24/03/2022
Ngày 23/3/2022, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) tổ chức Hội thảo tham vấn xây dựng hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam. Hội thảo nhằm giới thiệu khung hạch toán tài khoản đại dương và kết quả nghiên cứu thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại tỉnh Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng ISPONRE cho biết, đại dương là nguồn sinh kế và dinh dưỡng quan trọng đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những hệ sinh thái biển và ven biển lành mạnh góp phần phát triển toàn diện; điều hòa khí hậu cũng như cải thiện đời sống người dân, hướng tới một tương lai bền vững. Tuy nhiên, việc quản lý thông tin liên quan đại dương còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Các dữ liệu về đại dương thường bị phân mảnh, do nhiều tổ chức khác nhau sắp xếp và rất khó tích hợp. Vì vậy, cần thiết xây dựng tài khoản đại dương để hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến
Tài khoản đại dương sắp xếp các dữ liệu đại dương (xã hội, môi trường, kinh tế) thành một khuôn khổ chung sử dụng cấu trúc tương tự như tài khoản quốc gia. Tài khoản đại dương cung cấp phương tiện để đo lường tiến độ hướng tới tăng trưởng và bền vững của nền kinh tế đại dương ngoài Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), phù hợp với các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 14, 15.9 và 17.19 cũng như các tiêu chuẩn thống kê quốc tế. Ngoài ra, tài khoản đại dương cung cấp cơ sở hạ tầng thông tin chung để xây dựng chính sách phát triển đại dương, quy hoạch không gian biển và quản lý môi trường tổng hợp.
Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế biển xanh với hơn 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ với hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng và là nơi sinh sống của khoảng 11.000 sinh vật biển. Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018); theo đó, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng và ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm (Nghị quyết số 26/NQ-CP tháng 3/2020) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 647/QĐ-TTg tháng 5 năm 2020). Việc áp dụng cách tiếp cận tài khoản đại dương sẽ hỗ trợ xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.
Hiện nay, ISPONRE, phối hợp với Đại học New South Wales (UNSW) thông qua Diễn đàn hạch toán tài khoản đại dương vì phát triển bền vững (GOAP) triển khai xây dựng thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại Việt Nam nhằm hỗ trợ lồng ghép các giá trị dịch vụ hệ sinh thái vào các chính sách phát triển bền vững biển và xây dựng lộ trình lồng ghép tài khoản đại dương vào các chính sách của quốc gia.
Tại Hội thảo, ông Teerapong Praphotjanaporn đại diện GOAP đã giới thiệu về Khung hạch toán tài khoản đại dương và hướng dẫn kỹ thuật hạch toán tài khoản đại dương, cập nhật các dự án thí điểm hạch toán tài khoản đại dương trên Thế giới.
Về phía Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu ông Hoàng Việt Anh, Công ty Tư vấn và Phát triển Đồng Xanh (GFD) đã trình bày phương pháp và kết quả nghiên cứu ban đầu của nghiên cứu thí điểm hạch toán tài khoản đại dương tại Quảng Ninh. Đây là đề tài nghiên cứu do ISPONRE thực hiện từ tháng 9/2021 đến 3/2022, với mục tiêu nhằm đánh giá đóng góp của kinh tế biển vào kinh tế của tỉnh Quảng Ninh; đánh giá được sự thay đổi của các tài sản biển (như rừng ngập mặn, san hô, cỏ biển); sự thay đổi của ô nhiễm và mối liên hệ giữa kinh tế đại dương và tài nguyên đại dương.
Theo kết quả nghiên cứu cho thấy, về hệ sinh thái, tỉnh Quảng Ninh có tổng diện tích rừng ngập mặn 2015-2020 ổn định, có xu hướng tăng nhẹ về diện tích 1.9%. Kết quả bước đầu giải đoán ảnh vệ tinh cho thấy, chất lượng rừng có tăng lên trong giai đoạn. Tuy nhiên, diện tích quy hoạch cho đặc dụng phòng hộ giảm mạnh do chuyển sang rừng sản xuất. Đối với san hô, chất lượng suy giảm mạnh, từ 1998-2010 số loài suy giảm 64%; độ phủ ở các khu vực có san hô suy giảm từ 50-70% vào 1998 xuống còn khoảng 20% vào 2015; cỏ biển suy giảm mạnh về diện tích ở 1 số khu vực như Hạ Long (75%), Đầm Nhà Mạc (60%), Quan Lạn (50%)…
Đánh giá môi trường cho thấy, lượng thải lớn nhất (theo giấy phép xả thải) tăng nhanh trong giai đoạn 2016-2020 so với 2011-2015, cấp phép xả thải tăng mạnh. Tuy nhiên, do hạn chế về số liệu liên quan đến lượng thải thực tế khiến việc ước tính tương đối khó khăn. Chất lượng nước mặt lục địa có chiều hướng suy giảm chất lượng, do ảnh hưởng bởi các hoạt động công nghiệp và thay đổi sử dụng đất (tỷ lệ COD, BOD5 có xu hướng tăng, TSS tăng); nước dưới đất và nước biển do hạn chế về chuỗi số liệu nên chưa có đánh giá đầy đủ…
Qua kết quả trên, nhóm tư vấn kiến nghị, cần thiết lập tài khoản cho các tài sản hệ sinh thái biển như san hô, cỏ biển, cá, loài đặc hữu; Nhà nước cần tăng cường đầu tư để thu thập các số liệu, đo đạc chỉ số sinh thái (diện tích, số loài, độ phong phù, chỉ số đa dạng sinh học, loài đại diện) tại các khu vực quan trọng giống như chương trình quan trắc môi trường.
Về thống kê kinh tế biển, xây dựng chương trình điều tra về các hoạt động kinh tế biển; Đối với tiêu chí môi trường, kiện toàn phương pháp, hệ thống thu thập dữ liệu và thống kê lượng xả thải từ các nguồn điểm nhằm phục vụ công tác giám sát, đánh giá và quản lý; bổ sung thêm danh mục chỉ tiêu thống kê môi trường vào danh mục tài khoản quốc gia của luật thống kê, đặc biệt là những chỉ tiêu liên quan đến lượng thải phát sinh và chất lượng môi trường…
Châu Loan