Banner trang chủ

Bảo vệ môi trường trong xây dựng khu đô thị mới có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

31/03/2016

   Là một trong những nước đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển không gian đô thị, Việt Nam có tốc độ phát triển không gian đô thị là 2,8%, cao hơn mức bình quân 2,4% của khu vực Đông Á (World Bank, giai đoạn 2000 - 2010). Sự phát triển các khu đô thị mới đã và đang tạo những áp lực không nhỏ đối với công tác BVMT.

   Cơ sở pháp lý đối với BVMT trong xây dựng khu đô thị mới có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

   Theo đó, Điều 18, Luật BVMT 2014, quy định việc lập báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM đã được Chính phủ cụ thể hóa trong Nghị định số 18/2015/NĐ-CP. Đáng chú ý là tất cả dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các khu dân cư có diện tích từ 5ha trở lên đều phải lập báo cáo ĐTM.

   Điều 19, Luật BVMT 2014; Điều 12, Nghị định 18/2015/NĐ-CP cũng quy định rõ chủ dự án chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện ĐTM.Việc đánh giá ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành gồm: tổ chức thực hiện biện pháp BVMT theo quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kết quả thực hiện các công trình BVMT phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình BVMT.

   Trong Nghị định số 59/2007/NĐ-CP về quản lý chất thải rắn (CTR), Điều 19 và 20 quy định CTR thông thường phải được phân loại tại nguồn, không được để lẫn với chất thải nguy hại; CTR xây dựng như bùn hữu cơ, đất đá, các vật liệu xây dựng thải ra trong quá trình tháo dỡ công trình… phải được phân loại và có thể tái chế, tái sử dụng.

   Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu quy định rõ công tác quản lý CTR, chất thải nguy hại (CTNH), nước thải và khí thải… Điều 50 của Nghị định 38/2015/NĐ-CP đã nhắc lại các nội dung về phân loại và quản lý chất thải xây dựng như đã được nêu tại Điều 20 của Nghị định 59/2007/NĐ-CP và có bổ sung thêm một số quy định liên quan đến hoạt động xây dựng của hộ gia đình, trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Bộ Xây dựng với Bộ TN&MT quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải xây dựng.

   Thông tư 36/2015/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về quản lý CTNH, Điều 12 quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động phát sinh CTNH phải đăng ký chủ nguồn thải CTNH với Sở TN&MT nơi có cơ sở phát sinh CTNH. Như vậy, để thực hiện đầy đủ quy định về quản lý CTNH thì ngay từ đầu các dự án xây dựng phải định lượng được lượng phát sinh CTNH thường xuyên để xác định xem có phải đăng ký sổ chủ nguồn thải CTNH hay không. Ngoài ra, các quy định về quản lý CTNH đối với chủ nguồn thải CTNH cần được thực hiện xuyên suốt trong tổ chức xây dựng khu đô thị mới.

   Thông tư số 32/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải quy định về BVMT trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và nhà thầu trong tuân thủ các quy định về BVMT.

   Quá trình xây dựng khu đô thị mới cũng phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ rung... Ngoài ra, dự án còn phải tuân thủ các điều khoản về BVMT của đối tác cho vay vốn hoặc chủ đầu tư nước ngoài.

   Các vấn đề môi trường và giải pháp BVMT

   Đối với dự án xây dựng khu đô thị mới, các tác động môi trường diễn ra ở các giai đoạn: chuẩn bị dự án; thực hiện dự án; đưa khu đô thị đi vào hoạt động. Trong đó, giai đoạn thực hiện dự án là giai đoạn quan trọng vì phát sinh nhiều chất thải, đồng thời là giai đoạn triển khai thực hiện các giải pháp kỹ thuật, công trình BVMT phục vụ khu đô thị khi đi vào hoạt động.

   Tác động trong giai đoạn thực hiện dự án

   Chất thải rắn: CTR xây dựng phát sinh từ quá trình phá dỡ công trình, phát quang cây xanh, san lấp mặt bằng, xây dựng lán trại cho công nhân, tập kết nguyên vật liệu; CTR sinh hoạt của công nhân. Các loại CTR này nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây những tác động như làm tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường nước ngầm, phát tán bụi gây ô nhiễm môi trường không khí.

