quản lý, khai thác tại rạn được đề xuất trong thời gian tới là đơn vị được giao quyền sử dụng rạn sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp du lịch tái thiết lập mô hình quản lý nhằm phục vụ công tác bảo vệ kết hợp liên kết khai thác du lịch tại rạn; đồng thời triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng và các hoạt động bảo vệ, phục hồi nguồn lợi. Thời gian qua, Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã lắp đặt phao khoanh vùng bảo vệ rạn nhân tạo, tổ chức lặn khảo sát đánh giá khu vực rạn theo định kỳ 3 tháng/lần.

     Có thể nói, đề tài “Theo dõi, đánh giá hiện trạng quản lý, khai thác sự phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu rạn nhân tạo vịnh Nha Trang” có giá trị ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra giải pháp quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển rạn nhân tạo, phát triển đa dạng sinh học, tái tạo nguồn lợi cho người dân đánh bắt, khai thác mang tính bền vững. Do đó, mô hình cần được nhân rộng và tăng cường sự tham gia của các tổ chức để phục vụ du lịch, giải trí trên biển.

Phương Linh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

Ý kiến của bạn