Banner trang chủ

Ðánh giá hiện trạng, đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học ở Ðiện Biên

14/12/2015

   Điện Biên là tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới, nằm ở Tây Bắc nước ta, có diện tích tự nhiên 956.290,37 ha, trong đó 79,5% là rừng và đất rừng, hầu hết phân bố ở đầu nguồn làm nhiệm vụ phòng hộ, đang lưu giữ một số nguồn gen quý hiếm.

   Mặc dù trong vài thập niên gần đây, độ che phủ rừng ở Điện Biên tăng, nhưng chất lượng rừng hầu như không được cải thiện. Số lượng các loài có giá trị kinh tế ngày càng bị suy giảm.

   Vì vậy, để đạt được mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững đa dạng sinh học (ĐDSH), cần có được thông tin đầy đủ, chính xác về hiện trạng ĐDSH.Đây là điều kiện tiên quyết cho phép đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm đạt được mục tiêu.

Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, Điện Biên, nơi lưu trữ giá trị đa dạng sinh học phong phú

   I. Khái quát điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội

   Địa hình cơ bản của tỉnh Điện Biên là vùng núi trung bình và cao xen các thung lũng hẹp, nhỏ, độ phân cắt sâu lớn. Mường Thanh là thung lũng điển hình rộng tới 15.000 ha. Các dãy núi trung bình có độ cao từ 1.000 - 1.500 m. Địa hình núi đá vôi dạng cao nguyên phân bố ở Bắc - Đông Bắc, mức độ chia cắt sâu vừa phải.

   Nằm trong vùng Tây Bắc nên tỉnh Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa vùng núi, mùa đông lạnh, cũng có một số hiện tượng thời tiết cực đoan như gió khô nóng, sương muối, sương mù, dông và mưa đá.

   Tỉnh Điện Biên có 3 lưu vực sông lớn là sông Đà, sông Mã và sông Mê Công, riêng lưu vực sông Đà có diện tích khoảng 5.300 km2, chiếm 55% tổng diện tích các lưu vực trong toàn tỉnh. Tổng lượng dòng chảy đạt khoảng 9,8 tỷ m3, nhưng phân phối không đều, mùa kiệt kéo dài 7 tháng, lượng nước chỉ chiếm 20 - 25% tổng lượng nước/năm nên có thời kỳ thiếu nước trầm trọng.

   Điện Biên là tỉnh đa sắc tộc (19 dân tộc), 10 đơn vị hành chính tương đương cấp huyện (1 TP, 1 thị xã và 8 huyện) gồm 112 xã, phường, thị trấn và 1.542 thôn, bản, tổ dân phố, hiện là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, có 4 huyện nghèo, 87 xã thuộc vùng khó khăn và 72 xã đặc biệt khó khăn.

   II. Hiện trạng đDSH tỉnh Điện Biên

   Tỉnh Điện Biên có Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã từng là trung tâm thú lớn của miền Bắc với đàn voi có lúc lên đến 200 - 300 con.Đây cũng là nơi sinh sống của quần thể các loài có ý nghĩa toàn cầu như bò tót, vượn bạc má, gấu ngựa và gấu chó.

   Tuy nhiên, hiện nay, voi không còn dấu vết. Các loài bò tót, vượn bạc má, gấu ngựa, gấu chó đã suy giảm về số lượng hoặc đang bị tuyệt chủng ở mức địa phương.

   Đứng trước nguy cơ ĐDSH ngày càng suy giảm, cần phải tiến hành điều tra, nghiên cứu, đánh giá hiện trạng ĐDSH làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển ĐDSH ở Điện Biên.

   Theo Luật ĐDSH năm 2008, hiện trạng ĐDSH tỉnh Điện Biên gồm 3 hợp phần: Hệ sinh thái (HST), thành phần loài và nguồn gen.

   1. HST: Kết quả điều tra, nghiên cứu đã xác định, tỉnh Điện Biên có HST sau:

   HST rừng: Tính ĐDSH cao nhất trong số các HST. Theo thống kê, HST rừng có 948 loài thực vật, trong đó có 279 loài là cây gỗ. Đáng chú ý, ở HST này ghi nhận được 34 loài thực vật có trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ (IUCN) và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP. Ngoài ra, HST rừng còn có một số loài động vật thuộc lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái.

