Banner trang chủ

Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế - Sáng kiến nhỏ, lợi ích lớn

26/08/2019

     Các sản phẩm từ nhựa, ni lông ra đời mang lại nhiều tiện ích và ngày càng phổ biến trong cuộc sống. Tuy nhiên, những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, ni lông đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đối với sức khỏe con người và các loài động, thực vật trên Trái đất. Chính vì vậy, công tác quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR), trong đó có chất thải từ vật liệu nhựa luôn được quan tâm hàng đầu. Nhằm hướng tới những dòng sông không rác thải nhựa ở Việt Nam, hiện TP. Cần Thơ đang thí điểm xây dựng hệ thống thu gom rác thải nhựa - Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế. Đây là sáng kiến mới, góp phần thu gom rác trôi nổi trên sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường hiệu quả.

     Công nghệ xử lý CTR còn khó khăn

     Hiện nay, tổng khối lượng rác thải sinh hoạt được thu gom và xử lý trên địa bàn TP. Cần Thơ đạt khoảng 650 tấn/ngày. Trước tháng 12/2018, lượng rác thải sinh hoạt của toàn TP chỉ xử lý tại 3 khu gồm: Khu xử lý CTR xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ (chôn lấp khoảng 250 tấn/ngày, đốt khoảng 80 tấn/ngày); khu xử lý CTR tại phường Phước Thới, quận Ô Môn (đốt khoảng 250 tấn/ngày) và khu xử lý CTR tại phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt (đốt khoảng 70 tấn/ngày). Từ tháng 12/2018, sau khi khánh thành Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, lượng rác thải sinh hoạt của toàn thành phố (TP) được xử lý tại 4 khu, trong đó riêng Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt - phát điện đốt khoảng 450 tấn/ngày và phát điện khoảng 7,5 MW. Đối với chất thải công nghiệp thông thường, TP phát sinh khoảng 280-330 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt trên 70%. Riêng các khu công nghiệp, tỷ lệ thu gom đạt khoảng 95%. Trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện không có khu xử lý CTR công nghiệp, do đó, hoạt động này được thực hiện thông qua hợp đồng với các đơn vị có chức năng ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang…

 

Rạch Cái Khế, quận Ninh Kiều, nơi lắp đặt hệ thống thu gom rác thải

 

     Với quan điểm BVMT là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, TP. Cần Thơ luôn chú trọng tìm kiếm các giải pháp quản lý, xử lý chất thải, trong đó có những giải pháp để tận dụng chất thải từ vật liệu nhựa một cách hiệu quả. Thời gian qua, Sở TN&MT cùng các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp giảm dần sử dụng chất thải nhựa và túi ni lông trong sinh hoạt hàng ngày; tăng cường các vật dụng thay thế, tiến tới loại bỏ túi ni lông không phân hủy. Đồng thời, TP tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước... Bên cạnh đó, tổ chức các lớp học giáo dục môi trường; thực hiện thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, khu dân cư. Qua đó, khuyến khích người tiêu dùng cắt giảm tối đa sử dụng các sản phẩm nhựa, túi ni lông cũng như từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi, nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng.

     Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị, TP. Cần Thơ gặp không ít trở ngại trong công tác thu gom, xử lý chất thải, nhất là CTR. Theo thực trạng chung của các đô thị tại Việt Nam, CTR sinh hoạt thông thường tại TP hiện nay chưa được thu gom, phân loại tại nguồn. Biện pháp xử lý CTR sinh hoạt đang sử dụng là chôn lấp và từng bước chuyển đổi qua đốt, tuy nhiên, công nghệ đốt chưa thu hồi được năng lượng, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng khí thải. Do vậy, TP đang tìm kiếm giải pháp xử lý bằng các công nghệ tiên tiến khác nhằm đảm bảo tính bền vững cũng như BVMT.

     Xây dựng Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế

     Nhiều quốc gia trên thế giới đã thành công trong việc nghiên cứu tái chế rác thải nhựa và ứng dụng vào thực tiễn, giải quyết thách thức về quản lý CTR. Mặt khác, những biện pháp tận dụng, tái chế rác từ nhựa không những mang lại giá trị kinh tế, mà còn mang lại nhiều lợi ích hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trước những lợi ích này, TP. Cần Thơ đang tiến hành xây dựng thí điểm hệ thống thu gom rác thải nhựa -  Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế nhằm thu gom rác thải nhựa trôi nổi trên sông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đây là sáng kiến của Công ty Upp! Upcyling Plastic (Hà Lan) và Tổ chức Đảo tái chế, với sự hợp tác của chính quyền TP. Rotterdam, Đại học Wageningen, Nhà máy Tương lai tốt đẹp và Dịch vụ Hàng hải Hebo của Hà Lan. Công viên sử dụng vật liệu lựa tái chế ở TP. Cần Thơ được nghiên cứu từ tháng 6/2016 và hiện đang xây dựng, lắp đặt hệ thống thu gom rác thải nhựa tại rạch Cái Khế (quận Ninh Kiều), với kinh phí 150.000 Euro do Công ty Upp! UpCycling Plastic tài trợ.

 

Mô hình Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế tại TP. Cần Thơ

 

     Hệ thống thu gom rác thải nhựa được thiết kế dựa trên điều kiện nước và nguyên vật liệu địa phương, hoạt động thụ động, nổi trên bề mặt nước, sử dụng dòng chảy để đưa rác thải vào hệ thống. Hệ thống. Điều kiện lắp đặt là vị trí có dòng chảy để đưa rác thải vào hệ thống; có điểm uốn lượn, đặt máy thu gom ngay vị trí này; có thể dùng thuyền để thu gom rác thải; giao thông thuận tiện cho việc di chuyển lượng rác thải đã được thu gom. Qua đánh giá 5 vị trí, gồm: Hồ Bún Xáng, kênh Rạch Ngỗng, hồ Xáng Thổi, rạch Cái Khế và sông Cần Thơ, chỉ có rạch Cái Khế đáp ứng hầu hết các tiêu chí trên, bởi địa điểm này gần chợ, lượng rác thải phát sinh hàng ngày lớn. Theo đó, rác thải nhựa từ hệ thống thu gom được tái chế thành các khối lục giác, bệ nổi sẽ hình thành từ sự kết nối các khối lục giác với nhau, sử dụng cho công viên nhựa tái chế của TP. Kích thước các bệ nổi có thể thiết kế khác nhau, mang đặc trưng cho từng bệ, tạo phong cảnh phù hợp cho công viên. Thảm thực vật xanh được trồng cả bề mặt trên và dưới của bệ nổi, trong đó, thảm thực vật bên trên góp phần tạo cảnh quan xanh và bên dưới xây dựng hệ sinh thái sông. 

     Có thể nói, việc xây dựng hệ thống thu gom rác thải nhựa - Công viên sử dụng vật liệu nhựa tái chế tại TP. Cần Thơ là sáng kiến mới, phù hợp với tình hình  thực tế về địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội của TP, hướng đến một TP xanh, sạch hơn. Đồng thời, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tái tạo hệ sinh thái sông và nâng cao nhận thức của người dân Cần Thơ nói riêng, khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

 

Vũ Ngọc Khanh

Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2019)

 

Ý kiến của bạn