10/07/2018
Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước và là đầu mối giao thông quan trọng. Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường, nhất là môi trường nước đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả khả quan. Đặc biệt, việc “giải cứu” hồ Hà Nội đã được nhiều đơn vị quan tâm triển khai.
Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các hồ Hà Nội
Đặc điểm nổi bật của Hà Nội là Thủ đô có nhiều ao, hồ bậc nhất thế giới. Hiện nay, trên địa bàn 10 quận nội thành Hà Nội có khoảng 111 hồ với tổng diện tích khoảng 1.165 ha.Do các dự án phát triển đô thị và tình trạng lấn chiếm bất hợp pháp, một số hồ, ao đã bị lấn chiếm để tạo quỹ đất cho phát triển đô thị nên diện tích ao hồ ở Hà Nội giảm mạnh trong hai thập kỷ qua. Tuy nhiên, do ý thức của một số bộ phận dân cư còn thấp và tốc độ đô thị hóa ngày càng cao nên tại các hồ chưa được kè nằm trong khu vực dân cư hiện tượng lấn chiếm đổ đất phế thải xây dựng, vứt rác xuống hồ thường xuyên diễn ra như hồ Linh Quang, Rẻ Quạt, Tai Trâu, Tứ Liên…Rác thải xả trực tiếp xuống hồ là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt hồ. Việc đổ phế thải bừa bãi xuống bờ và lòng hồ gây mất mỹ quan đô thị, làm lòng hồ bị bồi lắng và thu hẹp diện tích sử dụng của hồ cũng như giảm khả năng chứa của hồ. Một số hồ lắp đặt các đăng đó, cửa phai để dâng nước nuôi cá làm ảnh hưởng tới dòng chảy thoát nước như hồ Tam Trinh, hồ Tư Đinh, Phương Liệt 1... Nhưng việc làm này đã làm suy thoái điều kiện vệ sinh trên và xung quanh các hồ chưa được cải tạo.
Hệ thống phun nước đang được triển khai tại các hồ trên địa bàn Hà Nội
Theo kết quả “Báo cáo Đánh giá mức độ phì dưỡng của một số hồ nội thành Hà Nội” của Nguyễn Bích Ngọc và cộng sự Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam: “Kết quả quan trắc môi trường nước tại 10 hồ nội thành Hà Nội trong giai đoạn từ tháng 3/2014 đến tháng 2/2015 cho thấy, giá trị trung bình năm của các thông số hóa - lý biến đổi trong các hồ nghiên cứu như sau: pH (7,8 - 9,1) và có tính kiềm; tổng chất rắn hòa tan (TDS) biến đổi rộng (74,4 - 376,9 mg/l); hàm lượng cặn lơ lửng (SS) (11 - 61) mg/l; độ dẫn điện dao động lớn (134 - 653,7 μS/cm); hàm lượng Nvôcơ tổng (0,34 - 3,85 mgN/l); hàm lượng P tổng (0,23 - 1,77mgP/l); hàm lượng Si (1,32 - 6,31 mg/l). Các chỉ tiêu dinh dưỡng trong hầu hết các hồ quan trắc đều cao, vượt gấp nhiều lần so với quy chuẩn cho phép Cột A2 - QCVN 08:2008/BTNMT và có nguồn gốc chủ yếu từ nước thải sinh hoạt thành phố và nước mưa chảy tràn. Trong 10 hồ quan trắc: các giá trị pH thay đổi theo mùa không rõ rệt tại mỗi hồ; TDS và EC có xu hướng mùa khô cao hơn mùa mưa còn nhiệt độ nước có xu hướng ngược lại: mùa mưa cao hơn mùa khô trong các hồ; các thông số còn lại (SS, Nvô cơ tổng, P tổng, Si,…) thay đổi theo mùa không cùng quy luật trong các hồ, có thể do sự khác biệt về vị trí, cấu trúc và nguồn thải từ môi trường xung quanh của các hồ.
Hệ thống HJ - 1000 dự kiến được lắp đặt thí điểm tại hồ Hà Nội trong thời gian tới
Dựa trên các kết quả quan trắc và cơ sở phân loại theo phương pháp của Hakanson và Carson, hầu hết các hồ nghiên cứu đều bị phú dưỡng và ở các mức độ khác nhau theo dãy sau: Ba Mẫu > Giảng Võ > Ngọc Khánh > Trúc Bạch > Thành Công > Hồ Tây > Thiền Quang > Bảy Mẫu > Hồ Gươm > Thủ Lệ.
Cần giải pháp công nghệ tiên tiến, xử lý hiệu quả cải thiện nước hồ Hà Nội
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại hồ trên địa bàn Hà Nội trong thời gian vừa qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai một số giải pháp như: Dùng chế phẩm đặc biệt Redoxy-3C nhập khẩu từ Đức xử lý ô nhiễm nước hồ; Sử dụng công nghệ bơm hút nước tầng dưới phun lên mặt hồ - hòa trộn oxy vào nước hồ (sục khí); Đặt các “Bè thủy sinh” trên mặt hồ; Nạo vét đáy hồ; Lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ tại các cửa cống xả vào các hồ; xây dựng quy chế quản lý nước hồ sau xử lý; đẩy mạnh công tác quản lý cấp phép xả thải vào hồ…Tuy nhiên đến nay hiệu quả xử lý vẫn cần có thời gian để đánh giá, hoàn thiện.Với mong muốn góp phần cải thiện môi trường và chất lượng sống cho người dân cũng như tạo điểm nhấn phát triển du lịch Thủ đô, Công ty CP Xây dựng - Thương mại và Môi trường, Hà Nội (Hactra) phối hợp với Công ty Mirae (Hàn Quốc) sắp tới sẽ triển khai thí điểm hệ thống thiết bị làm sạch nước hồ tại Hà Nội.
