Banner trang chủ

Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu năng lượng điện gió ngoài khơi như thế nào vào năm 2030?

09/12/2022

    Từ ngày 1 - 2/12/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị điện gió Việt Nam do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu và Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (EVNPECC4) đồng tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị

    Hội nghị Điện gió Việt Nam 2022 - Vietnam Wind Power (VWP) là sự kiện chính thức của ngành điện gió tại Việt Nam do Hội đồng Năng lượng gió Toàn cầu (GWEC) tổ chức từ năm 2018. Năm nay, sự kiện có sự tham dự của đại diện Bộ Công thương, Bộ TN&MT, Đại sứ quán các nước tại Việt Nam như: Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan, Đức, Anh…, cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan, các chuyên gia đến từ viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phạm Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã yêu cầu: Xây dựng các cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; Ưu tiên phát triển điện gió và điện mặt trời phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý. Khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái và trên mặt nước. Xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi gắn với triển khai thực hiện Chiến lược biển Việt Nam.

    Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW, trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều giải pháp về chính sách, cơ chế nhằm khuyến khích phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất lắp đặt nguồn điện năng lượng tái tạo đã đạt khoảng 20,7 GW, chiếm hơn 27% tổng công suất lắp đặt của hệ thống điện, trong đó điện gió khoảng 4 GW. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực về gia tăng công suất nguồn điện năng lượng tái tạo.

    Theo ông Phạm Nguyên Hùng, đối với điện gió ngoài khơi, cơ hội rất nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn. Nguồn điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến năm 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao. Bên cạnh đó, phát triển điện gió ngoài khơi đòi hỏi cao về hạ tầng đồng bộ, tăng cường khả năng vận hành của hệ thống và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với tính phức hợp của dự án điện gió ngoài khơi (gồm cả công trình trên bờ và trên biển), cần thiết phải hoàn thiện các văn bản luật và dưới luật, hoàn chỉnh các quy định về khảo sát dự án, giao khu vực biển, đánh giá tác động môi trường… Do đó, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng, tạo điều kiện để Chính phủ và ngành điện gió thảo luận về các vấn đề cấp bách xung quanh việc phát triển năng lượng gió ở Việt Nam. Đây được xem là diễn đàn quan trọng và hiệu quả để ngành công nghiệp điện gió Việt Nam nhận được nhiều đóng góp quý báu, góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường nội địa hóa và nhiều vấn đề khác, nhằm thúc đẩy hiện thực hóa lộ trình phát triển điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Đồng thời, các bên liên quan ngành công nghiệp điện gió gặp nhau trực tiếp, kết nối và mở ra khả năng hợp tác, đặc biệt giữa các công ty nước ngoài và các công ty Việt Nam.

    Trong 2 ngày, nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận như: Chính sách năng lượng và phát triển điện gió; Vai trò của hợp tác quốc tế đối với phát triển gió tại diễn đàn Việt Nam; Diễn đàn CEO: Quan điểm trong giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của điện gió Việt Nam; Diễn đàn trên bờ I: Chiến lược và thực tiễn tốt nhất về phát triển chuỗi cung ứng điện gió trên bờ của Việt Nam; Diễn đàn trên bờ II: Chiến lược vận hành và bảo trì trên bờ. Đặc biệt, tại phiên Diễn đàn điện gió ngoài khơi cấp cao có phần thảo luận như: Việt Nam sẽ đạt được các mục tiêu năng lượng điện gió ngoài khơi như thế nào vào năm 2030? Tại đây, các diễn giả trong nước sẽ chia sẻ những thách thức trong việc phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, chính sách và quy hoạch cơ sở hạ tầng, cũng như những mảnh ghép còn thiếu khác để điện gió ngoài khơi đạt được tiềm năng ở Việt Nam. Bên cạnh đó là một loạt các phiên thảo luận và phiên họp liên quan đến các nội dung: Hợp đồng mua bán điện trực tếp; Cấp giấy phép cho điện gió ngoài khơi; Đấu giá và cơ chế khác cho hỗ trợ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; Các thách thức về tài chính trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi; Nhân tố thay đổi cuộc chơi: Công nghệ, lưu trữ điện gió nổi và hydro xanh; Chứng nhận, đào tạo và an toàn cho phát triển điện gió; Bảo hiểm và quản lý rủi ro; Chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; Thu hút đầu tư tư nhân trong việc phát triển lưới điện…

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn