Banner trang chủ

Xây dựng và duy trì hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững

21/04/2022

    Tại Việt Nam, các đô thị lớn đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng và quá tải hạ tầng giao thông. Ô nhiễm từ giao thông đô thị còn là tác nhân gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, chất lượng môi trường sống…, đặc biệt là tới sức khỏe con người. Chính vì vậy, phát triển, hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần tạo nên bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại.

    Về bản chất, giao thông xanh là xây dựng và duy trì hệ thống giao thông đô thị phát triển bền vững nhằm thỏa mãn nhu cầu đi lại của mọi người. Phát triển giao thông xanh phải có đủ các đặc trưng cơ bản như: Chiến lược giao thông phát triển bền vững, hiệu quả hoạt động giao thông cao với chi phí xã hội thấp, hài hòa môi trường đô thị, phù hợp với mô hình sử dụng đất đô thị và hạt nhân của giao thông xanh là ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Với việc sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện thông suốt, trật tự, an toàn, tiêu hao ít năng lượng và ít ô nhiễm môi trường.

Hà Nội thí điểm mô hình cho thuê xe đạp, xe đạp điện công cộng

    Đây cũng chính là một trong những tiêu chí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị xanh. Trong đó, các tiêu chí đánh giá giao thông đô thị bền vững, giao thông đô thị xanh là quy hoạch đô thị và xây dựng hệ thống giao thông bền vững về mặt môi trường; phát triển hệ thống giao thông công cộng, đi xe đạp và đi bộ; thắt chặt dần tiêu chuẩn môi trường; cải tiến công nghệ sản xuất xe; xây dựng hệ thống các trạm kiểm tra nguồn thải của xe và trạm bảo dưỡng sửa chữa xe.

    Hơn nữa, Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đặt ra yêu cầu cơ bản về phát triển giao thông công cộng. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng phát triển phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn đối với các đô thị lớn; đảm bảo tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25-30% đến năm 2020; phát triển vận tải ở các đô thị theo hướng sử dụng vận tải công cộng là chính, đảm bảo hiện đại - an toàn - tiện lợi; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng phương tiện cá nhân…

    Có thể thấy rõ, giao thông xanh là các phương tiện giao thông hạn chế thải khí CO2 và các loại khí thải độc hại khác ra môi trường. Giao thông xanh sử dụng sức người, năng lượng tái tạo, điện, khí thiên nhiên nén... Việc sử dụng xe đạp, xe máy, ôtô điện, xe chạy bằng khí nén CNG hay xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió… chính là tham gia giao thông xanh. Ở đô thị, ô nhiễm do các hoạt động giao thông vận tải chiếm khoảng 70%. Vì vậy, chính quyền và người dân cần nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đến chất lượng môi trường.

    Thời gian qua, tại Hà Nội bắt đầu có sự xuất hiện của xe buýt sử dụng khí CNG, xe máy điện, nhưng số lượng còn hạn chế. Đầu tháng 12/2021, ba tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường. Đầu năm 2022, Hà Nội đưa vào vận hành tuyến đường sắt Cát Linh  Hà Đông. Đây là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn. Trước đó, tháng 12/2021, Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam đã chính thức khai trương thí điểm dịch vụ xe đạp công cộng. 43 trạm đậu xe được bố trí trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại quận 1, gần các trạm dừng, nhà chờ xe buýt; công viên, điểm du lịch... Mỗi trạm diện tích 10 - 15m2, cho 10-20 xe đậu theo từng ô. Việc phát triển xe đạp công cộng theo hình thức xã hội hóa tạo thêm sự lựa chọn về phương thức giao thông cho người dân đi lại và du khách tham quan khu vực trung tâm thành phố… Qua đó, tăng cường hiệu quả sử dụng xe buýt và các phương tiện công cộng trong tương lai (metro, BRT, vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy...) theo hướng văn minh, hiện đại, hạn chế nhu cầu sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

    Mới đây, UBND TP. Hà Nội cũng đã chấp thuận Đề án “Xe đạp đô thị” của Sở Giao thông vận tải Hà Nội theo 2 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1 dự kiến thực hiện ngay trong năm 2022, đơn vị thực hiện dự án sẽ đầu tư 1.000 xe đạp, trong đó 500 xe đạp cơ và 500 xe đạp điện. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn này khoảng 30 tỷ đồng, triển khai tại 85 điểm trên địa bàn 6 quận, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Ba Đình và Tây Hồ với khoảng 85 điểm bố trí xe, mỗi điểm từ 10 - 15 chiếc. Đây được đánh giá là một trong những kế hoạch nhằm phát triển giao thông xanh tại Hà Nội bởi hình thành hệ thống cho thuê xe đạp với giá rẻ sẽ phục vụ nhu cầu di chuyển ngắn của người dân, tăng cường kết nối các khu vực đô thị với hệ thống vận tải công cộng.

    Có thể nói, phát triển đô thị xanh, giao thông xanh là định hướng mang tính chiến lược, cần có sự quan tâm vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương tới địa phương và toàn thể cộng đồng, giao thông xanh sẽ đóng góp quan trọng thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia…

Nam Việt

 

Ý kiến của bạn