   HST rừng trên núi đá vôi: Đây là HST đặc thù với một số loài động, thực vật chỉ có trên núi đá vôi. Về thực vật có trai, đinh, nghiến, mạy tèo.Động vật có voọc đầu trắng. HST núi đá vôi cũng là nơi có một số loài thuốc quý như hà thủ ô đỏ, củ bình vôi, cố toái bổ…

   HST núi đá vôi thuộc huyện Tủa Chùa rất đặc trưng, ở đai độ cao dưới 700 m là kiểu rừng nhiệt đới lá rộng, thường xanh, độ cao từ 700 - 1.600 m là kiểu rừng á nhiệt đới cây lá rộng xen lá kim.

   HST trảng cây bụi, tre nứa: Đây là HST được hình thành sau khi rừng bị khai thác quá mức, chưa đủ thời gian để phục hồi hoặc được hình thành trên các nương, rẫy hoang hóa. HST này phổ biến ở Điện Biên, phân bố trên các đai độ cao có dạng địa hình khác nhau.

   HST trảng cây bụi, tre nứa cũng có một số loài thú nhỏ như chuột, sóc, chồn, một số loài chim, bò sát, ếch nhái.

   HST trảng cỏ: Phân bố rộng trên mọi địa hình, đai độ cao, được hình thành sau cháy rừng, đốt nương rẫy hoặc các trảng cỏ vào mùa khô để sang mùa xuân mọc cỏ non làm thức ăn cho trâu, bò. Gồm các loài cây cỏ thuộc họ hòa thảo như cỏ trang, lau, cỏ trấu.

   Một số loài thân thảo thuộc họ cúc như: Cỏ lào, đươn buốt, tế (guột) hoặc họ tế…

   HST nông nghiệp: Bao gồm một số cây trồng ngắn ngày cung cấp lương thực như: Lúa, ngô, khoai lang, sắn… Các loài cây làm thực phẩm gồm rau các loại, đậu đỗ, bầu bí, mướp… Cây dài ngày hầu như không có. HST nông nghiệp thống kê được 76 loài, hầu hết là các giống bản địa thích nghi với điều kiện thời tiết, đất đai ở địa phương.

   HST thủy vực: Gồm thủy vực nước đứng như ao, hồ, đầm và thủy vực nước chảy gồm sông, suối. HST thủy vực có những loài đặc trưng như chò nước thường mọc ở 2 bên bờ suối, có khả năng chịu ngập nước, thân thẳng, hầu như không phân cành, thân có vỏ màu trắng xám. Đây là nguồn gen độc đáo nên được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007). Loài có khu phân bố rộng nhưng bị ngắt quãng, không liên tục.

   Ngoài chò nước còn có táu nước cũng thường phân bố ở ven suối.Là cây gỗ quý, loài đặc hữu có trong Sách đỏ Việt Nam (2007). HST thủy vực có một số loài cá, trai, ốc, hến…

   HST khu dân cư: Gồm cả khu dân cư đô thị, thị trấn và nông thôn. Ngoài cây trồng, vật nuôi cũng có một số loài hoang dại.Các loài cây trồng cung cấp thực phẩm, vật liệu xây dựng, làm thuốc, làm cảnh, bóng mát. Động vật nuôi có gia súc, gia cầm, cung cấp thực phẩm, sức kéo… Cũng có một số động vật hoang dã như chuột, sóc, chồn, một số loài chim, lưỡng cư, bò sát.

   2. Thành phần loài

   Thành phần loài thực vật bậc cao có mạch: Kết quả điều tra, nghiên cứu đã thống kê được hệ thực vật tỉnh Điện Biên có 1.923 loài thuộc 780 chi và 196 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạnh. Như vậy, hệ thực vật tỉnh Điện Biên chiếm 83,3% tổng số ngành; 64,3% tổng số họ, 34,6% tổng số chi và 18,6% tổng số loài của hệ thực vật Việt Nam.