   Nước thải: Chủ yếu là nước thải sinh hoạt của công nhân trên công trường. Nước thải sinh hoạt có các thành phần dễ phân hủy sinh học, lượng phát sinh không nhiều và được xử lý bằng các công nghệ đơn giản như bể tự hoại là có thể đáp ứng được các quy chuẩn hiện hành về môi trường. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp thu gom, xử lý phù hợp thì nước thải sinh hoạt có nguy cơ gây ô nhiễm nước mặt và nước ngầm, ô nhiễm môi trường khí. Ngoài ra, nước mưa chảy tràn khi qua khu vực dự án sẽ cuốn theo các chất ô nhiễm như: dầu mỡ, đất, cát… gây ô nhiễm nguồn nước mặt nếu không được thu gom, thải bỏ hợp lý.

   Bụi: Trong phá dỡ công trình từ quá trình thi công, các phương tiện giao thông và máy móc thi công; Bụi phát sinh trong suốt quá trình xây dựng nhưng chỉ tác động cục bộ, phạm vi tác động không lớn.

   Khí thải từ các phương tiện vận chuyển và máy móc thi công có chứa bụi, SOx, NOx, COx, THC; khí thải phát sinh từ quá trình thi công có gia nhiệt (cắt, hàn, đốt nóng chảy nhựa, v.v…); hơi xăng dầu từ các thùng chứa xăng dầu, sơn. Khí thải phát sinh trong suốt quá trình xây dựng nhưng chỉ tác động cục bộ, không thường xuyên và phạm vi tác động không lớn.

   Chất thải nguy hại: Dầu mỡ rơi vãi, các giẻ lau dính dầu mỡ; keo, sơn rơi vãi, giẻ lau dính keo, sơn; pin, ắc quy, các thùng chứa xăng dầu, sơn, dung môi. Chất thải nguy hại, đặc biệt là dầu thải nếu thải bỏ không đúng quy định sẽ làm ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt và nước ngầm và từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

   Các giải pháp BVMT

   Giải pháp quản lý bao gồm các nội dung chính: Lập báo cáo ĐTM và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; lập kế hoạch BVMT; đăng ký giấy phép xả nước thải; sổ chủ nguồn thải CTNH (nếu thuộc đối tượng phải đăng ký); thu gom và xử lý chất thải (ký hợp đồng với đối tác có đầy đủ tư cách pháp nhân); quan trắc môi trường (ký hợp đồng với đối tác có đầy đủ tư cách pháp nhân). Trong đó, kế hoạch BVMT cần được thường xuyên xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế triển khai dự án và các kết quả giám sát môi trường. Các giải pháp quản lý môi trường được tóm tắt trong sơ đồ sau:

   Giải pháp kỹ thuật

   Đối với CTR: Lắp đặt các thùng rác tránh vứt rác bừa bãi; quản lý công nhân lao động trong hoạt động thu gom và thải bỏ CTR sinh hoạt; lắp đặt biển báo, biển cấm xả rác; CTR xây dựng, các vật liệu phế bỏ được thu gom thường xuyên và vận chuyển ra khỏi công trường đến khu xử lý tập trung theo quy định; thu gom và thuê đơn vị có chức năng thu gom, xử lý hợp vệ sinh lượng rác thải sinh hoạt tại khu vực dự án.

   Nước thải: Tiến hành vệ sinh, khơi thông cống rãnh, tránh ứ đọng nước thải; không thải trực tiếp nước thải có chứa hàm lượng bùn đất lớn từ quá trình đào đắp, nước thải từ hoạt động rửa cốt liệu khi trộn bê tông… vào môi trường; nước thải loại này được tái sử dụng sau khi tách loại chất rắn lơ lửng bằng bể lắng. Các biện pháp thực hiện từ kỹ thuật thi công: tiến hành các hoạt động đào đắp theo đúng kế hoạch đã đặt ra; không thực hiện đào đắp khi trời mưa. Trang bị nhà vệ sinh di động có hầm tự hoại tạm thời; nước thải phát sinh từ các bể tự hoại sẽ được các đơn vị có chức năng bơm hút, thu gom và xử lý theo đúng quy định; nghiêm cấm công nhân phóng uế bừa bãi trên công trường.

