10/04/2019
Hiện nay, rác thải hữu cơ đang là vấn đề “nhức nhối” tại các đô thị lớn tại Việt Nam. Trong đó, riêng tại TP. Hồ Chí Minh, mỗi ngày, có khoảng 9.000 tấn rác thải hữu cơ phải xử lý, phần lớn phải xử lý bằng công nghệ chôn lấp, dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.
Trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có 26 trạm trung chuyển rác. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, đưa về điểm tập kết và xử lý sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý. Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) xử lý tại bãi rác Đa Phước bằng công nghệ chôn lấp khoảng 5.500 tấn/ngày (chi phí 20,9 USD/tấn), Công ty Vietstar Lemna (Mỹ) xử lý rác làm phân compost 1.500 tấn/ngày (chi phí 19 USD/tấn), Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn (chi phí 20,38 USD/tấn) và Công ty Môi trường đô thị TP. Hồ Chí Minh chôn lấp 500 tấn/ngày (chi phí 16 USD/tấn).
Xe thu gom rác chạy bằng điện năng từ rác hữu cơ
Theo Sở Tài chính TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm, TP chi gần 4.000 tỷ đồng để thu gom rác thải, trong đó có gần 1.200 tỷ đồng dành cho việc xử lý nước thải sinh hoạt, 700 tỷ đồng chi cho việc quét rác, 88 tỷ đồng dành cho việc phân loại rác tại nguồn, 1.800 tỷ đồng cho xử lý rác thải… Mặc dù, kinh phí dành cho việc thu gom rác thải khá cao, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong muốn, gây bức xúc cho người dân thời gian qua.
Từ thực tế đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ (SIHUB) đã phối hợp với Tập đoàn MILAI (Nhật Bản) tiến hành thử nghiệm công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản. Dự án được hỗ trợ bởi Bộ Môi Trường Nhật Bản và quản lý bởi Trung tâm Môi trường Thế giới của Nhật Bản (GEC). Hiệu quả Dự án đã được kiểm chứng trong hơn 5 tháng thử nghiệm xử lý rác thải tại Chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức và Bình Điền (quận 8, TP. Hồ Chí Minh).
Trước khi có Dự án, với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân composit, hoặc xử lý bằng mô hình bioga, do đó, mất nhiều thời gian, chiếm không gian và có thể gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hóa thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm 2 thành phần chính: Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải CO2. Rác được thu gom bằng xe điện và lại sử dụng chính nguồn điện điện tạo ra từ quá trình xử lý rác để sạc cho xe. Sau đó, rác hữu cơ (chủ yếu là thực vật) sau khi phân loại được sấy trong túi khí từ 4 - 5 ngày với sức nóng và gió tản nhiệt do pin năng lượng mặt trời cung cấp. Nhờ đó, lượng nước trong rác hữu cơ từ 80% giảm xuống còn 20% mà vi sinh vật không kịp phân hủy, bốc mùi khó chịu. Sang quá trình các bon hóa, rác khô được đốt trong điều kiện yếm khí tạo ra than củi, sau đó xay nhuyễn, ép viên, đưa vào hệ thống xử lý để cho ra khí đốt và phân bón carbide (tro cuối cùng của các bon, giúp làm sạch môi trường và có hàm lượng than hoạt tính cao). Quá trình đốt tạo ra CO2 trung tính được hấp thụ dễ dàng bởi thực vật, tuy nhiên, rất ít khí CO2 nên không gây hiệu ứng nhà kính. Khí đốt chạy máy phát điện dùng để sạc cho xe bán tải đi thu gom, vận chuyển rác từ nguồn đến điểm trung chuyển, hoặc sử dụng cho mục đích khác. Phân bón được thử nghiệm tạo năng suất cho cây trồng, làm gạch không nung, hoặc bộ phận lọc nước.
Hệ thống xử lý rác thải hữu cơ để tạo ra điện năng
So với các công nghệ khác, công nghệ trên có thể xử lý rác thải hữu cơ thành điện năng và phân hữu cơ tùy vào nhu cầu. Trước đây, việc đốt rác hữu cơ phát điện gặp nhiều khó khăn và tốn kém vì phải đốt kèm dầu. Đặc biệt, công suất của thiết bị từ 100 kg - 25 tấn/ngày/máy, có thể sử dụng ở các vùng biển đảo, nông thôn, hoặc thành phố; đồng thời, có thể linh động xử lý rác tập trung, hoặc phân tán.
Trong thời gian 5 tháng, nhóm chuyên gia Nhật Bản và SIHUB đã trực tiếp thu gom rác thải hữu cơ tại 2 chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP. Hồ Chí Minh là chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức và Bình Điền. Kết quả thí điểm công nghệ này cho thấy, với 50 kg rác hữu cơ có thể xử lý thành 3 kWh điện và hơn 3 kg phân hữu cơ. Toàn bộ quy trình xử lý được thực hiện trong vòng 6 giờ. Theo tính toán, với quy mô thử nghiệm đã được thực hiện tại 2 chợ, nhà đầu tư sẽ mất khoảng 6 - 7 năm để có thể hoàn vốn đầu tư ban đầu. Sau thời gian này, hệ thống sẽ sinh lời từ nguồn điện và phân hữu cơ bán được.
Có thể nói, công nghệ trên phù hợp với điều kiện, đặc điểm rác thải của TP. Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung (chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ cao từ 83 - 88,9% thành phần chất thải rắn). Trong thời gian tới, dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Tập đoàn MILAI cùng với SIHUB sẽ chuyển giao công nghệ và nội địa hóa phương pháp xử lý rác hữu cơ hiệu quả này tại Việt Nam.
Vũ Ngọc Khanh
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2019)