12/03/2016
Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, Lê Minh Vương - sinh viên năm cuối khoa Khoa học Môi trường, Trường Đại học Sài Gòn, đã biến những đống bùn thải khổng lồ múc lên từ các ao nuôi tôm thành nguồn phân bón chất lượng, giúp cải thiện môi trường.
Lê Minh Vương bên một sang kiến mới
Chứng kiến ao nuôi tôm của gia đình mình và những người dân xung quanh chết hàng loạt do dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước mà nguyên nhân chính là do bùn thải sau thu hoạch được nhiều người mang đổ xuống kênh mương hoặc các bãi đất trống gần đó, Vương đã tìm tòi, nghiên cứu “Sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp với nuôi trùn quế từ bùn thải ao nuôi tôm”.
Theo Lê Minh Vương, hàm lượng chất hữu cơ cũng như hàm lượng đạm, phốt pho… trong bùn khá cao, có thể tận dụng để cải tạo thành phân bón hữu cơ có chất lượng cao. Do vậy, bà con nuôi tôm vừa có thể tận dụng bùn từ ao nuôi, qua các bước cải tạo thành phân bón vi sinh đồng thời có thể kết hợp để nuôi trùn quế, bán thành phẩm ra ngoài thị trường, phân trùn một lần nữa được sử dụng làm phân bón vi sinh, việc này vừa giúp tiết kiệm, vừa BVMT. Hơn nữa, trong nuôi tôm thâm canh, chỉ có 15 - 20% thức ăn được dùng vào phát triển mô động vật, còn lại bị thải ra ngoài. 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát với mật độ 200 con/m2, năng suất khoảng 20 tấn/ha/vụ sẽ thải ra môi trường khoảng 15 - 20 tấn chất thải, chủ yếu là thức ăn dư thừa, phân tôm. Hậu quả ô nhiễm từ lượng bùn khổng lồ này rất lớn và việc sử dụng chúng để cải tạo làm phân bón là hết sức thiết thực.
Công trình này đã được Minh Vương chuyển giao miễn phí cho bà con nông dân nhiều tỉnh và hiện đang được Công ty PETECH Corporation tại TP.Hồ Chí Minh đầu tư sản xuất đại trà, triển khai bước đầu.
Gia Linh