   Nước mưa chảy tràn: Quy hoạch, thi công hệ thống thoát nước tạm thời trong quá trình san nền, thi công các hạng mục công trình hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc của dự án; xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống cống thoát nước trước khi thi công các hạng mục công trình khác; kiểm tra, khơi thông cống rãnh, các đoạn cống thoát nước trước khi có mưa lớn xảy ra nhằm tránh tích tụ, bồi lắng và xói lở hệ thống thoát nước; thực hiện thi công san nền, đầm nén ngay sau khi tập kết vật liệu hoặc che phủ vật liệu thi công nhằm tránh rửa trôi nguyên vật liệu khi trời có mưa.

   Chất thải nguy hại: CTNH phát sinh trong quá trình xây dựng dự án chủ yếu bao gồm: các thùng sơn, giẻ lau dính dầu mỡ, đất đá dính nhựa đường… cần được tiến hành thu gom, phân loại và lưu giữ theo quy định của Thông tư số 12/2011/BTNMT về việc quản lý CTNH rồi hợp đồng với các đơn vị có chức năng vận chuyển và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

   Tiếng ồn và rung: Đặt các thiết bị gây ồn lớn cách xa khu vực dân cư, trường học, hạn chế vận hành vào ban đêm; dựng tường cách ly nhằm giảm tiếng ồn; định kỳ kiểm tra tiếng ồn phát sinh từ hoạt động của các thiết bị, máy móc.

Quá trình xây dựng khu đô thị mới phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường

   Trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác BVMT

   Chủ đầu tư có vai trò xuyên suốt đảm bảo dự án tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT. Chủ đầu tư có trách nhiệm: lập báo cáo ĐTM của dự án; phổ biến tới nhà thầu các nội dung của kế hoạch quản lý môi trường và các biện pháp xử lý chất thải, các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường đối với gói thầu mà nhà thầu thi công; tổ chức giám sát, đôn đốc nhà thầu thực thi các biện pháp quản lý, thu gom, xử lý chất thải (đặc biệt là CTNH), các biện pháp giảm bụi, ồn, rung và các biện pháp ứng phó sự cố trong thi công xây dựng; đánh giá sự tuân thủ môi trường của nhà thầu; tổ chức quan trắc môi trường và tổng hợp, đánh giá, lập báo cáo về việc tuân thủ các nội dung BVMT của dự án theo tiến độ thi công xây dựng gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định; trường hợp xảy ra sự cố môi trường phải dừng thi công, thực hiện biện pháp khắc phục và báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền; báo cáo giải trình cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM trong trường hợp dự án có thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo ĐTM nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo ĐTM và chỉ được thực hiện những thay đổi sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo ĐTM...

   Nhà thầu thi công xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về BVMT trong hợp đồng đã ký với chủ đầu tư. Nhà thầu phải thực hiện các yêu cầu của kế hoạch quản lý môi trường của dự án và biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; thường xuyên giám sát, đôn đốc cán bộ, công nhân viên tuân thủ thực hiện các yêu cầu về BVMT đối với gói thầu trong quá trình thi công xây dựng; nâng cao nhận thức, ý thức BVMT cho người lao động; thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý hoặc đổ chất thải đúng vị trí, phương pháp và khối lượng quy định; thu gom, lưu giữ rác thải sinh hoạt và hợp đồng với đơn vị vệ sinh môi trường địa phương để vận chuyển, xử lý hoặc tự xử lý theo biện pháp được quy định; thu gom, lưu giữ CTNH và hợp đồng với đơn vị có giấy phép hành nghề quản lý CTNH để vận chuyển, xử lý; bố trí nhà vệ sinh, thiết bị thu gom, lưu giữ chất thải, công trình xử lý nước thải tạm thời trên công trường thi công, văn phòng điều hành công trường và khu vực lán trại công nhân; thực hiện các biện pháp giảm bụi, ồn, rung, các biện pháp thoát nước, chống ngập cục bộ; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án ứng phó sự cố, bảo đảm an toàn giao thông trong suốt quá trình thi công; hoàn nguyên môi trường, thu dọn vệ sinh công trường, thanh thải lòng sông, kênh sau khi hoàn thành thi công gói thầu; hợp tác, cung cấp thông tin liên quan cho cơ quan quản lý nhà nước về BVMT trong kiểm tra, thanh tra.

