12/04/2018
Làm phân bón, thức ăn gia súc, trồng nấm... là những cách đơn giản giúp nông dân kiếm được tiền từ phế phẩm nông nghiệp.
Sau mỗi mùa thu hoạch, nông dân thường đốt rơm rạ ngay tại cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đây là nguồn nguyên liệu rất có giá trị, có thể mang lại lợi nhuận cao nếu biết tận dụng làm nấm, phân bón hoặc bán.
Bán rơm
Cho rằng đốt rơm rạ sẽ gây độc hại cho bầu khí quyển, làm tăng biến đổi khí hậu, Giáo sư - Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân khuyên bà con nên dừng hành vi này. Tại vựa lúa số 1 của Việt Nam - đồng bằng sông Cửu Long, trước đây rơm thường được bỏ phí trên ruộng đồng nhưng hiện nhiều hộ dân tận dụng mang đi bán, vừa có thêm thu nhập lại góp phần BVMT.
Trung bình một ha ruộng sẽ thu được 2,5 - 3 triệu đồng rơm rạ. Rất nhiều doanh nghiệp đứng ra thu mua rơm làm nấm xuất khẩu hoặc phân bón. Từ năm 2015, Nông trường Sông Hậu (Cần Thơ) còn có dự án chế biến rơm xuất khẩu sang Nhật làm thức ăn chăn nuôi.
Để vận chuyển đi xa, rơm được người dân sử dụng máy cuộn thành hình tròn, mỗi cuộn khoảng 18.000 - 20.000 đồng; cuốn gia công thì rẻ hơn một nửa. Vào mùa hạn hán, thức ăn cho gia súc thiếu, có thời điểm rơm rạ lên đến 40.000 - 45.000 đồng/cuộn, người dân không đủ cung cấp.
Làm phân bón
Sau mùa thu hoạch, nhiều hộ dân đã vùi rơm vào đất như lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau. Việc này giúp duy trì đạm và các bon trong đất. Đây là phương pháp thông dụng được thực hiện ở nhiều địa phương.
Tuy nhiên, theo chuyên gia công nghệ sinh học - TS. Lê Văn Tri, tối ưu nhất hiện nay là dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời làm tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất.
Sau mỗi mùa thu hoạch, rơm rạ thường được đốt tại các cánh đồng (Ảnh: Phước Tuấn)
Theo tính toán, nếu sử dụng chế phẩm sinh học tốt thì trong một tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ sẽ có 10 kg đạm; 9,5 kg lân và 21 kg kali. "Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước khoảng 44 - 45 triệu tấn được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ. Người dân không phải bỏ tiền mua 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng", TS. Lê Văn Tri phân tích.
Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) cũng nghiên cứu thành công công nghệ vi sinh xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, tiết kiệm chi phí và thân thiện với môi trường. Theo tính toán của nhà khoa học, cứ một tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ, nông dân tiết kiệm gần 500.000 đồng.
Trồng nấm
Theo các nhà khoa học, trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng.
Hiện mô hình trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. Có gia đình thu nhập từ nấm mỗi năm lên đến chục triệu đồng.
Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển. Người trồng cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng cần sự cần mẫn, dành nhiều thời gian theo dõi nhiệt độ và độ ẩm.
Thức ăn gia súc
Bến Tre, Trà Vinh, Long An hiện nuôi bò với quy mô lớn nên nhu cầu về rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi rất cao.
Một nghiên cứu về sử dụng và quản lý rơm rạ năm 2011 chỉ ra, rơm rạ chứa hàm lượng năng lượng và dinh dưỡng mà gia súc có thể tiêu hóa được. Mặt khác, lượng nhiệt được sinh ra trong ruột con vật ăn cỏ, nên việc tiêu hóa rơm rạ có thể hữu ích trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể vào mùa đông lạnh.
Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng một phần rơm rạ cho gia súc bởi không có hàm lượng dinh dưỡng cao và những cọng rơm cứng có thể gây tổn thương cho động vật.
Sản xuất ethanol
Viện Dầu khí Việt Nam năm 2013 công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần.
Nếu được ứng dụng vào thực tiễn, người dân có thêm nguồn thu nhập nhờ cung cấp rơm rạ cho các công ty sản xuất nhiên liệu, vừa giải quyết bài toán đốt đồng.
Sản xuất giấy
Một công ty ở bang Virginia (Mỹ) nhiều năm nay tận thu rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Sản phẩm giấy thường có màu sẫm hơn nhưng chất lượng rất tốt. Trung Quốc và Thái Lan cũng thực hiện công nghệ sản xuất này từ lâu.
Các chuyên gia khuyên Việt Nam nên tận dụng rơm rạ theo cách trên, ban đầu có thể sản xuất giấy làm hàng hóa hay bìa carton với giá thành rẻ. Việc này còn giúp Việt Nam không phải nhập khẩu bột giấy.
Mua lò đốt công nghiệp
Nhà khoa học thuộc Đại học Tự nhiên Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, người dân có thể đốt rơm rạ, lấy tro bón ruộng, nhưng nên đầu tư lò đốt công nghiệp để điều chỉnh nhiệt độ, giúp lượng khói lan tỏa ít hơn, tránh mù quang hóa ở các khu đô thị, hay gây ra tai nạn giao thông do tầm nhìn hạn chế.
Phương Linh (Theo VNE)