Banner trang chủ

Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để bảo tồn nguồn gen một số cây ăn quả đặc sản tại Cao Bằng

03/01/2018

   Cao Bằng có nhiều loại cây ăn quả đặc sản như hạt dẻ Trùng Khánh, mận máu Bảo Lạc, lê, quýt Trà Lĩnh, Hà Trì, cam Trưng Vương, bưởi Phục Hòa… Tuy nhiên, gần đây, nguồn gen cây bản địa có nguy cơ bị thoái hóa do nhiều cây bị sâu bệnh, gây thiệt hại về chất lượng, làm diện tích trồng dần bị thu hẹp. Trước nguy cơ trên, tỉnh Cao Bằng đã triển khai một số dự án nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen các loại cây ăn quả đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đến nay, các dự án đã có kết quả bước đầu, phát triển nguồn giống cây sạch bệnh, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, góp phần đa dạng hóa cơ cấu cây trồng của địa phương.

Giống lê nâu Cao Bằng có vị ngọt đậm, được nhiều người tiêu dùng ưa thích

   Hiện nay, toàn tỉnh Cao Bằng có khoảng 140.940 ha đất phát triển nông nghiệp, chiếm 21% diện tích tự nhiên, trong đó, chỉ có khoảng 1.000 ha trồng cây ăn quả các loại. Phần lớn cây ăn quả được trồng dưới dạng phân tán trong các vườn tạp, không có giống thuần. Bên cạnh đó, công tác giống, thâm canh và các biện pháp kỹ thuật khác chưa được quan tâm áp dụng; Chưa có cơ sở nghiên cứu xây dựng vườn lưu giữ nguồn gen cây ăn quả tập trung, nhất là việc thu thập quỹ gen tốt.

   Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2010 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng và các cơ quan liên quan thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN nhằm bảo tồn và phát triển một số cây ăn quả tại địa phương. Điển hình là Dự án “Xây dựng nguồn gen, vườn ươm giống của một số giống cây ăn quả có giá trị của Cao Bằng”, do Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao KHCN (Sở KH&CN) thực hiện. Mục tiêu của Dự án nhằm chọn, thu thập những cá thể (cây) có giá trị kinh tế cao như cam, mác mật, lê, hạt dẻ để xây dựng vườn gen cây mẹ và bảo tồn những cây tốt, phục vụ nhân giống cây ăn quả chất lượng cao cho sản xuất; Bồi dưỡng cán bộ có kiến thức về tạo giống bằng phương pháp chọn cá thể, bảo tồn gen và kỹ năng về nhân giống cây ăn quả. Sau 2 năm triển khai, Dự án đã tuyển chọn, thu thập được 64 cá thể thuộc 5 loại cây ăn quả (cam, mác mật, lê, hạt dẻ, bưởi). Trong đó, đã quy tập làm quỹ gen 42 cá thể để khai thác mắt gép, nhân giống phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm đã xây dựng được vườn ươm cây ăn quả với diện tích 2.700 m2. Hiện Trung tâm đang trồng khảo nghiệm tại vườn ươm 201 cây cam, chanh nhập nội do Viện di truyền nông nghiệp cấp giống.

   Riêng về cây quýt, để bảo tồn và phát triển giống quýt đặc sản Trà Lĩnh tại 2 xã Quang Hán, Cao Chương và thị trấn Hùng Quốc (Trà Lĩnh), năm 2013, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN) đã tiến hành nhân giống quýt đặc sản Trà Lĩnh bằng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng, trồng mới 1,5 ha vườn quýt sạch bệnh (1.200 cây quýt xen 270 cây ổi), cải tạo vườn quýt kém hiệu quả và sản xuất 7.500 cây giống quýt Trà Lĩnh. Năm 2015, Trung tâm đã nghiên cứu và phát triển vùng sản xuất quýt đặc hữu tại xã Nguyên Bình, Thạch An theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm cam, quýt có năng suất, chất lượng tốt, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời tạo hành lang pháp lý hỗ trợ nông dân phát triển thương hiệu và thiết lập thị trường tiêu thụ ổn định.

