Banner trang chủ

Bắc Ninh: Phát triển bền vững các làng nghề

09/05/2017

   Là địa phương có diện tích nhỏ nhất, nhưng Bắc Ninh lại là một trong những tỉnh có nhiều làng nghề nhất cả nước. Với hơn 60 làng, trong đó có 31 làng nghề truyền thống, được phân bổ rộng khắp trên địa bàn tỉnh, thu hút gần 80 nghìn lao động. Những năm qua, nhờ có những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo điều kiện thúc đẩy các làng nghề phát triển, cùng với sự cố gắng của các doanh nghiệp (DN) và người dân, nhìn chung các làng nghề tại Bắc Ninh đều có bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có làng nghề Gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn), gốm Phù Lãng (Quế Võ), tranh Đông Hồ (Thuận Thành), đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), chạm khắc gỗ Phù Khê (Từ sơn), tre trúc Xuân Lai (Gia Bình)…

Ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong)

   Tuy nhiên, do phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch của nhiều làng nghề ở khu vực nông thôn và ven đô tại khu vực này, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

   Hiện nay, Bắc Ninh có 6 làng nghề được liệt kê trong danh sách ô nhiễm trầm trọng: Làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê (TP. Bắc Ninh); làng bún Khắc Niệm (xã Khắc Niệm, TP Bắc Ninh); làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá (Yên Phong); làng nghề đúc đồng Đại Bái (Gia Bình); làng nghề tái chế thép Đa Hội (thị xã Từ Sơn); làng đúc đồng Quảng Bố (Lương Tài).

   Theo số liệu của UBND phường Phong Khê (tháng 8/2015), địa phương hiện có 95% hộ dân làm nghề, với 203 DN trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tái chế giấy sinh hoạt. Theo số liệu của cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh, hàng ngày, làng tái chế giấy Phong Khê thải ra môi trường khoảng 4.500 - 5.000 m3 nước thải chứa lượng độc tố cao gấp hàng chục lần, thậm chí là hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép (hàm lượng chất rắn lơ lửng cao hơn từ 4,5 - 11 lần; hàm lượng COD cao hơn từ 8 - 500 lần; hàm lượng Pb cao hơn 5,5 lần…); Kết quả phân tích cũng chỉ ra hầu hết các chỉ số ô nhiễm môi trường trong mẫu bùn ở đáy sông Ngũ Huyện Khê, đoạn đi qua làng nghề Phong Khê đều cao hơn so với đoạn trước khu vực làng nghề từ 1 - 2 lần, có đoạn vượt từ 6,8 - 8 lần.

   Báo cáo của Trạm Y tế xã Đại Bái năm 2015 (Gia Bình) cho thấy, trong 3 năm từ 2012 - 2015, chỉ tính riêng xóm Trại, thôn Đại Bái đã có 23 người chết do các bệnh ung thư, chủ yếu ở độ tuổi từ 45 - 50. Tại hai làng bún Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh) và rượu cồn Đại Lâm (Xã Tam Đa - Yên Phong) là những làng nghề có mức độ ô nhiễm cao nhất với 48/450 chỉ tiêu ô nhiễm vượt giới hạn cho phép. Số lượng người mắc bệnh ngày càng tăng, chủ yếu là viêm đường hô hấp cấp, đường tiêu hóa, bệnh phổi. Tại làng tái chế nhôm Mẫn Xá (xã Văn Môn - Yên Phong), bao trùm làng quê ven đô là những đám khói đen bốc lên từ hàng trăm lò nấu nhôm, sắt vụn… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân.

   Việc thúc đẩy làng nghề phát triển là điều cần thiết, là động lực quan trọng góp phần xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp trên cả nước nói chung, tỉnh Bắc Ninh nói riêng. Tuy nhiên, để các làng nghề thực sự phát triển bền vững, trong thời gian tới, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh cần tập trung giải quyết một số vấn đề:

   Thứ nhất, cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên… trong đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động, BVMT và chăm sóc sức khỏe cho chủ cơ sở sản xuất, người lao động và cộng đồng dân cư tại các làng nghề. Đặc biệt là phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổ tự quan về BVMT làng nghề trong việc tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện phương án BVMT làng nghề; hương ước, quy ước có nội dung BVMT; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường…

   Thứ hai, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng công khai thông tin về số lượng và hiện trạng sản xuất, môi trường các làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề trên địa bàn; hoàn thành việc đánh giá mức độ ô nhiễm tại các làng nghề, phân loại các cơ sở sản xuất trong các làng nghề theo loại hình sản xuất và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề; không phát sinh làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới. Đặc biệt, cần thực hiện nghiêm chỉnh mục tiêu "100% các cơ sở sản xuất còn tồn tại trong các làng nghề chưa được công nhận có biện pháp xử lý chất thải theo quy định, hoặc di dời vào Cụm công nghiệp làng nghề, hoặc chấm dứt hoạt động" theo Kế hoạch số 22/KH -UBND của UBND tỉnh ngày 10/4/2014 về triển khai thực hiện Đề án tổng thể BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

   Thứ ba, chấp hành nghiêm quy chế BVMT làng nghề, khu dân cư, cụm công nghiệp và khu kinh doanh dịch vụ làng nghề theo Quyết định số 44/2016/QĐ- UBND ngày 17/11/2016 của UBND tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, đặc biệt chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng về BVMT làng nghề.

   Thứ tư, khẩn trương có các giải pháp xử lý triệt để đối với các làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh như làng nghề tái sản xuất giấy Phong Khê; làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm; làng nghề tái chế nhôm Mẫn Xá; làng nghề đúc đồng Đại Bái… Mặt khác, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra phát hiện mới các làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng để đưa vào danh sách “đen” và có các biện pháp xử lý kịp thời; các cơ sở không thuộc danh mục ngành nghề được khuyến khích phát triển tại làng nghề phải di dời vào các khu/cụm công nghiêp, khu chăn nuôi tập trung hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất, chấm dứt hoạt động.

   Thứ năm, khuyến khích, tăng cường và đa dạng hóa đầu tư tài chính, tạo cơ hội cho các làng nghề chủ động tháo gỡ khó khăn trong BVMT; cần có sự hỗ trợ của UBND tỉnh trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp tập trung, các nghiên cứu về sức khỏe môi trường, cũng như ứng dụng giải pháp xử lý chất thải tại các làng nghề của tỉnh Bắc Ninh.

Hoàng Thị Kim Ngọc
Lê Sỹ Cương

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2017

Ý kiến của bạn