02/05/2019
Trong nhiều năm qua, Hội An đã trở thành một thành phố du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Với lượng khách đến tham quan, du lịch hàng năm trung bình trên 2 triệu lượt và thông qua hoạt động du lịch - dịch vụ - thương mại đã góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội của Hội An phát triển, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hội An đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tại khu vực Chùa Cầu.
Ô nhiễm môi trường ở chùa Cầu
Là công trình duy nhất có gốc tích Phù Tang trong lịch sử, chùa Cầu được xây dựng vào đầu thế kỷ 17 bởi các thương nhân Nhật Bản. Do vậy, chùa Cầu cũng có tên gọi khác là cầu Nhật Bản. Chùa Cầu tọa lạc trong quần thể Khu di tích phố cổ Hội An (TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam), là Di sản văn hóa thế giới, có giá trị lớn về kiến trúc, lịch sử và văn hóa.
Chùa Cầu có chiều dài gần 18 m. Kết cấu các phần của cây cầu được thiết kế công phu, tỉ mỉ theo kiểu trên là nhà, dưới là cầu, tức cầu có mái che, gồm 7 gian, trong đó 5 gian giữa nằm trên mặt nước, 2 gian hai đầu nằm trên bờ phía Tây và phía Đông được thiết kế như cổng dẫn vào. Trên cửa chính của chùa có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là “Lai Viễn Kiều” với ý nghĩa là “Cầu đón khách phương xa”.
Chùa Cầu, biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An
Chùa Cầu được coi là biểu tượng của TP. Hội An, tuy nhiên, trong nhiều năm qua, tình trạng ô nhiễm môi trường tại chùa Cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của Di sản văn hóa thế giới. Nguồn nước ở con kênh dưới chân di sản chùa Cầu đã và đang ô nhiễm ở mức báo động. Trước đây, dòng nước chảy qua chùa Cầu là mương tự nhiên, nhưng sau khi dân cư hình thành, dòng chảy gánh thêm nước thải, chủ yếu là nước thải sinh hoạt của cư dân phố cổ các phường Minh An, Cẩm Phô, Tân An… xả thẳng ra môi trường.
Thống kê cho thấy, tổng dân số ước tính thải nước thải ra chùa Cầu hiện hơn 12.000 người, với lượng nước sử dụng trung bình là 1.800 m3/ngày đêm. Bên cạnh đó, có 28 khách sạn, 700 buồng phòng với khoảng 1.000 lượt khách, 3 nhà hàng cũng thải trên 800 m3/ngày đêm. Như vậy, nếu tính tổng lượng nước thải bằng 85% lượng nước sử dụng thì có đến 2.222 m3 nước thải/ngày đêm qua chùa Cầu. Điều đáng lưu ý là hầu hết lượng nước thải đều chưa qua xử lý.
Theo khảo sát của Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), nồng độ một số chất đo được tại vài điểm quanh khu vực chùa Cầu đã vượt giới hạn cho phép. Cụ thể, chỉ số BOD (nhu cầu ôxy sinh học) từ 250-350 mg/l, cao hơn 10 lần tiêu chuẩn cho phép; nồng độ TSS (tổng lượng cặn lơ lửng) và khuẩn Coliform cao hơn rất nhiều lần tiêu chuẩn cho phép. Lượng nước ô nhiễm và tù đọng lâu ngày, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống người dân và du khách tham quan.
Cải thiện chất lượng môi trường nước tại chùa Cầu
Trong những năm qua, chính quyền TP. Hội An đã và đang chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng liên quan nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường và cảnh quan nơi đây. Mỗi năm, Hội An đã chi hàng trăm triệu đồng cho việc nạo vét kênh, xử lý nước bằng chế phẩm sinh học, tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa được xử lý triệt để và trở thành vấn đề bức xúc của người dân, cũng như mối quan tâm của chính quyền địa phương.
Trạm xử lý nước thải chùa Cầu
Được sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản, đặc biệt là Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), từ năm 2016, TP. Hội An đã xây dựng hồ sơ trình Chính phủ Nhật Bản tài trợ Dự án triển khai xử lý nước thải chùa Cầu với tổng mức đầu tư gần 260 tỷ đồng, trong đó Chính phủ Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 1,1 tỷ yên (khoảng 228 tỷ đồng), còn lại do TP. Hội An đối ứng. Năm 2017, công trình Nhà máy xử lý nước thải tại khu vực chùa Cầu đã được triển khai xây dựng tại khối Hoài Phô, phường Cẩm Phô rộng 3.752 m2, công suất 2.000 m3/ngày đêm, với các hạng mục nhà quản lý 2 tầng, trong đó cụm xử lý 1 tầng, các hạng mục phụ trợ và nâng cấp kênh thoát nước dẫn đến trạm xử lý nước thải dài 1,6 km với hệ thống thiết bị điện và dây chuyền công nghệ xử lý nước thải đồng bộ. Công trình áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến năng lượng thấp, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn loại B (tương đương nước tự nhiên) trước khi xả ra kênh chùa Cầu.
Sau gần 2 năm thi công, JICA và đơn vị thi công đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình cho TP. Hội An vận hành. Từ khi đi vào vận hành (ngày 1/11/2018) đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại chùa Cầu đã cơ bản được xử lý tốt, giảm khoảng 80% ô nhiễm cho khu vực. Để xử lý triệt để, TP. Hội An tiếp tục đầu tư vốn xây dựng đường ống và máy bơm, bơm nước từ hồ điều tiết về lại nhà máy xử lý, đồng thời nạo hút bùn tại hồ điều tiết và toàn tuyến kênh này. Qua đó, sẽ giải quyết tốt môi trường khu vực, phục vụ đời sống cho nhân dân và khách du lịch, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Đồng thời cũng là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho TP. Hội An.
Trần Thị Thành
Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Quảng Nam
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 4/2019)