29/11/2021
Hiện nay, rác thải đang trở thành vấn đề nan giải đối với các quốc gia trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu gây ra lượng rác thải ngày càng lớn tại Việt Nam là do nhận thức của người dân chưa cao, song song với đó lối sống Zero waste (Lối sống không rác thải) vẫn còn khá mới và vẫn chưa được áp dụng trong môi trường giáo dục hiện nay tại Việt Nam. Trong khi đó, nhiều trường học có nhu cầu nhận được tư vấn, hỗ trợ để áp dụng thực hành không rác. Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Tạp chí Môi trường đã trao đổi với bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, Giám đốc Trung tập Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) về giải pháp xây dựng thói quen mới nhằm quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong thực hiện Luật BVMT năm 2020.
PV: Bà có thể cho biết, Luật BVMT năm 2020 được ban hành có ý nghĩa như thế nào đối với việc thực hiện Chương trình thực hành trường học không rác thải ở Việt Nam?
Bà Trần Thị Hoa: Tại Chương XI, mục 4, điều 153 của Luật BVMT năm 2020 quy định chương trình giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân được tích hợp, lồng ghép kiến thức, pháp luật về BVMT và Chương XI, mục 2, điều 142 cũng quy định về thực hiện KTTH nhằm hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Có thể nói, những quy định này trong Luật có ý nghĩa quan trọng để GreenHub thực hiện Chương trình thực hành trường học không rác thải ở Việt Nam. Các quy định pháp luật về BVMT đối với công tác giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng và thực hiện KTTH sẽ là cơ sở để chúng tôi làm việc với các trường học. Các trường học cũng có định hướng rõ ràng khi tham gia Chương trình trường học không rác, tạo điều kiện để các trường chia sẻ, lan tỏa rộng rãi hơn Chương trình thực hành trường học không rác tại Việt Nam.
Bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng Sáng lập, Giám đốc GreenHub đang hướng dẫn
về thực hành không rác cho các thầy, cô trường Tiểu học Phù Long, huyện Cát Bà, TP. Hải Phòng
Ngày 17/11/2021, buổi đối thoại “Trường học không rác và hơn thế nữa- ZHub” do GreenHub phối hợp với Trường Tiểu học, Trung học cơ sở & Trung học Phổ thông Thực nghiệm Khoa học Giáo dục (Thực nghiệm Hà Nội) và Học viện Chính sách và Phát triển (APD) đã đươc tổ chức trực tuyến. Đây là sự kiện khởi đầu cho chuỗi các hoạt động cung cấp giải pháp nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội. Theo đó, giảm ô nhiễm, giảm thiểu phát sinh chất thải, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH), tránh khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học là những mục tiêu của giáo dục môi trường bền vững hướng đến. Đây cũng là cách tiếp cận, để các em học sinh và cộng đồng thực hiện các quy định mới của Luật BVMT năm 2020, nhằm xây dựng thói quen mới về quản lý rác thải có trách nhiệm trong xã hội.
PV: Chương trình thực hành trường học không rác thải ở Việt Nam đề ra mục tiêu và các nguyên tắc cơ bản gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Hoa: Chương trình thực hành Trường học không rác thải ở Việt Nam đã đề ra mục tiêu hướng đến là mong muốn tạo dựng hệ sinh thái gồm nhiều bên tương tác chặt chẽ với nhau thúc đẩy lối sống không rác thông qua giáo dục dựa trên bằng chứng và trải nghiệm. Các nguyên tác cơ bản khi thực hiện dựa trên nguyên tắc 5Rs, bao gồm: Refuse - Từ chối những gì bạn không cần, đó là nhựa dùng một lần (túi ni lông, ống hút, chai lọ, đồ dùng vệ sinh trong khách sạn, hộp xốp đựng đồ ăn, bao bì sản phẩm…); Reduce - Tiết Giảm những gì chúng ta cần và không thể từ chối: Đó là cắt giảm những thứ cần thiết mà bạn vẫn đang sử dụng như: quần áo, đồ ăn, đồ sinh hoạt, sản phẩm giải trí… bằng cách đánh giá lại nhu cầu và hạn chế mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời, chia sẻ đồ cũ cho cộng đồng bằng việc bán, quyên góp đồ cũ…; Reuse - Tái sử dụng những gì chúng ta tiêu thụ, không thể từ chối, không thể tiết giảm (mang theo bình, chai, lọ, túi vải có thể sử dụng lâu dài để mua hàng hóa ở những cửa hàng không đóng gói. Mua,bán. tặng quần áo, vật dụng cũ, mua sản phẩm có độ bền cao…); Recycle - tái chế những gì không thể từ chối, không thể tiết giảm hoặc không thể tái sử dụng: Các sản phẩm này cần được tái chế theo đúng quy định từ phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải…; Rot - ủ những gì có thể: Biến rác thải hữu cơ (đồ ăn thừa, rác nhà bếp, rác vườn) thành phân bón cho cây trồng hoặc làm enzyme tẩy rửa.
