19/07/2016
Không chỉ có ô nhiễm không khí với lượng khối bụi và khí khải độc hại đang ngày càng tăng cao mới ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người, ô nhiễm ánh sáng cũng đang trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu, gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Trước mối đe dọa này, Công ty Glowee đã nghiên cứu để cho ra đời loại đèn sinh học chiếu sáng bằng vi khuẩn nhằm thay thế các loại đèn đang được dùng phổ biến hiện nay.
Ý tưởng để Glowee tập trung nghiên cứu nhằm cho ra đời loại đèn này xuất phát từ tài liệu về phát quang sinh học trong thời gian Pháp thông qua quy định cấm cửa hàng sử dụng đèn điện chiếu sáng cửa sổ từ 1 giờ đến 7 giờ sáng. Thêm vào đó, những nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng, hơn 90% sinh vật biển có khả năng tự phát sáng, trong đó có một số loài quen thuộc như mực, sứa và tảo.
Theo kết quả thử nghiệm của Glowee, lúc đầu, đèn sinh học chỉ có thể phát sáng vài giây. Tuy nhiên, sau khi nhóm nghiên cứu tinh chỉnh công thức gel, loại đèn sinh học này đã có thể chiếu sáng ba ngày. Sau đó, vi khuẩn trong đèn sinh học đã được biến đổi gel để chỉ phát quang vào ban đêm nhằm giúp chúng tiết kiệm năng lượng vào ban ngày để kéo dài thời gian tồn tại của các chất dinh dưỡng nuôi vi khuẩn. Vì thế, Glowee hy vọng, Công ty có thể đưa ra thị trường đèn sinh học vào năm 2017 khi thời gian chiếu sáng tăng lên 1 tháng. Hiện tại, Glowee đang tìm cách để các vi khuẩn phát sáng rực rỡ hơn cũng như có thể tồn tại trong nhiều điều kiện thời tiết hơn.
Glowee không phải là công ty đầu tiên có ý tưởng tạo ra bóng đèn phát quang sinh học. Trước đó, Hãng điện tử Philips, AMBIO cũng đã nghiên cứu đèn sinh học nhưng chưa thu được kết quả mong muốn. Vì thế, những thành công đáng ghi nhận của Glowee đã mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp sản xuất đèn thế giới cũng như thắp lên hy vọng về giải pháp mới trong việc chống ô nhiễm ánh sáng đang ngày càng trở nên trầm trọng ở nhiều thành phố công nghiệp hóa cao.
Glowee cũng mong muốn, sản phẩm của họ sẽ mang đến sự thay thế hoàn hảo cho đèn điện chiếu sáng vào ban đêm cũng như ánh sáng cho những nơi không có điện cũng như góp phần cắt giảm ô nhiễm ánh sáng trên toàn cầu.
Châu Loan