Banner trang chủ

Áp dụng hóa học xanh nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh và giảm thiểu phát thải các hóa chất nguy hại

03/03/2020

     Trong thời gian gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, chế biến thực phẩm và đồ uống, thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da, giả da... đều có khả năng sử dụng các loại hóa chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs), hoặc các chất có khả năng tạo thành các POPs (các chất POPs phát sinh không chủ định, còn gọi là U-POP) khiến nguồn nước gần các khu công nghiệp thường có hàm lượng hóa chất POPs cao...

     Trước bài toán lớn được đặt ra khi vừa phải thúc đẩy sản xuất trong nước có sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất, vừa phải quản lý việc sử dụng hóa chất và kiểm soát những tác động đến môi trường, hóa học xanh (HHX) là một trong những giải pháp được khuyến khích sử dụng để giải quyết vấn đề bằng cách ứng dụng các phương pháp nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng và phát thải các hóa chất nguy hại. HHX đề cao tiết kiệm tài nguyên và tận dụng tối đa nguyên, nhiên liệu tái sinh.

     HHX (hay còn gọi là hóa học bền vững) là một khái niệm chỉ một ngành hóa học và kỹ thuật khuyến khích việc thiết kế các sản và quá trình giảm thiểu việc sử dụng và tạo ra các chất độc hại. HHX sẽ giảm thiểu và ngăn ngừa ô nhiễm tại nguồn. Nguyên tắc của HHX là có thể áp dụng cho hóa hữu cơ, vô cơ, hóa sinh, hóa phân tích, hóa học vật lý, trọng tâm là giảm thiểu các nguy hiểm và tối đa hóa hiệu quả của hóa chất sử dụng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, việc áp dụng nguyên tắc của HHX không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến sức khỏe con người và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau hai thập kỷ được ứng dụng, HHX đã mang lại những tác động tích cực cho xã hội và môi trường khi các lĩnh vực nghiên cứu mới như dung môi xanh, vật liệu biến tính có nguồn gốc sinh học, khoa học năng lượng thay thế, phân tử tự lắp ráp, thiết kế chất xúc tác thế hệ mới và thiết kế phân tử hướng đến giảm thiểu các rủi ro... đã được phát triển trên diện rộng.

     Tại Việt Nam, ngành hóa chất cơ bản và các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, việc sử dụng một số hóa chất nguy hại trong quá trình sản xuất sản phẩm đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, môi trường và hệ sinh thái. Quá trình thải bỏ hóa chất và các sự cố hóa chất diễn ra trong quá trình sản xuất (chủ yếu do công nghệ lạc hậu) đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, tạo áp lực và gánh nặng lên Chính phủ khi phải nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Dù vậy, các hóa chất nguy hại bao gồm cả POPs có khả năng phát tán trong môi trường và tích lũy sinh học trong cơ thể con người hiện vẫn đang được sử dụng trong nước. Bên cạnh đó, một số chất có khả năng tạo thành các chất U-POP trong nhưng điều kiện nhất định vẫn đang được sử dụng rộng rãi. Nguyên nhân chính là do sự thiếu hụt thông tin liên quan đến việc sử dụng POPs và các chất có khả năng phân hủy thành POPs trong các lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là ở những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Ngoài ra, động lực để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ, quy trình sản xuất thân thiện với môi trường cũng chưa được chú trọng do năng lực về tài chính và con người còn hạn chế.

 

Hội thảo khởi động Dự án “Áp dụng HHX tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu

việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại” tại Hà Nội, ngày 6/4/2018

 

     Để khắc phục tình trạng trên, Chính phủ đã và đang rất quan tâm đến phát triển hiệu quả, an toàn, thân thiện môi trường đối với các ngành sản xuất có sử dụng hóa chất. Ngoài việc đầu tư từ ngân sách, Việt Nam cũng kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong lĩnh vực này. Giai đoạn từ năm 2015 - 2018, Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT đã phối hợp với Cục Hóa chất - Bộ Công Thương triển khai trên toàn quốc Dự án Quản lý an toàn POPs và hóa chất nguy hại do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ ủy thác thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) nhằm giúp Việt Nam giảm thiểu các rủi ro về môi trường và sức khỏe con người thông qua giảm phát thải POPs và hóa chất nguy hại. Theo đó, đã rà soát các chồng chéo, mâu thuẫn tại các văn bản liên quan tới quản lý POPs và hóa chất độc hại (Luật BVMT, Luật Hóa chất, các văn bản dưới luật) để bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý quản lý vấn đề này hiệu quả hơn.