Như vậy, việc áp dụng nguyên tắc 5Rs không chỉ tập trung vào khâu cuối nguồn thải khi mà rác đã thải ra rồi (Reuse, Recycle) mà còn chú trọng vào giải pháp giảm rác từ đầu nguồn thải (Refuse, Reduce). Ngoài ra, Chương trình xác định nhóm đối tượng trẻ con, học sinh là nhóm đối tượng dễ tác động hơn, khác với quan điểm từ trước đến nay là người lớn giáo dục cho trẻ nhỏ thì thay vào đó sẽ giáo dục từ trẻ con trở lại đối với người lớn- tức là từ trường học đến nhà (from school to home); giáo dục sẽ dựa trên trải nghiệm từ trường đến các vùng miền có vấn đề về rác thải hay có trang trại/cơ sở thực hành không rác thải (from school to farm -field), giúp học sinh tăng cường tương tác, trải nghiệm thực tế, tính sáng tạo và làm chủ các sáng kiến, từ đó hình thành nhân cách, lối sống không rác thải.
PV: Được biết, để mở đầu cho Kế hoạch thực hành trường học không rác thải ở các địa phương trên cả nước, GreenHub chọn trường Thực nghiệm Hà Nội để lồng ghép chương trình giáo dục môi trường, bà có thể cho biết nội dung thực hiện như thế nào, có khó khăn, thách thức gì?
Bà Trần Thị Hoa: Thực hiện Chương trình xây dựng thực hành trường học không rác, GreenHub xác định bước đầu tiên là xây dựng nền tảng dựa trên cam kết của nhà trường. Đây có thể coi là vai trò then chốt cho sự thành công của Chương trình này. Chính vì vậy, khi nhận được sự chủ động đề nghị được tham gia Chương trình từ Ban giám hiệu nhà trường Thực nghiệm Hà Nội, hai bên đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch phối hợp và chính thức ký cam kết vào ngày 17/11/2021, thực hiện Chương trình trường học không rác trong hai năm tới.
Lễ ký cam kết giữa GreenHub và trường Thực nghiệm Hà Nội tại buổi Đối thoại
“Trường học không rác và hơn thế nữa - ZHub” ngày 17/11/2021
Tuy nhiên, việc lồng ghép vào chương trình giáo dục môi trường trong khuôn khổ hợp tác với nhà trường có một vướng mắc là nhóm thực hiện chỉ có thể bổ sung một vài nội dung về thực hành không rác vào một số tiết học kiến thức chung mà chưa thể có những tiết học chuyên về chủ đề giáo dục môi trường.
Thêm vào nữa là những khó khăn do bối cảnh dịch bệnh Covid 19, các hoạt động đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến và chưa lắp đặt bảng hướng dẫn Phục hồi tài nguyên (MRF) tại sân trường. Tuy nhiên, với nỗ lực của cả hai bên, sự nhiệt tình của các thầy cô trường Thực nghiệm Hà Nội, hoạt động tập huấn viên (TOT) về hiện trạng, tác động của rác thải, rác thải nhựa và thực hành không rác đã được tổ chức trực tuyến. Cùng với đó, Chương trình kiểm toán rác tại nhà cũng được thầy cô và các em học sinh được thực hiện trong tháng 12/2021 (thay vì kiểm toán rác tại trường). Chương trình kiểm toán rác sẽ cung cấp kiến thức cơ bản, giúp các thầy cô và các em học sinh hiểu đúng và đầy đủ hơn về rác, từ đó xây dựng chương trình truyền thông và thực hành trường học không rác hiệu quả.
PV: Sau khi Chương trình kết thúc, theo bà cần có những giải pháp gì để “lối sống không rác thải” được hình thành và áp dụng hiệu quả trong môi trường giáo dục của nước ta?
Bà Trần Thị Hoa: Lối sống không rác được hình thành và áp dụng hiệu quả trong môi trường giáo dục của nước ta sẽ cần một quá trình dài và nỗ lực của nhiều bên liên quan, bao gồm: Trường học, gia đình học sinh, cộng đồng và các tổ chức, Hiệp hội, doanh nghiệp. Các bên liên quan sẽ cùng tương tác chặt chẽ với nhau thúc đẩy lối sống không rác thông qua giáo dục dựa trên bằng chứng và trải nghiệm, nhằm thúc đẩy KTTH.
Ngoài ra, việc tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh cũng rất quan trọng trong việc duy trì những hoạt động về giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện KTTH trong trường học. Các hoạt động truyền thông, cuộc thi về lối sống không rác thải cần đưa vào kế hoạch tổ chức thường niên, tránh việc chỉ tổ chức theo sự kiện, phong trào và bề nổi cũng như không hiểu rõ gốc rễ của vấn đề rác thải. Nội dung giáo dục chủ đề “không rác thải” cần được đưa vào chương trình trải nghiệm và chương trình giảng dạy chính thức của nhà trường. Theo đó, Ban Lãnh đạo nhà trường cần ban hành quy chế thực hành không rác, thống nhất tài liệu về thực hiện KTTH trong trường học; chọn lớp học thí điểm về KTTH; tổ chức các buổi thực hành về KTTH… và kịp thời khen thưởng những giáo viên, học sinh tích cực thực hiện lối sống không rác.
Châu Loan (Thực hiện)