Banner trang chủ

Công nghệ xử lý nước MET - Cam kết mang nguồn nước sạch cho bà con vùng khó khăn

08/10/2019

     Nước sạch luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân Việt Nam, đặc biệt tại các khu vực  nông thôn, nơi mà nguồn nước đang ngày càng trở nên khó khăn do sự suy giảm của mực nước ngầm, cũng như tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên trầm trọng do các hoạt động của con người. Với cam kết mang nguồn nước sạch cho bà con vùng khó khăn, ông Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Môi trường về công nghệ xử lý nước MET (công nghệ năng lượng cơ học), cũng như các hoạt động mà Công ty triển khai trong thời gian qua.

     PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về công nghệ xử lý nước MET?

     Ông Vũ Tiến Anh: Năm 2011, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng cao, các hệ thống xử lý nước ngầm không đáp ứng triệt để về yêu cầu chất lượng, khối lượng cho người dân, vì thế, Công ty TNHH công nghệ xử lý nước TA đã thiết kế và thành công hệ thống xử lý nước ngầm dùng cho sinh hoạt bằng công nghệ MET. Đặc biệt, năm 2018, Công ty đã thành công trong việc chế tạo hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường mà xã hội quan tâm.

 

Ông Vũ Tiến Anh - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA

 

     Công nghệ xử lý nước MET khác so với những công nghệ xử lý nước hiện nay. Khi nước vào máy, đủ áp lực dòng nước chảy qua van hơi tự do vào khu vực phân tách, tại đây dòng nước bị phân tách thành các tia nhỏ, nước ở dạng phân tử được hòa trộn với ôxi không khí tạo kết tủa dạng ôxit kim loại lắng lại trên bề mặt cát, phần nước còn lại được thấm qua các lớp vật liệu xuống đáy bể. Dòng nước không bị đẩy ra ngoài tiếp tục được phân tách thành dạng bụi nước được xử lý yếm khí trong hệ thống. Dòng nước thấm xuống đáy bể được hút ngược trở lại hệ thống để xử lý nhờ áp lực dòng và áp suất nén do nước thấm. Bên cạnh nguyên lý cơ học, hệ thống còn sử dụng một hỗn hợp chuyên biệt được tính toán riêng theo từng loại nước thải nhằm xử lý các thành phần ô nhiễm đặc trưng của loại nước thải đó.

     Đặc biệt, MET có thể xử lý triệt để các chất có hại trong nước như chất rắn lơ lửng, kim loại nặng, chất khí, vi sinh vật…, nhưng vẫn giữ được các chất khoáng có lợi cho cơ thể và không gây ra mùi. Nước sau xử lý đáp ứng được những tiêu chuẩn như QCVN 14:2008/BTNM và QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN&MT. Công nghệ này yêu cầu đầu tư thấp nhưng độ bền cao, hoạt động ở mức áp suất thấp, máy được làm bằng nhựa PVC (có độ bền tới 50 năm). Bên cạnh đó, chi phí vận hành thấp, máy hoạt động không cần các lõi lọc và có thể vận hành mà không có điện, hay các hóa chất, không giới hạn khối lượng nước được xử lý. Công nghệ MET còn tiết kiệm được 75% diện tích so với các phương thức xử lý nước truyền thống và có thể xử lý nhiều nguồn nước khác nhau (nước ngầm, mưa, sông suối, nước thải công nghiệp…). Hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động mà không cần đến nhân sự có trình độ cao, có thể sử dụng lao động phổ thông để vận hành hệ thống.

     Với những ưu điểm như trên, công nghệ MET đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng chứng nhận sáng chế độc quyền và còn vinh dự nhận được rất nhiều bằng sáng chế của các tổ chức quốc tế khác như: Huy chương bạc tại Cuộc thi Japan Design, Idea & Invention Expo (Nhật Bản) năm 2018; Huy chương vàng về công nghệ xử lý nước thải công nghiệp tại Hội chợ Kaohsiung International Invention & Design Expo 2018 (Đài Loan); Huy chương vàng Cuộc thi Giải pháp công nghệ toàn cầu iCAN 2017 (Canađa); Giải Sáng tạo Cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh (Việt Nam)

     PV: Công nghệ này đã được áp dụng hiệu quả ở những địa phương nào, thưa ông?

     Ông Vũ Tiến Anh: Thời gian qua, Công ty đã triển khai lắp đặt hệ thống xử lý nước bằng công nghệ MET cho khoảng 700 hộ gia đình tại một số khu vực nông thôn ở Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên… và ký kết với các công ty như: Xi Măng Chinfon (Hải Phòng), gỗ Bình Minh (Ninh Bình), ống nhựa DISMY (Hưng Yên), Poshaco, Cao su Đồng Nai, cơ sở sản xuất rượu tại Lập Lễ, Hải Phòng… Đây là bước chuyển mình thành công đối với công nghệ MET nói chung và ngành công nghiệp môi trường nói riêng. Với việc các công ty nước ngoài tin tưởng và sử dụng những công nghệ được kỹ sư trong nước chế tạo, đây là động lực cho sự phát triển không ngừng của ngành dịch vụ môi trường nước ta trong tương lai gần.