     Tiếp nối các hoạt động hỗ trợ xử lý POPs, hóa chất nguy hại, đồng thời, với mục tiêu tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và áp dụng HHX, khuyến khích doanh nghiệp hạn chế sản xuất, sử dụng các hóa chất nguy hại, hướng đến phát triển các phương pháp cũng như quá trình sản xuất thân thiện với môi trường, sức khỏe con người, Cục Hóa chất - Bộ Công Thương đã triển khai Dự án “Áp dụng HHX tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại”. Dự án tuân thủ theo 12 nguyên tắc của HHX, đó là: Ngăn ngừa phát sinh chất thải; tối đa hóa việc tiết kiệm nguyên tử; phát triển quá trình tổng hợp hóa học ít độc hại hơn; phát triển các sản phẩm và hóa chất an toàn hơn; sử dụng dung môi và điều kiện phản ứng an toàn hơn; tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các nguyên liệu có thể tái sinh; tránh làm phát sinh phụ phẩm; sử dụng chất xúc tác để tăng hiệu suất phản ứng; phát triển các hóa chất và sản phẩm có thể phân hủy sau khi sử dụng; quan trắc và phân tích theo thời gian thực tế để ngăn ngừa ô nhiễm; giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra tai nạn. Dự án giúp giảm thiểu việc sử dụng chất ô nhiễm POPs và giảm phát thải U-POPs, thông qua những hoạt động giới thiệu về các cách tiếp cận HHX trong 6 nghành công nghiệp tại Việt Nam: Mạ crôm, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt, hóa chất bảo vệ thực vật và dung môi - sơn. Những hướng dẫn cụ thể cho từng ngành sản xuất sẽ được xây dựng, đồng thời lồng ghép những cách tiếp cận HHX vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.  Với sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và UNDP, Dự án được thực hiện trong 3 năm (2018 - 2020), gồm 4 hợp phần: Tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc áp dụng HHX tại Việt Nam; Tăng cường nhận thức về HHX; Giới thiệu cách tiếp cận của HHX cho các ngành ưu tiên và áp dụng tại ít nhất hai cơ sở sản xuất; Giám sát, đánh giá, thu thập và phổ biến các bài học kinh nghiệm. Tổng kinh phí thực hiện Dự án là 10.399.800 USD, trong đó vốn đối ứng của Bộ Công Thương là 700.000 USD, UNDP tài trợ 200.000 USD và JICA 1,5 triệu USD, khối tư nhân là 4 triệu USD, Quỹ BVMT 2 triệu USD và GEF viện trợ không hoàn lại thông qua UNDP 1.999.800 USD.

     Qua giai đoạn khảo sát, Dự án đã xác định được 6 ngành nghề được ưu tiên triển khai HHX trong Dự án bao gồm: Mạ điện, sản xuất giấy và bột giấy, nhựa, dệt nhuộm, hóa chất bảo vệ môi thực vật, sơn và dung môi. Đây là những ngành có khả năng sử dụng POPs, thủy ngân và những chất có thể phẩn hủy thành POPs trong sản xuất. Trong năm 2018 - 2019, Dự án đã thiết lập được môi trường thuận lợi cho việc áp dụng thực hành HHX; giới thiệu các ứng dụng và lợi ích của HHX cho cán bộ lãnh đạo, công chúng, doanh nghiệp thuộc các ngành tiểu ngành công nghiệp được chọn; đánh giá năng lực quốc gia liên quan đến áp dụng HHX; đánh giá hiện trạng khung pháp lý cho 6 ngành ưu tiên; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn…

     Trong năm 2020, Dự án sẽ thí điểm mô hình ứng dụng HHX tại Công ty CP Plato Việt Nam thuộc lĩnh vực mạ điện và Công ty CP Sơn Nishu thuộc lĩnh vực sơn và dung môi. 2 công ty này sẽ được hỗ trợ các trang thiết bị, nguyên vật liệu cho hoạt động trình diễn HHX từ Dự án, xây dựng cơ sở dữ liệu về các hóa chất đang được sử dụng nhằm xác định chất có thể thay thế các loại dung môi có chứa clo, thay thế cho các chất POPs hay các hóa chất nguy hại đã bị cấm ở một số nước như PFOS, PBDE và SCCP. Đồng thời, áp dụng nguyên tắc sử dụng những chất diệt khuẩn, tẩy rửa thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa lượng nước xả thải, và thiết lập hệ thống kiểm soát chất lượng nước tự động. Hai công ty này sẽ minh chứng cho những lợi ích của việc áp dụng HHX như nâng cao hiệu suất, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, BVMT cũng như đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.

     Mặc dù, chưa có kết quả cuối cùng nhưng có thể khẳng định rằng, Dự án “Áp dụng HHX tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại” sẽ góp phần tạo môi trường pháp lý, nâng cao nhận thức và thử nghiệm thực tế, giúp giảm phát thải các chất ô nhiễm khó phân hủy. Đây cũng là xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam giúp giảm thiểu hóa chất nguy hại vì sức khỏe cộng đồng và hội nhập quốc tế.

 

Nguyễn Văn Luyện

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2020)

 

 

 

Ý kiến của bạn