Banner trang chủ

Ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường trong tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững

05/05/2016

   Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực với nhiều sản phẩm đặc trưng như cà phê, điều, hồ tiêu, chè, gạo, cây ăn trái. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong thời gian qua còn bất cập, phát triển không bền vững, do người nông dân lạm dụng hóa chất để tăng năng suất, sản lượng, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp đang ngày càng trầm trọng, do chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải.

   Tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững, nhiều Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT) vùng đồng bằng sông Cửu Long (BĐSCL) đã gắn kết với doanh nghiệp thông qua các mô hình tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững. Nền tảng của các mô hình này là hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp (QLSXNN) đạt chứng nhận VietGAP/GLOBALG.A.P hay còn gọi là GAP. Hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP là hệ thống kiểm soát chặt chẽ dây chuyền sản xuất, sơ chế, đóng gói, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đảm bảo các tiêu chí về an toàn, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người lao động, BVMT.

Tiến tới xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững cho vùng BĐSCL

   BVMT là một trong các mục tiêu quan trọng của hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP. Hệ thống quản lý tổ chức cho các nhóm nông hộ, HTX, THT áp dụng thực hành sản xuất theo các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) nhằm ngăn ngừa sự phát triển dịch hại bằng các biện pháp canh tác tổng hợp (cây giống khỏe; mật độ cây trồng phù hợp; bón phân cân đối, đúng liều lượng, đúng nhu cầu cây trồng; ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh…), theo dõi diễn biến dịch hại trên đồng để quyết định thời điểm can thiệp hiệu quả nhất bằng biện pháp hóa học, chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mức độ gây hại vượt ngưỡng kinh tế; huấn luyện các nông hộ canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc, đúng cách); quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch; thu gom và xử lý đúng cách để BVMT đối với các loại chất thải tại nông hộ như: chất thải chăn nuôi, rác thải từ quá trình canh tác, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, vỏ bao bì thuốc BVTV, nước thải sinh hoạt, nước thải từ quá trình phun thuốc BVTV…

   Hiện nay, mặc dù được quản lý chặt chẽ về quy trình, hạn chế đến mức thấp nhất tồn dư thuốc BVTV ra môi trường, nhưng quản lý theo GAP vẫn dựa trên phân bón vô cơ. Để BVMT và tạo ra số lượng lớn sản phẩm an toàn chất lượng cao, trong thời gian tới, hệ thống QLSXNN theo GAP cần đẩy mạnh việc tổ chức ứng dụng công nghệ sinh học trên diện rộng, như: Cây giống cấy mô; Phân bón hữu cơ vi sinh (bón gốc, qua lá); Chế phẩm sinh học BVTV; Chế phẩm sinh học xử lý sau thu hoạch.

   Việc áp dụng công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất chỉ có hiệu quả khi được áp dụng trên diện rộng. Tại Tiền Giang, nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm các chế phẩm sinh học trên 200 ha rau quả của các huyện Cai Lậy, Châu Thành, TP. Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Thị xã Gò Công, Gò Công Đông đạt được những hiệu quả tích cực. Năng suất trung bình của các ruộng sử dụng chế phẩm bón gốc tăng từ 227-1.900 kg/1.000m2/vụ, lợi nhuận trung bình tăng từ 308.000-3.466.000 đồng/1.000m2/vụ so với ruộng đối chứng (tùy từng loại cây); ngoài các vi sinh vật (VSV) cố định định đạm, trong chế phẩm bón gốc còn có nhóm VSV ức chế bệnh vùng rễ, VSV phân giải lân, VSV phân giải cellulose… giúp phân hủy Cellulose thành các chất hữu cơ bón vào đất, tăng độ màu mỡ của đất giúp cho đất tơi xốp, tạo điều kiện nâng cao năng suất cây trồng và chất lượng nông sản. Việc nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm chế phẩm Pheromone trên rau, được áp dụng cùng với chế phẩm bón gốc, ngoài việc nâng cao được năng suất đã làm giảm được số lần phun thuốc trừ sâu hóa học khoảng 4,66 lần/vụ, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cây trồng. Nghiên cứu sản xuất và thử nghiệm chế phẩm nấm có ích Grefa cho thấy, các hộ đối chứng phải phun từ 4-6 lần thuốc BVTV phòng trị rầy chổng cánh, rầy mềm, sâu vẽ bùa trong 6 tháng, trong khi các hộ áp dụng chỉ phun chế phẩm nấm có ích không phải phun thuốc BVTV hóa học độc hại mà hiệu quả phòng trị lại cao hơn. Mặt khác, chế phẩm nấm có ích thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và vật nuôi.

   Như vậy, “Tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững” dựa trên nền tảng của hệ thống QLSXNN đạt chứng nhận GAP là một giải pháp, nhưng chưa giải quyết tận gốc các mối nguy về an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường. Vì thế, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong các tổ chức liên kết để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện môi trường, sản phẩm an toàn chất lượng cao.

   Thời gian tới, Nhà nước cần chủ trì tạo mối liên kết giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (bao gồm doanh nghiệp sản xuất nông sản và sản xuất sản phẩm sinh học); Tổ chức vận động, tuyên truyền, tập huấn về GAP; Đào tạo ứng dụng công nghệ sinh học trên diện rộng; Tổ chức vận động nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và tổ chức các nhóm nông hộ liên kết sản xuất theo GAP, sử dụng các sản phẩm sinh học.

   Hỗ trợ xây dựng, trang bị cơ sở vật chất theo yêu cầu của GAP; Vận động các chiến dịch vệ sinh môi trường, thu gom bao bì thuốc BVTV để đáp ứng yêu cầu của GAP; Tiêu hủy tập trung vỏ bao bì thuốc BVTV trong vùng nguyên liệu GAP; Đầu tư chi phí cho việc chuẩn bị xây dựng vùng nguyên liệu ứng dụng các sản phẩm sinh học đạt chứng nhận GAP...

Hồng Thúy

Sở TN&MT tỉnh Tiền Giang

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 4/2016)

 

Ý kiến của bạn