   Tư vấn giám sát cần tuân thủ các điều kiện môi trường của dự án trong tất cả các giai đoạn trước, trong và sau khi thi công, bao gồm: rà soát ĐTM của dự án, xem xét kế hoạch quản lý môi trường, kế hoạch tái định cư và đảm bảo không có các thiếu sót lớn trong các biện pháp giảm thiểu tác hại; đề xuất với chủ đầu tư những vấn đề cần cập nhật cho kế hoạch quản lý môi trường, cho thiết kế chi tiết và/hoặc các đặc điểm kỹ thuật; rà soát các tài liệu về BVMT do các nhà thầu lập (bao gồm các kế hoạch BVMT tại từng công trường cụ thể, kế hoạch chi tiết quản lý vật liệu được nạo vét và các kế hoạch dọn dẹp, hoàn trả mặt bằng), đề xuất các vấn đề cần thiết phải bổ sung và sửa đổi và kiến nghị phê duyệt các kế hoạch.

   Tư vấn giám sát phải kịp thời cảnh báo nhà thầu về các sai phạm trong công tác BVMT, phối hợp với chủ đầu tư và/hoặc tư vấn giám sát môi trường độc lập của chủ đầu tư để đề xuất các giải pháp kịp thời đối với các tác động môi trường chưa được dự kiến, các tình thế khẩn cấp, những vấn đề hoặc sự cố nảy sinh trong quá trình xây dựng.

   Tư vấn giám sát phải đảm bảo nhà thầu tuân thủ đúng các cam kết đã nêu trong báo cáo ĐTM và những yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tại hiện trường; kịp thời đề nghị nhà thầu xử lý các sự cố môi trường; đảm bảo các công tác thi công tuân thủ đúng kế hoạch quản lý môi trường được phê duyệt và đảm bảo các nhà thầu chấp hành các biện pháp giảm thiểu tác hại theo đúng kế hoạch BVMT và các tài liệu khác có liên quan tại từng công trường cụ thể.

   Tư vấn giám sát tham dự các cuộc họp liên quan đến môi trường của nhà thầu; kiểm tra và báo cáo thường xuyên tới chủ đầu tư về việc các nhà thầu tuân thủ các yêu cầu về môi trường của dự án theo các chỉ tiêu được chuẩn hóa trong các tài liệu nhằm giảm thiểu ảnh hưởng và quan trắc môi trường; trong trường hợp không tuân thủ hoặc có khiếu nại, chỉ đạo nhà thầu thực hiện các biện pháp khắc phục trong một thời hạn cụ thể và/hoặc đình chỉ thi công từng phần hay toàn bộ nếu nhà thầu không có khả năng thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp; tổ chức trao đổi thường xuyên với các đoàn thể nhằm cung cấp thông tin và nâng cao ý thức của người dân về BVMT; thu thập và cung cấp mọi dữ liệu liên quan đến BVMT theo yêu cầu của chủ đầu tư.

   Kết luận

   Đối với các dự án có vốn đầu tư của nước ngoài thì ngoài việc cần tuân thủ những quy định pháp luật của Việt Nam về BVMT thì cần tuân thủ các điều kiện bắt buộc về BVMT của nhà đầu tư hoặc cơ quan cho vay vốn nước ngoài. Do đó, công tác BVMT đối với các dự án này là một vấn đề rất được quan tâm.

   Để đảm bảo thực hiện tốt công tác BVMT trong xây dựng các khu đô thị mới tại Việt Nam, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan đó là chủ đầu tư, tư vấn giám sát và nhà thầu. Để hoàn thành được các vai trò, trách nhiệm của mình thì đòi hỏi các bên liên quan không chỉ có năng lực quản lý, kỹ thuật tốt mà cần có các phẩm chất mềm như kỹ năng hợp tác làm việc nhóm, sử dụng ngoại ngữ thành thạo, kinh nghiệm làm việc với nước ngoài.

ThS. Lê Anh Tuấn

Bộ Xây dựng

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2016)

Ý kiến của bạn