11/08/2020
Những năm qua, cùng với sự phát triển của ngành xây dựng, nhu cầu của người dân đang hướng đến môi trường sống tốt hơn, thân thiện hơn với sức khỏe con người. Đó là lý do nhiều loại vật liệu xây dựng, trong đó có sản phẩm sơn gắn mác “xanh, sinh thái” trở nên hút khách. Tuy nhiên, những loại sơn sinh thái có mặt trên thị trường thực sự đạt chuẩn “sơn sinh thái” hay chưa, cần có thời gian để kiểm chứng. Để hiểu hơn về lĩnh vực này, Tạp chí Môi trường có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Hóa dầu công nghệ cao HI - PEC, đơn vị có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh sản phẩm sơn tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Hải - Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty CP Hóa dầu công nghệ cao HI - PEC
Công ty HI - PEC hợp tác với các hãng sơn Graphenstone (Tây Ban Nha) giới thiệu sản phẩm sơn cho thế hệ xanh tại Hà Nội ngày 28/9/2018
PV: Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại sơn được sử dụng với nhiều tính năng khác nhau… Tuy nhiên, hầu hết những dòng sơn đều được quảng bá áp dụng tiêu chuẩn “xanh”, sinh thái” vào sản xuất khiến cho người tiêu dùng khó phân biệt, thật - giả, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Nguyễn Đức Hải: Vì sơn là một sản phẩm hóa chất tổng hợp nên việc xác định tính “xanh” hay “sinh thái” phải được định lượng rõ ràng bằng hàm lượng các chất độc hại có trong sơn. Tuy nhiên, do chưa có tiêu chuẩn chung cho vật liệu sinh thái nên việc định nghĩa sản phẩm nào thật sự sinh thái là khá khó khăn. Điển hình là thành phần hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC), đây chính là tác nhân gây bệnh hàng đầu mà ngay khi lớp sơn đã khô vẫn tiếp tục phát thải. Theo tiêu chuẩn của một số nước, hàm lượng VOC thấp (dưới 50 g/lít) đã được xem là sơn sinh thái. Trong khi một số tiêu chuẩn khắt khe hơn quy định sơn không chứa VOC (hàm lượng = 0.0%) thì mới là sơn sinh thái. Chính vì vậy, hiện nay một số sản phẩm tuy quảng cáo là sơn sinh thái nhưng vẫn chứa lượng VOC đáng kể. Một số sản phẩm còn không công bố hàm lượng VOC cụ thể để khách hàng có thể tham khảo. Vì vậy, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về thành phần của sơn để có thể xác định sản phẩm đó có thật sự là sơn sinh thái hay không.
Hoa hậu Jenifer Phạm - Đại sứ thương hiệu sơn Graphenstone tại Việt Nam
PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, thế mạnh về sơn sinh thái trong thời gian tới ở nước ta?
Ông Nguyễn Đức Hải: Vật liệu “xanh” là một xu hướng tất yếu của thế giới để phát triển bền vững. Một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, với tốc độ phát triển ngành xây dựng hơn 20%/năm việc sử dụng các loại vật liệu “xanh” phù hợp là một vấn đề rất quan trọng. Là quốc gia đi sau, chúng ta có thể tham khảo nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước đi trước, đã chứng kiến và gánh chịu hậu quả của việc sử dụng các loại vật liệu, hóa chất độc hại không riêng trong ngành xây dựng, vì thế nên chúng ta hoàn toàn có thể tránh lặp lại vết xe này. Tuy nhiên, để vật liệu sinh thái được sử dụng rộng rãi cần có các quy định, khuyến cáo từ các cơ quan quản lý, đồng thời người tiêu dùng cần được cung cấp nhiều thông tin hơn về loại sản phẩm và công nghệ “xanh”.
PV: Với slogan “Sơn sinh thái cho thế hệ xanh”, vậy sản phẩm Công ty CP Hóa dầu công nghệ cao HI –PEC có những tính năng ưu việt gì khẳng định tiêu chí trên?
Ông Nguyễn Đức Hải: Với phương châm “Khác hơn - Tốt hơn”, trong 16 năm hoạt động, Công ty HIPEC luôn tìm kiếm những sản phẩm, công nghệ tiên tiến của thế giới để áp dụng tại Việt Nam. Dù kinh doanh trong lĩnh vực sơn và hóa chất, tiêu chí “xanh”, không độc hại luôn được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Vì vậy, Công ty HIPEC đang hợp tác với các hãng sơn hàng đầu thế giới, cung cấp các sản phẩm, giải pháp mang tính bền vững và sinh thái như Sherwin Williams (Mỹ), Graphenstone (Tây Ban Nha), Globalnavy (Bồ Đào Nha)...
Trong lĩnh vực sơn trang trí dân dụng, hơn 90% các loại sơn đang lưu hành ngoài thị trường là sơn gốc nhựa acrylic, chiết xuất từ dầu mỏ. Trong xu thế giảm thải rác thải và chế phẩm từ nhựa của thế giới, hãng sơn Graphenstone đã phát minh ra công nghệ sơn gốc khoáng (vôi, silicat…) kết hợp nano graphene để tạo ra một loại sơn siêu bền và hoàn toàn sinh thái. Thành phần sơn không chứa kim loại nặng, không formaldehyde với hàm lượng VOC = 0.0%. Loại sơn này hoàn toàn không có mùi, không độc hại, hấp thụ CO2, không cháy, không phát sinh khói độc khi bị nung đốt, kháng khuẩn, có thể tái chế... Trong tháng 7/2020, hãng Graphenstone đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công loại sơn trang trí nội ngoại thất có khả năng ức chế và tiêu khử virus Covid-19.
Đối với lĩnh vực sơn công nghiệp, được xem là loại vật liệu độc hại cao, hãng Sherwin Williams có các sản phẩm sơn epoxy, polyurethane không sử dụng dung môi, không độc hại, sử dụng được cho nước uống, cho phép thải trực tiếp ra môi trường tự nhiên với tuổi thọ lớp sơn đến 50 năm.
Do đó, chúng tôi luôn mong muốn người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận công nghệ vật liệu tiên tiến, chất lượng cao, bền vững với môi trường và thật sự an toàn với sức khỏe.
Vì vậy, việc tìm ra các loại công nghệ vật liệu sinh thái mới là sứ mệnh và niềm tự hào của Công ty HIPEC.
Công trình xanh sử dung sơn Graphenstone
PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với các cơ quan chức năng nhằm hướng tới bộ quy chuẩn về sơn sạch, sơn sinh thái trước tình trạng “nhập nhằng” như hiện nay?
Ông Nguyễn Đức Hải: Để giúp người tiêu dùng có thể xác định và lựa chọn sản phẩm sinh thái đúng nghĩa, Việt Nam cần ban hành một bộ quy chuẩn chính thức và thông nhất cho vật liệu “xanh”. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần có quy định về việc công bố thành phần hợp chất cấu thành sản phẩm để có thể so sánh với các chỉ tiêu đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Tuyên (Thực hiện)