Là đơn vị đã có trên 10 năm nghiên cứu ứng dụng và cải tiến, nội địa hóa công nghệ Johkasou của Nhật Bản, Công ty Hactra đã thực hiện nhiều hội thảo, báo cáo chuyên đề về công nghệ JKS tại Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các tỉnh/thành trên cả nước. Từ năm 2011, Hactra đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất thiết bị xử lý nước thải tại nguồn. Nhà máy đi vào hoạt động từ năm 2012 đến nay, Hactra đã cung cấp thiết bị xử lý nước thải tại nguồn thương hiệu “JKS - Hactra” cho nhiều dự án trên cả nước, chất lượng nước thải sau xử lý đạt QCVN 14/2008/BTNMT, quy mô công suất từ 1m3/ngày đến > 700m3/ngày.
Tàu vớt và xử lý tảo được triển khai rất hiệu quả tại Hàn Quốc
Đặc biệt, tháng 2 năm 2018, Công ty Hactra và Công ty Marie(Hàn Quốc) đã ký văn bản Hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ khoa học môi trường theo quan điểm toàn cầu. Trong đó, Chương trình đầu tiên được áp dụng thí điểm tại Việt Nam: Dự án lắp đặt thí điểm HJ 1000 tại Hà Nội có sự hợp tác của Công ty Hactra và hai Công ty MIRAE E&I - SOURCE CHAIN được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ vốn, dưới sự giám sát của Viện Công nghệ và Công nghiệp Môi trường Hàn Quốc (KEITI).
Thiết bị làm sạch nước hồ tại Hà Nội HJ - 1000 và Tàu vớt tảo trong nước hồ đã được áp dụng trên nhiều hồ của Hàn Quốc mang lại hiệu quả cao, phù hợp khi áp dụng vào điều kiện Việt Nam.
Ưu điểm nổi bật của Hệ thống xử lý nước hồ HJ-1000: Sử dụng năng lượng điện mặt trời và năng lượng điện gió - chi phí vận hành nhỏ; độ bền cao, hiệu quả xử lý môi trường nước hồ đạt kết quả tốt. Chuyên gia kỹ thuật của Mirae trực tiếp chỉ đạo và kết hợp hợp tác với Hactra lắp đặt hệ thống xử lý nước hồ tại Việt Nam. Đồng thời, Mirae cung cấp bản vẽ kỹ thuật và ủy quyền cho Nhà máy Cơ khí của Hactra chế tạo phần cứng của hệ thống HJ - 1000 tại Việt Nam, nhằm giảm giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ.
Ông Đỗ Tất Việt - Tổng Giám đốc Công ty Hactra cho biết: Với mong muốn góp phần phục hồi "lá phổi xanh" của thành phố, đề nghị UBND TP Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý nước thải JKS - Hactra để áp dụng phương thức xử lý phi tập trung (xử phân tán; xử lý tại nguồn) tại cửa xả nước thải vào hồ; nước thải sau khi xử lý bằng JKS - Hactra đạt tiêu chuẩn Cột B QCVN 14/2008/BTNMT sẽ cho thải xuống hồ. Bước đầu áp dụng thí điểm từ 2 đến 3 điểm xử lý cho 1 hồ. Từ kết quả tại các điểm thí điểm, Lãnh đạo Thành phố xem xét và tiếp tục lựa chọn JKS-Hactra xử lý nước thải sinh hoạt theo phương thức xử lý phi tập trung cho các hồ khác trong Hà Nội.
Đồng thời, UBND TP. Hà Nội tạo điều kiện để Công ty Hactra phối hợp với Công ty Mirae (Hàn Quốc) áp dụng thí điểm công nghệ xử lý nước hồ của Công ty Mirae Hàn Quốc cho 1 trong các hồ cảnh quan trong trung tâm Hà Nội. Chi phí cho dự án thí điểm này được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Từ kết quả thí nghiệm, Hà Nội xem xét việc đầu tư áp dụng công nghệ đã thí điểm cho các hồ khác trên địa bàn thành phố nhằm giảm bớt tình trạng ô nhiễm hồgây bức xúc cho người dân mà nó còn trở thành một vấn đề đau đầu đối với nhà quản lý.
Được biết, sau khi có đề án của Công ty Hactra gửi UBND TP Hà Nội về việc xin ứng dụng thí điểm công nghệ xử lý nước trong hồ Hà Nội, Lãnh đạo Thành phố đã có văn bản gửi các Sở: Xây dựng, TN&MT, Khoa học Công nghệ, KH&ĐT; Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Hà Nội thống nhất đưa ra phương án lựa chọn địa điểm xử lý. Để triển khai thí điểm Hệ thống được thuận lợi, Công ty Hactra đề xuất Lãnh đạo Thành phố một trong số các hồ trung tâm Hà Nội như: Ba Mẫu, Ngọc Khánh hoặc Giảng Võ.
Có thể nói, để giải cứu “lá phổi xanh” của Thủ đô, ngoài sự tham gia tích cực của cộng đồng và giám sát của xã hội... rất cần những giải pháp công nghệ xử lý môi trường hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí vận hành, nhằm giúp chất lượng nước sông, hồ của Thành phố luôn xanh - sạch - đẹp.
Nam Hưng