   Đối với cây lê, đặc sản của các huyện Thạch An, Nguyên Bình, Bảo Lạc cũng được tỉnh ưu tiên phát triển mở rộng quy mô sản xuất. Năm 2016, toàn tỉnh chỉ còn 82 ha cây lê cho thu hoạch, do cây bị thái hóa nên năng suất thấp. Để phát triển nguồn gen cây lê, từ năm 2016 - 2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã tiến hành điều tra đánh giá thực trạng sản xuất, kỹ thuật thâm canh các giống lê, tuyển chọn cây đầu dòng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng, ghép cải tạo, bảo quản lê... cho 210 hộ nông dân, xây dựng mô hình thâm canh 4 ha lê và trồng mới 5 ha, với năng suất 15 - 20 tấn/ha, góp phần mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng lê đặc sản địa phương, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Hội thảo quốc tế "Chính sách và giải pháp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua tỉnh Cao Bằng" năm 2016

   Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng còn có nhiều ưu thế để phát triển cây mận và bưởi, đây là 2 loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đóng vai trò quan trọng trong mô hình phát triển kinh tế của địa phương. Trong giai đoạn 2015 - 2016, toàn tỉnh có khoảng 280 ha trồng mận, chủ yếu là mận tam hoa, trong đó chỉ có khoảng 240 ha cho thu hoạch, với sản lượng gần 750 tấn. Từ năm 2015 - 2017, Viện Nghiên cứu rau quả đã triển khai Đề tài "Nghiên cứu, phục tráng và phát triển giống mận đặc sản Cao Bằng". Nhằm phát triển giống mận đặc sản, Đề tài đã tiến hành nhân giống mận bằng phương pháp ghép 3.000 cây mận gốc và tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh cho 400 lượt nông dân, qua đó đã xây dựng được vùng sản xuất mận hàng hóa, vệ sinh an toàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Ngoài ra, huyện Phục Hòa có 4,5 ha trồng bưởi, chiếm 86,5% diện tích bưởi toàn huyện. Phần lớn, người dân nơi đây trồng bưởi theo phương thức quảng canh, nên chất lượng kém… Để phát triển giống bưởi Phục Hòa, từ năm 2008 - 2011, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đã triển khai Đề tài “Điều tra, tuyển chọn, nhân giống và phát triển bưởi Phục Hòa”. Sau khi tuyển chọn được 30 cây bưởi Phục Hòa gốc, tiến hành ghép vi đỉnh sinh trưởng để sản xuất cây giống sạch bệnh chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN. Hiện Trung tâm đã tiến hành trồng 1.000 cây bưởi tại các vùng khác của địa phương, cây sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt 97,1%.

   Trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng hướng đến mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chuyên canh tập trung, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về khí hậu, đất đai, lao động của từng vùng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng thâm canh, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Để đạt mục tiêu trên, Sở KH&CN tỉnh cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu phát triển sản xuất cây ăn quả trong vùng, đẩy mạnh các nghiên cứu về thị trường trong và ngoài nước để xác định hướng tổ chức sản xuất. Đồng thời, xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu về bộ giống (tuyển chọn, phục tráng, cải tiến và hoàn thiện giống), biện pháp kỹ thuật thâm canh, bảo quản, chế biến sản phẩm cho từng loại cây trồng phù hợp với các vùng quy hoạch; tăng cường năng lực sản xuất thông qua công tác khuyến nông, đầu tư mô hình thí điểm thử nghiệm; hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng trọt.

   Các địa phương có vùng cây ăn quả đặc sản, tập trung cần chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm; thúc đẩy việc hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực, khai thác lợi thế vùng; tổ chức sản xuất theo hướng liên kết nông dân, nhằm tạo sản phẩm đồng đều, chất lượng, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và thuận lợi cho việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.

   Đồng thời, tỉnh cần xây dựng vườn ươm bảo tồn nguồn gen cây đặc sản tập trung; Mở rộng quy mô diện tích, đầu tư, nâng cấp, trang bị cơ sở vật chất cho các vườn ươm hiện có trên địa bàn; Nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác bảo tồn; Đánh giá, lựa chọn nguồn gen các cây ăn quả phù hợp với điều kiện sinh thái và đưa vào sản xuất đại trà.

                Dương Thị Tân

Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017

Ý kiến của bạn