Banner trang chủ

Việt Nam tăng cường chống sa mạc hóa và suy thoái đất

20/06/2022

    Từ ngày 16 - 17//6/2022, tại Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội), Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Vườn quốc gia (VQG) Ba Vì và các đơn vị liên quan tổ chức phát động trồng cây và đối thoại về chủ đề “Thực trạng và các giải pháp chống suy thoái đất”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Việt Nam hưởng ứng Ngày quốc tế chống sa mạc hóa và kỷ niệm 28 năm thành lập Công ước chống sa mạc hóa (UNCCD). Tham dự và chủ trì các sự kiện kỷ niệm ngày quốc tế chống sa mạc hóa năm 2022 có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp - Phạm Văn Điển, cùng với sự gia của trên 70 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT, Hội khoa học và Kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, đại diện tổ chức quốc tế và NGOs, Viện nghiên cứu nông, lâm nghiệp, trường Đại học Lâm nghiệp…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cùng các đại biểu tham gia trồng cây

    Công ước UNCCD được thành lập từ năm 1994, hiện có 197 thành viên, Việt Nam gia nhập Công ước UNCCD từ năm 1998. Mục tiêu của Công ước là chống sa mạc hoá, suy thoái đất và giảm thiểu tác hại của  hạn hán ở các vùng bị sa mạc hóa và suy thoái đất nghiêm trọng, áp dụng các biện pháp có hiệu quả và sự trợ giúp quốc tế để giúp các nước bị ảnh hưởng bởi thoái hóa, sa mạc và hạn hán phát triển bền vững. Ngày 17/6 hằng năm được Ban thư ký Công ước chọn là Ngày quốc tế chống sa mạc hóa.

    Trong khuôn khổ Chương trình, sáng ngày 16/6, các đại biểu tham gia lễ trồng cây tại VQG Ba Vì. Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp đã công bố thông điệp của Tổng thư ký Ban Thư ký Công ước về kỷ niệm Ngày quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán năm 2022 “Chung tay vượt qua hạn hán”. Đây là sự kiện quốc tế thường niên quan trọng được Việt Nam hưởng ứng nhằm góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động về chống suy thoái đất, sa mạc hóa, BVMT, phát triển bền vững.​

    Phát biểu tại Lễ trồng cây, Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Điển kêu gọi các Bộ, ngành cùng nhau thảo luận để tìm ra các giải pháp hữu hiệu để chống sa mạc hóa và suy thoái đất ở Việt Nam gắn việc nỗ lực thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, từng bước đưa ngành lâm nghiệp phát triển nhanh và bền vững, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật - môi trường quan trọng có nhiều đóng góp cho đất nước trong giai đoạn tới.

    Chia sẻ tại Lễ trồng cây, ông Đỗ Hữu Thế - Giám đốc VQG Ba Vì cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua, Vườn luôn chú trọng ươm thêm mầm xanh cho rừng cây, nhất là các giống cây thuốc bản địa quý, hiếm. Hôm nay, để kỷ niệm ngày chống sa mạc hóa, toàn thể cán bộ trong vườn tham gia cùng các đại biểu trồng các loại cây thuốc như cây bách xanh, lá khôi tía, hoàng tinh hoa trắng…

Các đại biểu tham gia trồng cây xanh tại VQG Ba Vì, Hà Nội

    Buổi chiều cùng ngày đã diễn ra buổi đối thoại về chủ đề “Thực trạng và các giải pháp chống suy thoái đất”, các nhà khoa học, các nhà quản lý từ cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế… đã cùng nhau chia sẻ, trao đổi, thảo luận đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp hạn chế suy thoái đất và chống sa mạc hóa tại Việt Nam gắn với việc thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Đề án trồng 1 tỷ cây xanh; tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Kết thúc buổi đối thoại, các đại biểu cùng nhau thống nhất các giải pháp ngăn chặn suy thoái đất, chống sa mạc hóa ở Việt Nam gắn liền với phát triển lâm nghiệp bền vững, cải thiện sinh kế cho người dân vùng cao, góp phần phát triển bền vững.

    Tại buổi đối thoại, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT cho biết, cả nước hiện có 11.838 nghìn ha đất bị thoái hóa, chiếm 35,74% diện tích tự nhiên cả nước. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình quản lý, khai thác, sử dụng đất chưa hợp lý, như tập quán canh tác nương rẫy du canh, trồng độc canh hay chuyên canh, lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật; do quản lý, khai thác tài nguyên rừng chưa hợp lý. Bên cạnh đó, thoái hóa đất cũng có nguyên nhân do ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu, ảnh hưởng của địa hình và chế độ thủy, hải văn. Thoái hóa đất gây nên suy giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp, năng suất và sản lượng cây trồng, giảm diện tích rừng tự nhiên cùng các loại động vật hoang dã; tăng diện tích đất bị khô hạn, hoang mạc hóa, đất trống, đồi núi trọc…

    Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển: “Suy thoái đất và hạn hán không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề kinh tế mang tính địa phương và toàn cầu. Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc - UNCCD - nhằm hội tụ các nỗ lực quốc tế để giải quyết vấn đề này. Với tư duy đi trước từ rất sớm, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và BVMT thể hiện tầm nhìn xa cùng với cam kết và hành động mạnh mẽ, Việt Nam được xem là điểm sáng khi thế giới nói về chủ đề này. Diễn đàn hôm nay là dịp tốt để chúng ta chia sẻ thông tin, tiếp tục tìm kiếm ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị các giải pháp phòng chống suy thoái đất và hạn hán. Các hoạt động được tổ chức tại VQG Ba Vì thực sự là những hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng ngày quốc tế chống sa mạc hóa. Kêu gọi sự chung tay của nhiều tổ chức quốc tế, nhiều tổ chức xã hội, đặc biệt là sức lan tỏa cho thế hệ trẻ, những người gánh vai trò tiếp nối công cuộc bảo vệ và phát triển rừng bền vững, giữ gìn và BVMT.

Toàn cảnh buổi Đối thoại

    Để thực hiện trách nhiệm thành viên và yêu cầu của Công ước chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020; đề án xác định mục tiêu tự nguyện cân bằng suy thoái đất quốc gia giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030.

    Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp đang xây dựng Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống sa mạc hóa giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; tiếp tục  tham gia các sáng kiến mới của quốc tế; thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 -2025; Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021 -2030; xây dựng đề xuất Dự án chống suy thoái đất ở Việt Nam trình Quỹ môi trường toàn cầu (GEF).

Châu Loan

Ý kiến của bạn