02/01/2018
Những năm qua, Đại học (ĐH) Bách khoa Đà Nẵng luôn quan tâm phát triển sản xuất năng lượng sạch, phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như nhu cầu năng lượng của nhà trường. Đặc biệt, vừa qua, ĐH Bách khoa Đà Nẵng tiếp tục mở rộng không gian xanh với mô hình điện năng lượng mặt trời (NLMT) với công suất lên 49,6 kWp và trở thành trường ĐH “Xanh” đầu tiên của khu vực miền Trung.
Công nhân SolarBK lắp đặt hệ thống pin NLMT trên nóc tòa nhà ĐH Bách khoa Đà Nẵng |
Hệ thống điện NLMT tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng do Công ty CP Đầu tư và Phát triển NLMT Bách Khoa (SolarBK) đầu tư, bao gồm thiết kế, thực hiện các dự án tiết kiệm, bảo tồn năng lượng, cho thuê cơ sở hạ tầng năng lượng, phát điện, cung cấp năng lượng và quản lý rủi ro với thời hạn là 12 năm. Hệ thống trên nằm trong kế hoạch “Phát triển hệ thống giáo dục Xanh” của SolarBK. Trước đó, SolarBK đã triển khai nhiều hệ thống NLMT cho các trường ĐH: Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Văn Lang, Quốc gia TP. Hồ Chí Minh phân hiệu Bến Tre và ĐH Cần Thơ. Hệ thống bao gồm 160 tấm pin NLMT IREX 310 Wp cùng các thiết bị đi kèm, được tính toán để chịu những rủi ro của thời tiết, lắp đặt trên tổng diện tích 331 m2. Qua tính toán, hệ thống sẽ sản sinh được 75.025 kWh/năm (tương đương với mức đạt 208,4 kWh/ngày), đáp ứng phần lớn nhu cầu tiêu thụ điện của nhà trường. Do khu vực miền Trung có cường độ nắng cao nên công suất của hệ thống điện NLMT luôn đạt hiệu quả tối ưu.
Hiện tại, giải pháp này giúp tiết kiệm khoảng gần 5% chi phí điện mỗi năm trong vòng 12 năm đầu và khoảng 7% trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, tuổi thọ của tấm pin NLMT từ 20 -25 năm nên sẽ thu được lợi ích tối ưu về kinh tế, đồng thời góp phần giảm khoảng 49.607 tấn CO2 mỗi năm ra môi trường. Đặc biệt, đây còn là mô hình NLMT trực quan để đào tạo cho sinh viên. Với mô hình này, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những trường ĐH đi đầu về phát triển mô hình giáo dục trải nghiệm, đem đến nguồn nhân lực chất lượng, từ đó tạo đà cho sự phát triển của ngành năng lượng sạch nói riêng và đất nước nói chung.
Cùng với đó, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã xây dựng và đưa Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời vào ứng dụng, hỗ trợ việc đào tạo, nghiên cứu khoa học về nguồn năng lượng mới. Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời có công suất 8,6 kW, có thể thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi đồng thời năng lượng gió và NLMT thành điện năng với điện thế 220V. Để có thể kết hợp năng lượng gió và NLMT, Trạm được trang bị một bộ nguồn thông minh với 2 đầu vào, một đầu là điện gió, một đầu là điện mặt trời, đầu ra dùng nạp ắc quy và qua bộ đổi điện để phục vụ tiêu dùng trong nhà trường. Nhờ vậy, hệ thống phát điện luôn hoạt động 24/24 giờ. Ngoài ra, một giàn pin NLMT với tổng diện tích 28 m2 có nhiệm vụ hấp thụ NLMT, tạo ra dòng điện và nạp vào hệ thống ắc quy kiềm. Việc kết hợp cả hai loại năng lượng tái tạo này đã khắc phục được hiện tượng phát điện ngắt quãng tại khu vực.
Từ năm 2008, năng lượng gió và NLMT là một trong những dạng năng lượng tái tạo được trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đưa vào chương trình đào tạo và nghiên cứu. Đến năm 2012, trường xin được Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời của huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum để đưa về làm mô hình đào tạo. Hiện Trạm phát điện vừa được sử dụng để thực nghiệm, nghiên cứu, đào tạo các thế hệ sinh viên, vừa tích trữ năng lượng để chiếu sáng cho hệ thống đèn của trường vào ban đêm.
Có thể nói, năng lượng gió và mặt trời là những nguồn năng lượng sạch, có thể tái tạo và được xem là vô tận. Vì vậy, việc đưa Trạm phát điện hỗn hợp năng lượng gió và mặt trời vào sử dụng tại trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng đã tạo bước đi để hướng đến nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất năng lượng sạch trong tương lai. Ngoài ứng dụng năng lượng gió và mặt trời vào đào tạo và nghiên cứu khoa học, trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác liên quan đến sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như tham gia kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu các thiết bị sử dụng điện; sử dụng năng lượng có hiệu suất cao; nghiên cứu lưới điện thông minh và các nguồn điện phân tán…
Nhìn chung, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo của ĐH Bách khoa Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng trong việc đào tạo kiến thức năng lượng sạch cho thế hệ trẻ, đồng thời giúp nâng cao uy tín, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng tại địa phương.
Lâm Văn Miền
Đại học Bách khoa Đà Nẵng
Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 12/2017