13/03/2015
“BVMT vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững”. Đây là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước đã được thể hiện tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng đã xác định phương hướng phát triển cơ bản của nước ta là “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 của Nhà nước cũng đã nêu rõ quan điểm “Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường”. Trong bối cảnh đó, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong lĩnh vực môi trường đóng một vai trò quan trọng, then chốt và phải được quan tâm triển khai một cách tích cực, hiệu quả nhằm đáp ứng và phục vụ thiết thực yêu cầu của thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước cũng như các hoạt động BVMT từ Trung ương đến địa phương.
KH&CN trong lĩnh vực môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, xem xét là một trong những nội dung ưu tiên, là tiền đề quan trọng phục vụ công tác BVMT trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước. Với vai trò là nền tảng để phát triển bền vững kinh tế, xã hội và BVMT, KH&CN đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thảo luận và thống nhất tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo tinh thần của Nghị quyết, trong lĩnh vực môi trường, những nhiệm vụ KH&CN chủ yếu được xác định là tăng cường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu phục vụ hoạch định đường lối, chính sách trong công tác BVMT; Phát triển công nghệ môi trường nhằm xử lý nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại, khí thải; ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh; phát triển công nghệ tái chế chất thải.
KH&CN trong lĩnh vực môi trường giữ một vị trí quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường hoặc các giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp công nghệ, kỹ thuật phục vụ công tác BVMT. Luật BVMT được Quốc hội thông qua tháng 6/2014 đã quy định tại Điều 152 “Phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ về BVMT”.
Thực tế cho thấy, trong những năm qua, đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước trong công tác BVMT đều được xây dựng trên cơ sở các luận cứ khoa học, lý luận kết hợp với thực tiễn. Có thể thấy rõ, KH&CN ngày càng đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa then chốt, phục vụ công tác xây dựng chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ BVMT. Các nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác BVMT đã có những bước phát triển và đạt được kết quả nhất định. Nhiều chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước như: Nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, mã số KC.07 (giai đoạn 2006-2010); BVMT và phòng tránh thiên tai, mã số KC.08 (giai đoạn 2001-2005); Phòng tránh thiên tai, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, mã số KC.08/06-10 (giai đoạn 2006 - 2010) và mã số KC.08/11-15 (giai đoạn 2011-2015) và các đề tài độc lập cấp Nhà nước, đề tài cấp Bộ đã được triển khai, góp phần thúc đẩy công tác BVMT.
Kết quả nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường đã có những đóng góp tích cực trong công tác BVMT, cụ thể cung cấp các luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và kế hoạch hành động BVMT; góp phần nâng cao năng lực quan trắc môi trường; dự báo, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, khắc phục suy thoái môi trường, phòng chống các sự cố, thảm họa môi trường; sử dụng hợp lý, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, phát triển bền vững. Luật BVMT 2014, Luật Đa dạng sinh học 2008, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược Bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030... đều được xây dựng với sự đóng góp tích cực của các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN gắn kết với thực tiễn quản lý. Kết quả nghiên cứu của nhiều chương trình, đề tài, dự án KH&CN các cấp đã được ứng dụng, triển khai trong thực tế, góp phần không nhỏ trong công tác xử lý, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Tuy nhiên, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và chưa có nhiều đóng góp đột phá trong công tác BVMT. Các kết quả nghiên cứu khoa học chưa cung cấp đầy đủ luận cứ cho việc hoạch định chính sách, pháp luật cũng như các giải pháp khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong công tác BVMT. Hoạt động nghiên cứu và triển khai áp dụng vào thực tế BVMT còn nhiều hạn chế, không đảm bảo tính bền vững và chưa hiệu quả. Thị trường công nghệ môi trường chậm được hình thành và chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Năng lực, trình độ công nghệ, kỹ thuật, thiết bị BVMT còn lạc hậu, yếu kém và chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế trong công tác BVMT.
Để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu KH&CN đáp ứng thực tiễn BVMT, đặc biệt trong bối cảnh Luật BVMT 2014 có hiệu lực thi hành vào năm 2015, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN trong thời gian tới cần tập trung vào những định hướng lớn:
- Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực thiễn nhằm hoàn thiện đồng bộ các chính sách, pháp luật về BVMT với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Nghiên cứu, phát triển các luận cứ khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học;
- Đẩy mạnh nghiên cứu và xây dựng các công cụ, giải pháp quản lý, khoa học, công nghệ, kỹ thuật trong phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân; bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững các hệ sinh thái;
- Nghiên cứu, áp dụng tiến bộ và chuyển giao khoa học, công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam trong xử lý ô nhiễm và khắc phục sự cố môi trường, góp phần giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc về môi trường.