     Quá trình sử dụng công nghệ MET cho thấy nhiều ưu điểm như: Hệ thống hoạt động ổn định, công suất lớn, xử lý được nhiều nguồn nước khác nhau (kể cả nguồn nước bị ô nhiễm); loại bỏ hoàn toàn các chất rắn lơ lửng và các chất khoáng không có lợi cho con người (như asen, phèn, sắt,…) và giữ lại các chất khoáng có lợi cho sức khỏe; xử lý triệt để các chất khí như mêtan, hydro sulfur, amoni,…; tuổi thọ của máy có thể lên đến hơn 10 năm… Chất lượng nước sau xử lý bằng công nghệ MET được kiểm tra đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT); nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp sau xử lý đạt các quy chuẩn theo QCVN 14:2008/BTNM và QCVN 40:2011/BTNMT của Bộ TN&MT.

     PV: Được biết, Công nghệ MET cam kết mang nguồn nước sạch tới cho bà con vùng khó khăn, vậy Công ty đã triển khai những hoạt động gì?

     Ông Vũ Tiến Anh: Công nghệ xử lý nước thải MET dù mới được nghiên cứu và phát triển từ năm 2012 nhưng đã gặt hái được nhiều thành công. Không chỉ được sự tin tưởng hợp tác của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, Công ty đã kết hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lên kế hoạch kêu gọi nguồn tài trợ nhằm mang đến nguồn nước sạch cho bà con vùng khó khăn, thiếu nguồn nước sạch sinh hoạt. Khi đã đủ kinh phí triển khai, Công ty và PHAD đã chọn địa bàn xã Hà Lâm, huyện Hà Trung, Thanh Hóa để thực hiện chiến dịch mang nguồn nước sạch đến cộng đồng.

 

Hệ thống xử lý nước giếng khoan bằng công nghệ MET tại Thường Tín, Hà Nội

 

     Xã Lâm Hà có đặc điểm là xã có kinh tế khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu trồng lúa và làm hoa màu là chủ yếu. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn không có điều kiện đầu tư các công trình lọc nước riêng cho gia đình. Vùng này còn thường hay xảy ra bão lũ nên tình trạng nước sạch lại càng thêm khan hiếm. Các nguồn nước tự nhiên nơi đây đa số bị nhiễm phèn nặng hoặc bị ô nhiễm thuốc sâu và phân bón hóa học. Từ những khó khăn của xã, ngày 19/9/2018, buổi họp đầu tiên được diễn ra nhằm mục đích giới thiệu về kế hoạch nước sạch tại xã Hà Lâm. Buổi họp có sự tham gia của lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành liên quan và đại diện người dân các thôn trong xã. Khi nghe Công ty trình bày kế hoạch triển khai của dự án, chính quyền địa phương và đại điện người dân nhiệt tình hưởng ứng, bởi nhiều năm nay, xã luôn bị thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt. Người dân ở đây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan. Đối với 1 số người dân tộc thiểu số phải dùng cả nước sông, suối mới đủ cho sinh hoạt. Trong cuộc họp, Công ty giới thiệu các ưu điểm vượt trội của công nghệ MET mang lại. Đồng thời, cam kết với chính quyền và người dân: Luôn đảm bảo mang đến nguồn nước sạch, an toàn và hợp vệ sinh đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt.

     PV: Để phát triển công nghệ này, cũng như mang đến cho người dân nguồn nước sạch, ông có đề xuất, kiến nghị gì?

     Ông Vũ Tiến Anh: Nhằm đưa công nghệ MET được sử dụng rộng rãi, phổ biến, với sứ mệnh hồi sinh lại những dòng sông bị ô nhiễm, Công ty mong muốn tham gia xử lý nước từ đầu nguồn của các dòng sông qua việc lắp đặt MET cho các trạm xử lý nước. Khi ấy, không cần phải lắp từng thiết bị cho hộ gia đình. Đây chính là câu trả lời cho giá trị cốt lõi của Công ty: Khởi nghiệp vì lợi ích cộng đồng.

     Với định hướng này, Công ty đang phối hợp cộng tác với các tổ chức phi Chính phủ nhằm mang đến cho người dân nguồn nước sạch nhưng gần như không phải mất tiền. Khi sử dụng công nghệ này tại các trạm xử lý nước công cộng, người dân ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn chỉ phải bỏ ra một số chi phí nhỏ để quản lý, trông coi công trình.

     Ngoài ra, khi tham gia vào Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh vận hành, Công ty cũng mong muốn phổ biến rộng rãi công nghệ MET qua các buổi giới thiệu công nghệ; kết nối với các nơi có nhu cầu và được tạo điều kiện triển khai ứng dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố, qua đó, người dân được “hưởng thụ” nguồn nước sạch. Đồng thời, Công ty mong được tiếp cận nhiều hơn nữa tới những hoạt động chiều sâu trong cộng đồng khởi nghiệp, cũng như nhiều hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhằm cung cấp nước sạch cho người dân, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng trên cả nước.

     PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Đức Anh (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

  

Ý kiến của bạn