   Hệ thực vật được sắp xếp theo thứ tự giảm dần của 9 nhóm với giá trị sử dụng như sau: Nhóm cây làm thuốc có 381 loài, chiếm 19,8 % tổng số loài ghi nhận được; nhóm cây gỗ: 279 loài (14,5%); nhóm cây làm thức ăn, gia vị: 244 loài (12,6%); nhóm cây bóng mát làm cảnh, làm hàng rào: 159 loài (8,3%); nhóm cây tinh dầu, nhựa, hương liệu, tanin, nhuộm: 81 loài (4,2%); nhóm cây cho sợi: 35 loài (1,8%); nhóm cây làm vật liệu xây dựng, gói: 17 loài (0,87%). Nhóm thứ 9 không thuộc tài nguyên nhưng cũng cần được quan tâm vì có thể gây ra những tai họa nghiêm trọng, đó là nhóm cây có chất độc: 11 loài (0,5%), điển hình là lá ngón.

   Thành phần loài động vật: Đã thống kê được khu hệ động vật có xương sống trên cạn ở Điện Biên có 4 lớp: Lớp thú có 55 loài thuộc 8 bộ, 22 họ, 41 giống; lớp chim có 187 loài thuộc 15 bộ, 43 họ, 133 giống; lớp bò sát có 33 loài thuộc 2 bộ, 12 họ, 31 giống và lớp ếch nhái có 14 loài thuộc 1 bộ, 4 họ và 9 giống.

   Thành phần thủy sinh vật: Thành phần loài thực vật nổi: 174 loài thuộc 6 ngành gồm tảo mắt, tảo lục, tảo silic, tảo giáp, tảo vàng, tảo vàng ánh; Thành phần động vật nổi: 79 loài thuộc các nhóm: Trùng bánh xe, giáp xác râu ngành, giáp xác chân bèo; Thành phần động vật đáy: 101 loài thuộc các nhóm: Giun ít tơ, động vật thân mềm, tôm, cua; Thành phần cá: Có 175 loài thuộc 16 họ. Có 1 loài là cá măng được ghi vào Sách đỏ Việt Nam (2007).

   3. Nguồn gen

   Đã xác định được hệ thực vật có 41 loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

   Hệ động vật có 20 loài thú, 12 loài chim, 14 loài bò sát, 1 loài ếch nhái và 1 loài cá được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN và Nghị định số 32/2006/NĐ-CP.

   Kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, hiện trạng ĐDSH tỉnh Điện Biên khá phong phú về HST, thành phần loài động thực vật và nguồn gen quý hiếm, đồng thời cũng có nguồn tài nguyên sinh vật có giá trị kinh tế. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên này đang ngày càng suy giảm.Vì vậy, cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên quan trọng này.

   III. Đề xuất một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH tỉnh Điện Biên

   Rà soát, bổ sung, xây dựng các văn bản để cụ thể hóa Luật ĐDSH, góp phần quản lý hiệu quả các Khu bảo tồn thiên nhiên hiện có như Mường Nhé và các Khu bảo tồn mới được quyết định; Xây dựng các văn bản quy định của tỉnh Điện Biên trong 1 số lĩnh vực như buôn bán động vật hoang dã, sử dụng các loài hoang dã (cây thuốc, hương liệu, lâm sản ngoài gỗ).

   Thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, kêu gọi sự hỗ trợ hợp tác quốc tế, nhằm tranh thủ sự viện trợ về tài chính, trang thiết bị nghiên cứu khoa học và sự giúp đỡ đào tạo, kinh nghiệm nghiên cứu...

   Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho người dân về ĐDSH.

   Phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức khoa học trong nước và quốc tế tiến hành điều tra đánh giá ĐDSH; Xây dựng cơ sở quản lý dữ liệu ĐDSH. Đồng thời, nâng cao trình độ quản lý bảo tồn ĐDSH cho đội ngũ cán bộ đang trực tiếp làm nhiệm vụ ở cơ sở cũng như ở cơ quan cấp cao hơn.

   Nâng cao đời sống cho người dân sinh sống gần khu vực có rừng (đây là giải pháp quan trọng cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền liên quan).

   Trước nguy cơ mất nơi cư trú, đe dọa ĐDSH, cần bảo tồn các nơi cư trú.

   Hạn chế việc gia tăng dân số cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ĐDSH.

   Con người vô tình hay hữu ý đã du nhập các loài ngoại lai, có tác động xấu đối với các loài bản địa. Vì vậy, cần thận trọng khi du nhập các loài ngoại lai vào các khu bảo tồn nói riêng, địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung.

CN. Bùi Thị Thắm,

Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ

TS. Lê Trần Chấn

Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 11 - 2015)

Ý kiến của bạn