Banner trang chủ

Công nghệ xử lý, tái chế trấu thành nguyên liệu quý SiO2 và nhiệt lượng

06/03/2017

     Ở Việt Nam, bình quân mỗi năm sản xuất ra hơn 40 triệu tấn thóc, riêng năm 2015 sản lượng lúa gạo của nước ta đạt tới 44,7 triệu tấn. Khối lượng trấu chiếm 20% trong thành phần hạt thóc, vậy mỗi năm có xấp xỉ 9 triệu tấn trấu thải ra môi trường, đây là số lượng chất thải khổng lồ mà nếu không xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường và là một sự lãng phí lớn.

     Trong thực tế trấu là một chất thải khó tái chế, nó cũng là vật liệu khó cháy, khó mục nát trong môi trường. Theo truyền thống ở nước ta trấu thường được dùng làm nhiên liệu đốt trực tiếp, vài năm gần đây trấu được chế biến thành củi, trấu cũng được chế tạo thành các tấm ép phục vụ xây dựng và trang trí nội thất. Nhưng số lượng trấu dùng cho các mục đích nêu trên chỉ chiếm một tỷ lệ quá nhỏ so với khối lượng trấu lớn mỗi năm thải ra môi trường.

     Đã có những dự án dùng trấu để đốt vận hành nhà máy nhiệt điện nhưng tính ra thấy giá trị kinh tế thấp nên không khả thi. Trấu cũng được tính toán ứng dụng cho các lò sinh khối nhưng ở địa bàn đồng bằng sông Cửu Long là vùng công nghiệp chưa phát triển thì sinh khối không tiêu thụ là bao nhiêu nên xem ra cũng kém hiệu quả. Mặt khác chất thải của các quá trình vận hành ở trên là tro trấu thì không dùng vào việc gì cho hết, cũng không thể tinh chế oxit silic từ tro này được vì hàm lượng oxit silic (SiO2) rất thấp, do đó đầu tư công nghệ không hiệu quả.

 

Lượng vỏ trấu “khổng lồ” thải ra từ các các cơ sở xay xát

 

     Theo kết quả phân tích của các nhà khoa học thì trong trấu có chứa một tỷ lệ SiO2chiếm khoảng 15 - 17%. Nếu đốt trấu trong điều kiện tự nhiên như các mục đích nêu ở trên thì tro trấu thu được cũng có hàm lượng SiO2 không cao, nếu tinh chế oxit silic từ các loại tro này thu được kết quả rất thấp, không có hiệu quả kinh tế.

     Vì thế các nhà khoa học thế giới đã sáng chế ra phương pháp nhiệt phân đốt trấu trong các lò đặc biệt ở những nhiệt độ đặc biệt để thu được tro trấu có hàm lượng SiO2 cao lên đến trên 90% phương pháp này vô cùng hiệu quả cho công nghệ điều chế SiO2 để ứng dụng cho nhiều mục đích.

     Trong bài viết này sẽ trình bày về giải pháp ứng dụng công nghệ nhiệt phân để sản xuất SiO2 hiệu quả cao. Oxit silic thu được từ trấu thường có dạng vô định hình (hình thức dạng bột), có kích thước dạng hạt nhỏ cỡ vài micron (µm) có độ rỗng giữa các hạt kích thước 0,0045µm vì vậy diện tích riêng tiếp xúc bề mặt rất lớn đạt tới 321 m2/1g. Chính bởi có những đặc tính nêu trên mà oxit silic có hoạt tính rất cao.

     Oxit silic - nhiều ứng dụng và có giá trị xuất khẩu

     Oxit silic có công thức hóa học SiO2 là hợp chất của silic và oxy, trên trái đất này nó tồn tại ở trong cát thạch anh (cát trắng) và trong vỏ trấu, rơm, rạ và một số thực vật khác. Oxit silic được ứng dụng rộng rãi vào rất nhiều lĩnh vực khác nhau:Để tinh chế nguyên tố silic dùng chế tạo pin mặt trời và chất bán dẫn; Chế tạo thủy tinh lỏng, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực chế tạo vật liệu - Phụ gia cho sản xuất lốp ô tô chất lượng cao; Sơn chịu nhiệt, chịu môi trường hóa chất; Gạch chịu nhiệt, cách âm, cách nhiệt; Làm xà phòng, kem đánh răng; Làm phụ gia cho công nghiệp thực phẩm; Dùng trong công nghiệp dược phẩm; Dùng trong công nghiệp chế tạo xi măng và bê tông. Đặc biệt để chế tạo phân bón hữu cơ silic giúp tăng năng suất lúa và các cây trồng khác lên từ 15 - 30%, giảm thiểu các chất N, P, K và giảm thiểu việc sử dụng thuốc trừ sâu…

     Do có nhiều ứng dụng rộng rãi như vậy nên nhu cầu về oxit silic ngày càng tăng trên thị trường thế giới hiện nay thế giới mỗi năm có nhu cầu 1,5 triệu tấn, qua mỗi năm lại tăng thêm. Riêng nước Nga cần 15.000 tấn/năm, đến năm 2020 nhu cầu đến 26.000 tấn/năm. Đặc biệt xu hướng phát triển năng lượng sạch của thế giới càng ngày càng tăng cao thì nhu cầu về năng lượng mặt trời lại càng trở nên bức xúc từ đó càng tăng thêm nhu cầu về silic.

