Banner trang chủ

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý chất thải y tế

03/10/2018

     Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là cơ sở y tế thuộc trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Trong những năm qua, bệnh viện luôn nâng cao chất lượng và ứng dụng các thành tựu y học tiên tiến trên thế giới trong các hoạt động khám – điều trị - chăm sóc người bệnh. Năm 2017, bệnh viện vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ Y tế về việc triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và là một trong những bệnh viện xanh - sạch - đẹp.

     Bệnh viện Y Dược TP. Hồ Chí Minh là bệnh viện công lập đa khoa hạng I, hoạt động theo mô hình tiên tiến kết hợp Trường - Viện, gồm 3 cơ sở, 11 phòng chức năng, 3 trung tâm, 38 khoa lâm sàng và cận lâm sàng, với 1.000 giường bệnh. Từ năm 2013, bệnh viện đưa vào hoạt động tòa nhà 17 tầng, góp phần đáp ứng số lượng người bệnh đến khám ngoại trú và điều trị nội trú tại bệnh viện. Đây là tòa nhà thiết kế theo tiêu chuẩn bệnh viện quốc tế, đem đến môi trường khám chữa bệnh tiện nghi, xanh - sạch - đẹp, giúp người bệnh và gia đình cảm thấy thoải mái khi đến bệnh viện. Mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận trung bình hơn 2 triệu lượt người khám ngoại trú (khoảng 7.000 người khám/ngày), 55.000 người điều trị nội trú, 30.000 ca phẫu thuật…

     Nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, bên cạnh việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, bệnh viên luôn chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải y tế (QLCTYT) nói riêng. Bệnh viện đã tạo một không gian xanh, sạch, đẹp trong khuôn viên bệnh viện với những chậu hoa, cây cảnh được bố trí và sắp xếp hợp lý. Ngoài ra, người bệnh còn được đón tiếp chu đáo với hệ thống hướng dẫn thông tin đầy đủ, cung cấp nước uống miễn phí cho người bệnh và người nhà, nhà vệ sinh luôn khô ráo, sạch sẽ.

     Trong hoạt động khám chữa bệnh, điều trị nội trú và ngoại trú, bệnh viện phát sinh 4 loại chất thải bao gồm: chất thải lây nhiễm (sắc nhọn, không sắc nhọn, chất thải giải phẫu), chất thải nguy hại không lây nhiễm, chất thải sinh hoạt và chất thải tái chế. Các loại chất thải này đều được bệnh viện phân loại theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT do liên Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý chất thải y tế. Trên cơ sở đó, bệnh viện đã thành lập Ban Quản lý chất thải y tế, bao gồm 20 thành viên do Phó Giám đốc bệnh viện làm trưởng ban. Ban Quản lý chất thải y tế chịu trách nhiệm về việc thực hiện xử lý chất thải y tế theo Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật liên quan đến chất thải y tế hiện hành.

 

Đường vận chuyển nội bộ chất thải đến các nhà lưu giữ

 

     Theo đó, tất cả các loại chất thải được thu gom riêng biệt tại khu tập trung, có dán bảng hướng dẫn phân loại. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải được buộc kín, thùng đựng chất thải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi vãi ra môi trường bên ngoài. Tại các khoa, phòng đều có khu vực tập trung chất thải tạm thời, được đưa về nơi lưu giữ qua đường thu gom riêng, không qua khu vực chăm sóc người bệnh. Nhân viên thu gom và vận chuyển chất thải theo đúng giờ quy định và được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân. Bệnh viện cũng phối hợp với đơn vị có chức năng thu gom chất thải y tế lây nhiễm 1 lần/ngày; chất thải sinh hoạt 2 lần/ngày; chất thải nguy hại và chất thải tái chế 2 lần/tuần. Việc thu gom, vận chuyển, bàn giao chất thải cho đơn vị xử lý đều có sự giám sát của nhân viên bệnh viện.

     Trong lưu giữ chất thải, bệnh viện có khu vực lưu giữ chất thải y tế riêng biệt. Khu vực lưu giữ có nền đảm bảo không bị ngập lụt, tránh được nước mưa chảy tràn từ bên ngoài vào, đồng thời có hệ thống thoát nước để không bị chảy tràn chất lỏng ra ngoài khi có sự cố rò rỉ, đổ tràn, cũng như đảm bảo ngăn cản được súc vật ngậm nhấm xâm nhập vào trong. Chất thải sinh hoạt, chất thải y tế lây nhiễm, chất thải y tế không lây nhiễm, chất thải thông thường phục vụ mục đích tái chế được lưu giữ riêng. Đặc biệt, chất thải y tế lây nhiễm được lưu giữ trong điều kiện bảo quản lạnh, đảm bảo đúng theo quy định, trong đó thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại có biển dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa phù hợp. Khu lưu giữ chất thải y tế có hệ thống đèn chiếu sáng; hệ thống thông khí; hệ thống thoát nước và thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Bệnh viện trang bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, hóa chất làm vệ sinh và phương tiện bảo hộ lao động dành cho nhân viên làm việc tại khu vực lưu giữ chất thải.

     Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định quản lý chất thải y tế được thực hiện nghiêm túc và đầy đủ. Bệnh viện thực hiện quan trắc môi trường theo Thông tư số 31/2013/TT-BYT với tần suất định kỳ 3 tháng/lần. Hàng ngày, có nhân viên thực hiện giám sát phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải y tế theo đúng quy định. Bên cạnh đó, bệnh viện tổ chức các chương trình tập huấn về công tác quản lý chất thải y tế, trong đó nội dung hướng dẫn cách thức thu gom, phân loại chất thải theo đúng quy định của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cho tất cả nhân viên bệnh viện và nhân viên công ty phối hợp làm vệ sinh môi trường.

     Nhìn chung, công tác bảo vệ môi trường và quản lý chất thải y tế được bệnh viện triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ cập nhật các văn bản pháp luật về quản lý chất thải y tế nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung để việc thực hiện được kịp thời và đạt kết quả tốt. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý chất thải y tế, đặc biệt là việc phân loại, thu gom, lưu giữ và vận chuyển chất thải y tế trong bệnh viện để không làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh và cộng đồng xung quanh. Bên cạnh đó, bệnh viện sẽ chú trọng tới công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

 

 

                                                                                            Diệu Thảo

Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2018)

Ý kiến của bạn