Banner trang chủ

Vườn Quốc gia Bạch Mã: Tăng cường bảo vệ các loài nguy cấp, quý hiếm

29/10/2021

    Từ năm 1991, Vườn quốc gia (VQG) Bạch Mã được chính thức thành lập, với tổng diện tích 22.031 ha, nằm trên địa phận hành chính của hai huyện Phú Lộc và Nam Đông của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 2008, VQG Bạch Mã được phê duyệt mở rộng diện tích vùng lõi lên 37.487 ha, với những quy hoạch bảo tồn nghiêm ngặt. Mặc dù được thành lập muộn hơn so với những VQG khác, nhưng VQG Bạch Mã vẫn giữ được nguyên vẹn những thảm thực vật phong phú và những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ. Độ che phủ rừng chiếm trên 90% tổng diện tích VQG.

    Nơi đây đa dạng về địa hình, diện mạo và nhiều vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ. VQG Bạch Mã có hai kiểu rừng chính là: Rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ở đọ cao dưới 900 m và rừng kín thường xanh, mưa mùa á nhiệt đới ở độ cao trên 900 m. Rừng ở độ cao trên 900 m là rừng có đa dạng sinh học phong phú. Về hệ thực vật, VQG Bạch Mã có 2.373 loài thuộc hệ nấm và thực vật, gồm 332 loài nấm, 87 loài rêu, 183 loài dương xỉ, 22 loài hạt trần và 1.749 loài hạt kín. Trong đó, có 73 loài cây quý hiếm được liệt kê trong sách Đỏ Việt Nam và 204 loài cần ưu tiên bảo vệ; Có trên 500 loài được sử dụng làm thuốc quý, đặc trưng như bảy lá một hoa; hoàng đàn, thích bắc bộ, thạch tùng, hoàng tinh hoa trắng, râu hùm, gừng dại, nghệ đen, sâm lông… có công dụng chữa bệnh. Các loài cây phổ biến, chủ yếu mọc ở đỉnh núi thuộc họ kim giao (như tùng bạch mã); một số loài cây lá rộng có giá trị thuộc họ dầu, họ long não, loài cây gỗ (cẩm lai, trắc, trầm hương, sến đinh, lim, thông đà lạt, pơ mu, hồng quang, chổi sể...) và các loài cau dừa, dương xỉ, lan… VQG Bạch Mã mà trung tâm là núi Bạch Mã là điểm đến du lịch hấp dẫn của Thừa Thiên - Huế. Nơi đây được mệnh danh là Sa Pa, Đà Lạt của miền Trung. Du lịch Bạch Mã chủ yếu là tham quan tìm hiểu, trải nghiệm thiên nhiên và ngắm cảnh. Có thể kể đến các địa điểm không thể bỏ qua khi lên Bạch Mã, gồm: Vọng Hải Đài, thác Ngũ Hồ, thác Đỗ Quyên… Đỉnh Bạch Mã cũng từng là cứ điểm quân sự quan trọng trong thời kỳ chống Mỹ và năm 2009, địa đạo Bạch Mã được xếp hạng di tích Quốc gia.

    VQG Bạch Mã trải dài chủ yếu ở các huyện Phú Lộc, Nam Đông của Thừa Thiên Huế và một phần ở huyện Đông Giang (Quảng Nam). Chỉ tính riêng hệ động vật, các nhà khoa học đã nghi nhận ở VQG Bạch Mã 1.728 loài, thuộc 54 bộ, 266 họ. Trong đó phải kể đến các loài động vật hoang dã quý hiếm như sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, gà lôi lam mào trắng, sói lửa, cầy mực… Và đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều đàn voọc chà vá chân nâu (với 128 cá thể voọc) thời gian gần đây. Núi Bạch Mã, nơi có độ cao 1.400 m so với mực nước biển, có môi trường và khí hậu thích hợp cho các đàn voọc sinh sống. Thời gian qua, lực lượng kiểm lâm tại VQG Bạch Mã đã tăng cường phối hợp thực hiện công tác tuần tra, bảo vệ rừng, qua đó kịp thời tháo bẫy và ngăn chặn các vụ săn bắt động vật hoang dã trái phép.

 

Voọc chà vá chân nâu tại VQG Bạch Mã

    Tuy nhiên, một số đối tượng bất chấp quy định, lẻn vào VQG để săn bắt trái phép động vật quý hiếm để bán kiếm tiền. Gần đây nhất là vào ngày 18/8/2021, nhóm 6 đối tượng trú tại xã Hương Hữu và Thượng Quảng (huyện Nam Đông) đã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện và bắt giữ về hành vi săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Các đối tượng đã được bàn giao cho cơ quan Công an huyện Nam Đông xử lý theo quy định của pháp luật. Ông Lê Quốc Khánh, Tổ trưởng tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Hương Lộc kể lại, quá trình tuần tra vào đêm tối, khi bị chúng tôi phát hiện, nhóm 6 đối tượng này đã bỏ chạy. Khi bị lực lượng kiểm lâm đuổi theo và bắt giữ, trong hành lý của các đối tượng này có nhiều tang vật về súng tự chế, dao, rựa, lưới, đèn pin…; kèm theo đó là xác các loài động vật hoang dã đã chết (gồm 2 cá thể chồn bay, 6 đầu linh trưởng, 3 thân linh trưởng, 1 cá thể cầy hương).

    Cũng mới đây, tại khoảnh 2, tiểu khu 413, VQG Bạch Mã, tổ tuần tra Trạm Kiểm lâm Hương Lộc phát hiện một cá thể sơn dương nặng 60 kg bị thương ở chân trước, kiệt sức do mắc bẫy cáp của các đối tượng săn bắt thú rừng. Sau khi giải cứu, cá thể sơn dương được kiểm lâm VQG Bạch Mã chăm sóc khỏe mạnh và thả về môi trường tự nhiên. Theo đại diện VQG Bạch Mã, mỗi năm đơn vị đã tổ chức khoảng 300 -400 đợt tuần tra kiểm soát, truy quét tại rừng. Ngoài công tác tuần tra, xử lý các vụ việc săn bắt động vật hoang dã trái phép, thời gian qua, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật của đơn vị này cũng đã tiến hành cứu hộ, chăm sóc và tái thả về rừng gần 200 cá thể động vật quý hiếm. Trong đó, có các loài như rùa núi viền, rùa sa nhân, rùa hộp trán vàng miền Trung, rùa đầu to, mèo rừng, rồng đất, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài, kỳ đà vân, voọc chà vá chân nâu, lợn rừng, tê tê Java, culi nhỏ, sơn dương, chim hồng hoàng… Phần lớn các cá thể này đều do người dân tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng.

    Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho biết, ngoài tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị cũng đã thực hiện ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học với các UBND xã vùng đệm, Hạt kiểm lâm, Công an huyện Nam Đông. Bên cạnh đó, đơn vị còn chú trọng thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế cho người dân sinh sống ở vùng đệm của VQG; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư vùng đệm để giảm áp lực sinh kế dựa vào rừng. Thời gian tới, VQG Bạch Mã sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã vùng đệm trực tiếp đối thoại với các hộ dân chuyên sống dựa vào rừng, thường xuyên có hành vi xâm hại tài nguyên rừng để vận động ký cam kết không vi phạm những quy định và thực hiện chuyển đổi sang làm nghề khác. Đồng thời, sẽ phối hợp với Công an huyện Nam Đông và các đơn vị kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng cố tình vi phạm, nhất là những hành vi liên quan đến săn bắt, giết hại động vật hoang dã để bảo vệ, bảo tồn các loài động vật quý hiếm.

Đức Anh

Ý kiến của bạn