Banner trang chủ

Cần ưu tiên giải bài toán đầu tư cho tái chế rác thải nhựa

02/01/2020

     Ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam hiện có tiềm năng lớn, theo đó, nhu cầu cho nguyên liệu phế liệu gia tăng hàng năm từ 15 - 20%, riêng ngành nhựa vẫn phải nhập khẩu từ 2 - 2,5 triệu tấn/năm, trong đó phế liệu nhựa chiếm 80%. Mặc dù có nhiều tiềm năng song ngành công nghiệp tái chế nhựa (TCN) còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Để nâng cao hiệu quả và phát triển hoạt động TCN tại Việt Nam, cần phải thực thi đồng bộ các giải pháp mang tính pháp lý, kinh tế và nâng cao nhận thức cộng đồng, thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa (CTN). Các giải pháp này cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Nâng cao hiệu quả thu gom CTN, chính sách hỗ trợ hoạt động TCN và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia TCN.

     Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, mỗi năm con người thải ra lượng rác nhựa đủ để bao quanh Trái đất 4 lần. Trên quy mô toàn cầu, chỉ có 9% rác thải nhựa đang được tái chế, ở Mỹ tỷ lệ tái chế chai nhựa chỉ đạt khoảng 30%, ở Anh là khoảng 20 - 45%. Hiện nay, châu Âu đang đi đầu về các giải pháp xử lý rác thải, trong đó Đức, Áo, Bỉ, Thụy Điển, Na Uy là những nước có hệ thống xử lý rác thải tốt nhất thế giới. Chính quyền cùng người dân nơi đây đã áp dụng nhiều mô hình tái chế rác thải và thành công trong việc tạo ra vật liệu tái sinh.

 

Từ những ống hút, vỏ chai nhựa, Câu lạc bộ Thanh niên tình nguyện huyện Cần Giuộc (Long An) đã biến thành những vật dụng hữu ích và xinh xắn

 

     Công bố của Tổ chức Ipsos Business Consulting cho thấy, lượng nhựa tiêu thụ bình quân đầu người tăng khoảng 10% mỗi năm trong giai đoạn 1990 - 2015 (từ 3,8 kg lên khoảng 41 kg). Các chuyên gia đánh giá, lượng CTN của Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 8 - 12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính, mỗi năm có hơn 1,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Số liệu thống kê của Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) cũng cho thấy, năm 2018, Việt Nam nhập khẩu khoảng 5,59 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu, trị giá khoảng 9,1 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và 20% về trị giá so với năm 2017. VPA dự kiến nhu cầu hạt nhựa được tính toán với tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm đạt 10%, đến năm 2023 ngành nhựa cần khoảng 10 triệu tấn nguyên liệu để phục vụ sản xuất và xuất khẩu, trong số đó, Việt Nam có thể sản xuất được 2,6 triệu tấn, đáp ứng 26%, số còn lại 7,4 triệu tấn phải nhập khẩu. Như vậy, ngành nhựa phụ thuộc từ 70 - 80% nguyên liệu nhựa nhập khẩu. Cùng với đó, ngành nhựa đang có nguy cơ đối mặt với cơn khát nguyên liệu khi các cơ quan quản lý sẽ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu nhựa. Hoạt động kinh doanh, tái chế CTN cũng mang lại nhiều lợi ích, đầu tiên là tiết kiệm năng lượng cho sản xuất nhựa nguyên sinh; giúp tiết kiệm tài nguyên không thể tái tạo là dầu mỏ; giải quyết hàng loạt các vấn đề môi trường như mất mỹ quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, suy thoái đất... Theo VPA, nếu sử dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái chế ở mức 35 - 50%/năm, các doanh nghiệp có thể giảm chi phí sản xuất hơn 15%. Các doanh nghiệp tham gia tái chế CTN đều có những cơ hội và thách thức như nhau. Cơ hội ở đây là chính sách khuyến khích của Chính phủ, là nhu cầu nguyên liệu của ngành sản xuất nhựa; thách thức chính là việc đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường thông qua việc đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại và việc chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường.

     Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại để tái chế chất thải. Đặc biệt, lĩnh vực TCN không chỉ góp phần giảm lượng CTN thải ra môi trường mà còn tạo ra nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các sản phẩm nhựa, nhằm hạn chế việc nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nếu đẩy mạnh hoạt động TCN trong nước, chúng ta có thể đáp ứng được 50% nguyên liệu cho ngành sản xuất nhựa.

     Theo các chuyên gia môi trường, để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, cần thực hiện việc phân loại rác thải tại nguồn, đồng thời phải có những chính sách ưu đãi đầu tư cần thiết và phù hợp để doanh nghiệp mạnh dạn tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Từ năm 2016, TP. Hồ Chí Minh đã có hướng chuyển đổi xử lý rác thải thành đốt phát điện. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, nếu không có chủ trương khuyến khích, phân loại rác thải tái chế thì việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư. Mặt khác, tỷ lệ rác thải có khả năng tái chế được tận dụng cũng không cao. Theo Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh, với các phân tích về tỷ trọng, thành phần chất thải rắn có thể thấy rằng, việc đốt hỗn hợp chất thải rắn sinh hoạt để sinh nhiệt và tạo năng lượng không mang lại giá trị kinh tế, trừ khi các chất có nhiệt trị cao hơn và có độ ẩm thấp hơn như thành phần nhựa, gỗ, vải, giấy, cao su, da, băng tã... được tách riêng để đốt. 

     Ngoài ra, những chính sách ưu đãi đầu tư từ phía Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan phải được các địa phương triển khai triệt để, kết hợp thắt chặt công tác hậu kiểm. Đây là cơ sở để đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa đầu tư hạ tầng tiếp nhận và xử lý chất thải nói chung, từng bước đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải ngày càng nhiều của doanh nghiệp với giá thành hợp lý, giảm nguy cơ chất thải đang bị đổ bừa bãi ra môi trường do thiếu đơn vị xử lý. Hiện nay, Quỹ BVMT Việt Nam tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực TCN tiếp cận nguồn vốn ưu đãi với lãi suất chỉ từ 2,6 - 3,6%/năm, cho vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án... Đồng thời, cần thiết phải có các giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống. VPA cũng khuyến khích các doanh nghiệp TCN phải dành ưu tiên hàng đầu cho việc sử dụng CTN phát sinh ở trong nước.

 

TS. Nguyễn Đình Đáp

Trung tâm Truyền thông TN&MT, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2019)

 

 

Ý kiến của bạn