26/01/2018
Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, bên cạnh việc áp dụng khoa học - kỹ thuật, người dân còn sử dụng nhiều biện pháp để XLCT, không gây ô nhiễm môi trường.
Trước sự gia tăng về số lượng và quy mô của các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm (GSGC) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, vấn đề XLCT GSGC đang là bài toán khó của nhiều địa phương. Từ thực tế đó, năm 2017, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Phòng NN&PTNT các huyện, thành, thị thực hiện hỗ trợ các hộ chăn nuôi GSGC xây dựng hệ thống XLCT tại chỗ.
Gia đình ông Nguyễn Duy Hưng, xã Xuân Hòa (Lập Thạch) đầu tư hệ thống XLCT chăn nuôi (Ảnh: Chu Kiều)
Bên cạnh việc tuyên truyền cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Chi cục tăng cường hướng dẫn quy trình vận hành, bảo dưỡng các công trình XLCT chăn nuôi để người dân áp dụng và thực hiện đúng quy trình. Đến nay, Chi cục đã hỗ trợ xây dựng được trên 4.500 công trình XLCT, trong đó có hơn 3.000 hầm bioga; 1.450 đệm lót sinh học; 26 bể lọc, sục khí... Qua thực nghiệm, các công trình XLCT chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đều mang lại hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.
Ông Nguyễn Duy Hưng, chủ trại chăn nuôi GSGC lớn ở thôn Rừng Trũng , xã Xuân Hòa, huyện Lập Thạch chia sẻ, hiện tại, gia đình ông nuôi 1.000 con gà và 150 con lợn (trong đó có 126 lợn thịt, 24 lợn nái). Năm 2017, theo chương trình hỗ trợ xây dựng hệ thống XLCT GSGC trên địa bàn huyện, gia đình ông được hỗ trợ 20 triệu đồng để xây lắp hệ thống xử lý nước thải. Từ khi hệ thống XLCT đi vào hoạt động, đến nay, nước thải ra không còn màu đen kịt, mùi hôi như trước.
Ngoài ra, để triển khai các dự án hỗ trợ XLCT trong chăn nuôi đạt hiệu quả, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các địa phương trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, nuôi dưỡng, chế biến thức ăn; Phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và XLCT chăn nuôi bằng nhiều hình thức khác nhau.
Bình Minh