     Ví dụ: Năm 2016 nhu cầu về silic tinh chế tăng hơn năm 2010 là 100.000 tấn, đạt tới 350.000 tấn. Nhu cầu về tăng trưởng của năng lượng mặt trời sẽ còn tăng đột biến trong những năm tiếp theo. Trên thế giới rất nhiều nước không có tài nguyên về cát thạch anh và nông nghiệp lúa nước nhưng nhu cầu phát triển kinh tế, công nghiệp, khoa học công nghệ rất cao nên hầu như phải nhập khẩu 100% oxit silic. Tại Nga, riêng vùng Viễn Đông là vùng cực phía Đông - Nam của nước này là vùng đất gần với Việt Nam nhất của nước Nga, mỗi năm nhập khẩu 2.500 tấn SiO2, đồng thời nhu cầu qua mỗi năm lại tăng thêm.

     Nước Nga gần như 90% oxit silic phải nhập khẩu từ nước ngoài, mấy năm trước phải nhập từ Brazil, vài năm gần đây nhập từ Ấn Độ và Trung Quốc.

     Giải pháp công nghệ

     Như đã nói ở phần trên, mục tiêu của công nghệ hướng tới là công nghệ nhiệt phân trấu đặc biệt tạo ra 2 loại sản phẩm: Sản phẩm 1: Oxit silic hàm lượng cao từ tro trấu nhiệt phân. Sản phẩm 2: Nhiệt lượng.

     Giải pháp công nghệ độc đáo này do các nhà khoa học Nga sáng chế ra, khác với công nghệ đốt trấu truyền thống là ở công nghệ đốt truyền thống thì tro trấu là chất thải gần như bỏ đi, chỉ sử dụng một phần không đáng kể làm vật liệu xây dựng và một số việc khác. Còn trong công nghệ mới này tro trấu được sử dụng là nguyên liệu chính cho quá trình sản xuất. Phần khí thải được thu hồi thành nhiệt lượng, vì vậy không thải ra môi trường những chất thải độc hại. Oxit silic thu được có độ tinh khiết đạt tới trên 90%, có thể đạt tới 99,99%.

     Thông thường đốt trấu trong điều kiện không khí tự nhiên chỉ thu được tro trấu có hàm lượng oxit silic thấp. Trong công nghệ này, trấu được đốt trong lò nhiệt phân có điều khiển kiểm soát nhiệt độ tăng dần theo lập trình của nhà sản xuất. Trấu nguyên liệu đầu vào có độ ẩm trung bình 10%, có thể cao hơn nhưng không quá 25%. Không cần phải sấy trấu trước khi cho vào lò. Lò có hệ thống điều khiển tự động do người điều khiển máy lập trình trước. Ví dụ có thể điều khiển để lò có tốc độ tăng nhiệt 5oC/phút, 10oC/phút, 15oC/phút…

     Cũng có chế độ hãm ở một nhiệt độ nào đó 30 phút hay 60 phút… Hệ thống lò có thể điều tiết tự động van đóng mở để cho không khí vào nhiều hay ít tùy thuộc vào chế độ theo yêu cầu của công nghệ mà người điều khiển mong muốn. Hệ thống lò tiên tiến này rất tiết kiệm nhiên liệu, an toàn, có hiệu suất cao.

     Công nghệ xử lý, tái chế trấu thành nguyên liệu quý SiO2 và nhiệt lượng hữu ích đã được nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thành dây chuyền sản xuất ổn định có hiệu quả cao tại Nga. Dây chuyền công nghệ này không chỉ xử lý tái chế trấu thành oxit silic mà còn có khả năng chế biến rơm, rạ cũng là chất thải của đồng ruộng thành oxit silic tương tự.

     Việc triển khai công nghệ này tại Việt Nam sẽ là một đóng góp giá trị cho chủ trương của Chính phủ phát triển đồng bộ công nghiệp trong nông nghiệp nhằm phát huy tiềm năng của nông nghiệp, góp phần hiện đại hóa ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giải quyết an sinh xã hội.

 

     “Chúng tôi, những cán bộ nghiên cứu về vật liệu và năng lượng tái tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam rất mong muốn các nhà quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng công nghệ mới này triển khai tại các vùng vựa lúa đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi tin rằng sự thành công của áp dụng công nghệ sẽ góp phần tăng thêm chuỗi giá trị gia tăng của hạt gạo Việt Nam đủ sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế” - TS. Đỗ Đình Khang.

 

Vũ Hồng (Theo: ThienNhien.Net)

Ý kiến của bạn