09/03/2020
Nuôi trồng thủy sản (NTTS) bằng chế phẩm sinh học đang được nhiều hộ dân ở các địa phương tỉnh Thanh Hóa áp dụng, nhằm giúp thủy sản nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế được dịch bệnh, góp phần nâng cao sản lượng, cung cấp sản phẩm thủy sản sạch và an toàn cho người tiêu dùng.
Theo đó, trước khi thả giống vào ao nuôi, cho chế phẩm sinh học vào nước ao để phục hồi lượng vi sinh vật có lợi và tái tạo nguồn thức ăn tự nhiên. Ngoài ra, trong thành phần của một số chế phẩm sinh học có chứa các enzyme (men vi sinh), vitamin, vi chất, khoáng chất có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa và giúp hấp thu tốt thức ăn, bổ sung đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho môi trường ao nuôi...
Tại các vùng NTTS nước ngọt trong tỉnh, người nuôi cũng từng bước áp dụng các chế phẩm sinh học trong nuôi trồng các loại cá truyền thống để hạn chế tối đa dịch bệnh, khắc phục việc ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt còn làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Thực hiện NTTS an toàn sinh học cũng đã từng bước khuyến cáo người nuôi không nên tận dụng chất thải trong chăn nuôi hoặc lạm dụng một số hóa chất và kháng sinh cấm trong nuôi cá nước ngọt. Đồng thời, từng bước thay đổi phương thức nuôi truyền thống sang nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần phát triển NTTS bền vững.
Tại các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương và Tĩnh Gia có hơn 80% diện tích NTTS của toàn tỉnh và đều sử dụng chế phẩm sinh học. Để chuẩn bị cho vụ nuôi chính trong năm, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) khuyến cáo các hộ nuôi xử lý, cải tạo ao nuôi thật kỹ, tiêu diệt mầm bệnh trước khi thả nuôi, chọn giống khỏe mạnh và không mang mầm bệnh, nhất là đối với bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp ở tôm thẻ chân trắng; khuyến khích các hộ nuôi ứng dụng các chế phẩm sinh học trong NTTS đang được xem là một giải pháp hỗ trợ giúp người nuôi ổn định và phát triển. Đồng thời, người nuôi lưu ý khi sử dụng các loại chế phẩm sinh học cần chú ý đến xuất xứ và sản phẩm phải có tên trong danh mục được phép lưu hành, hướng dẫn của nhà sản xuất.
Có thể thấy, việc áp dụng các chế phẩm sinh học trong NTTS đang tạo nên những bước đột phá khi giúp thủy sản nuôi hấp thụ dinh dưỡng tốt, tăng cường sức đề kháng. Do vậy, các địa phương cần khuyến khích người dân phát triển các mô hình NTTS sử dụng chế phẩm vi sinh để nâng cao năng suất, chất lượng, không gây tác động xấu đến môi trường và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu Hằng