Với những định hướng nêu trên, trong thời gian tới, nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN phục vụ công tác BVMT cần tập trung một số nhiệm vụ cụ thể:
- Nghiên cứu để phục vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về BVMT. Trước mắt, cần tập trung nghiên cứu xây dựng Luật Giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải; Luật Không khí sạch; Luật Kiểm soát ô nhiễm nước...;
- Nghiên cứu luận cứ khoa học, làm rõ một số vấn đề mới và các nội dung có liên quan nhằm phục vụ triển khai Luật BVMT 2014 và công tác quản lý nhà nước về BVMT: An ninh môi trường, quy hoạch BVMT, sức chịu tải môi trường, kiểm toán môi trường...;
- Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các công cụ kinh tế và kỹ thuật phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực BVMT như thuế, phí môi trường; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; quota xả thải; kiểm toán môi trường; phân vùng chức năng môi trường, chức năng sinh thái...;
- Nghiên cứu, chuyển giao, phát triển và ứng dụng công nghệ tái chế, tái sử dụng chất thải; xử lý chất thải, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm; cải tạo, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; kiểm soát ô nhiễm, quan trắc, đánh giá chất lượng môi trường và công nghệ dự báo, cảnh báo các biến đổi môi trường; công nghệ thân thiện với môi trường; công nghệ khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; các giải pháp cải thiện sức khỏe môi trường, giảm thiểu tác hại của môi trường đối với con người; phát triển và nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong BVMT, phù hợp điều kiện Việt Nam;
- Nghiên cứu xây dựng các giải pháp BVMT gắn kết với ứng phó biến đổi khí hậu;
- Nghiên cứu, xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận các công nghệ, sản phẩm có ứng dụng trong BVMT;
- Khẩn trương xây dựng và triển khai Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ BVMT trong Danh mục Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước theo tinh thần của Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18/3/2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực BVMT;
- Tiếp tục triển khai các chương trình, dự án KH&CN như Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước “Nghiên cứu KH&CN phục vụ phòng tránh thiên tai, BVMT và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” mã số KC.08/11-15 (giai đoạn 2011-2015); Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực BVMT đến năm 2020 (do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 7/11/2012) và các đề tài cấp Nhà nước độc lập và đề tài cấp Bộ trong lĩnh vực môi trường do các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Song hành với các giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KH&CN nói chung, hoạt động nghiên cứu KH&CN thuộc lĩnh vực môi trường nói riêng, cần triển khai một số giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, đảm bảo đầu tư nguồn lực có hiệu quả cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực môi trường. Việc triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác BVMT trong các ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến địa phương, tránh trùng lặp, lãng phí trong đầu tư hoạt động nghiên cứu. Cần có cơ chế quản lý, điều phối các hoạt động nghiên cứu khoa học từ Trung ương đến địa phương, giữa các Bộ, ngành, lĩnh vực một cách thống nhất nhằm đảm bảo có sự kế thừa, phát triển các kết quả nghiên cứu khoa học từ các ngành, Trung ương, địa phương đóng góp trong công tác BVMT quốc gia.
Thứ hai, tăng cường tiềm lực nghiên cứu KH&CN. Trong đó, cần rà soát và thiết lập mạng lưới tổ chức KH&CN trong lĩnh vực môi trường, tạo sự liên kết chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương. Tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học cũng như các địa phương, các cơ sở sản xuất trong việc triển khai thực hiện các đề tài, dự án nhằm huy động sức mạnh tối đa trong nghiên cứu, đào tạo và triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu. Tạo cầu nối, gắn kết và thúc đẩy cơ chế hợp tác, đặt hàng giữa doanh nghiệp sản xuất (cơ sở phát sinh chất thải và có nhu cầu xử lý ô nhiễm môi trường) với các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu, phát triển công nghệ.
Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực KH&CN trong lĩnh vực môi trường. Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường như cử cán bộ đi học nâng cao trình độ (trong và ngoài nước). Chú trọng đào tạo lực lượng cán bộ KH&CN có trình độ cao. Mở rộng và thúc đẩy sự gắn kết giữa các đơn vị quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường với các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, đào tạo (đặc biệt là các trường đại học, viện và trung tâm nghiên cứu) nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu và đào tạo cũng như thúc đẩy ứng dụng kết quả nghiên cứu triển khai, thử nghiệm và áp dụng trong thực tiễn.
Thứ tư, tăng cường năng lực, thiết bị phục vụ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN trong lĩnh vực môi trường. Xây dựng cơ chế hợp tác giữa các đơn vị điều tra cơ bản, các cơ sở nghiên cứu KH&CN nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả năng lực khoa học của các cán bộ nghiên cứu và hệ thống thiết bị nghiên cứu hiện có để nâng cao hiệu quả trang thiết bị và chất lượng nghiên cứu. Để đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN, cần thiết phải xây dựng các chương trình, kế hoạch tăng cường đầu tư các trang thiết bị hiện đại đồng bộ cho các đơn vị, viện nghiên cứu để hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm, trung tâm phân tích môi trường. Cần chú trọng đầu tư mới cho các phòng thí nghiệm quan trắc, phân tích môi trường phục vụ công tác quản lý, kiểm soát môi trường, đào tạo và nghiên cứu khoa học tại một số các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng. Đầu tư và chuyển giao các công nghệ, công cụ, phần mềm (trong và ngoài nước) phục vụ công tác quản lý và BVMT cũng như nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực môi trường. Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiên cứu.
Thứ năm, tiếp tục tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế về BVMT. Xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu trong khuôn khổ các thỏa thuận song phương, đa phương về môi trường. Thu hút nguồn kinh phí từ nước ngoài thông qua các dự án hợp tác nghiên cứu KH&CN trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.
Thứ sáu, phát triển thị trường công nghệ môi trường, dịch vụ môi trường. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo, triển lãm giới thiệu các thành tựu KH&CN trong lĩnh vực môi trường ở quy mô quốc gia và quốc tế.
GS. TS. Bùi Cách Tuyến
Thứ trưởng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Nguồn: Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề KHCN/2014