Banner trang chủ

Việt Nam quyết tâm cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

17/01/2024

    Hiện nay, biến đổi khí hậu (BĐKH) cùng những hệ lụy mà nó gây ra đã trở thành một trong những mối lo ngại lớn nhất và thường xuyên đối với tất cả mọi quốc gia trên thế giới, là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm, dành nhiều nguồn lực để ứng phó. Những thảm họa gần đây như tình trạng lũ lụt xảy ra trên phần lớn lãnh thổ của Pa-ki-xtan; mất điện diện rộng ở Cu-ba; mùa hè nóng nhất từng được ghi nhận tại châu Âu trong hàng trăm năm qua; bão lớn gây ra nhiều thiệt hại ở Mỹ; thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Xy-ri... chính là hệ quả, đồng thời cũng là lời cảnh báo rằng không có quốc gia nào có thể miễn nhiễm với cuộc khủng hoảng khí hậu. Tác động nghiêm trọng của BĐKH đòi hỏi toàn cầu cần hành động khẩn trương, mạnh mẽ để đạt được mục tiêu theo Thỏa thuận Paris về giữ mức tăng nhiệt độ ở mức 1,50C. Điều đó đồng nghĩa với việc cần thu hẹp khoảng cách giữa cam kết đề ra và kết quả đạt được, đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính (KNK), tài chính cho khí hậu (trong đó có tài chính cho thích ứng) và hỗ trợ các nước đang phát triển khắc phục tổn thất, thiệt hại do BĐKH gây ra.

    1. Tác động của BĐKH

    BĐKH là thuật ngữ được dùng để chỉ sự thay đổi của khí hậu do tác động chủ yếu của con người làm thay đổi các thành phần khí quyển Trái đất. Sự thay đổi này kết hợp với các yếu tố biến động tự nhiên của tự nhiên dẫn đến việc biến đổi của khí hậu qua các thời kỳ. Nói một cách dễ hiểu, BĐKH chính là sự thay đổi của hệ thống khí hậu từ sinh quyển, khí quyển, thủy quyền tới thạch quyển trong hiện tại và tương lai. Khoản 13, Điều 3, Luật Khí tượng thủy văn 2015 giải thích: BĐKH là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên, hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan. Tình trạng BĐKH toàn cầu xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân khách quan và chủ quan: Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên như việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến BĐKH. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan, trong đó có sự thay đổi từ chính nội tại của tự nhiên, bao gồm sự thay đổi trong hoạt động Mặt trời, của quỹ đạo Trái đất, sự dịch chuyển của các châu lục… cũng tác động không nhỏ gây nên tình trạng này.

    BĐKH là nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt, mực nước biển dâng; tác động tiêu cực đến giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên; làm thiếu hoặc suy giảm diện tích đất canh tác, mất mùa, khủng hoảng lương thực, nạn đói trên thế giới... trong đó an ninh lương thực là một trong những vấn đề toàn cầu được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm. Theo Chương trình Lương thực thế giới (WFP), cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu bởi các cú sốc do BĐKH, xung đột, chiến tranh... đã đẩy số lượng người nghèo đói ở 82 quốc gia trên thế giới tăng từ 282 triệu người (đầu năm 2022) lên 345 triệu người (tháng 10/2022). Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030 khó có thể đạt được, khi có đến 574 triệu người, tương đương khoảng 7% dân số thế giới vẫn sống trong cảnh nghèo đói. Viện nghiên cứu Môi trường và phát triển toàn cầu tại Đại học Tufts (Mỹ) dự đoán, chi phí cho cuộc chiến chống BĐKH tới năm 2100 sẽ đạt đến 20 nghìn tỷ USD…

    Trước thực trạng trên, chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau, cùng quyết định sự phát triển bền vững (PTBV) của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự tham gia, giám sát của toàn xã hội. Trên phạm vi thế giới, ứng phó với BĐKH phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu, bởi đây không chỉ là thách thức mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng PTBV. Do đó, phải tiến hành đồng thời các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng và chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm. 

    2. Nỗ lực ứng phó của cộng đồng quốc tế

    Trước nguy cơ thảm họa khí hậu và các hiện tượng thời tiết diễn biến ngày càng bất thường, phức tạp, Hội nghị thượng đỉnh Trái đất năm 1992 được tổ chức tại TP. Ri-ô đơ Gia-nê-rô (Bra-xin), đã thông qua Công ước khung về BĐKH với sự tham gia ký kết của 154 quốc gia, cam kết ngăn ngừa sự nóng lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính và đặt ra mục tiêu đến trước năm 2000 phải giảm khí thải của các nước công nghiệp phát triển trở về mức của năm 1990. Tiếp đó, kể từ năm 1995, Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về BĐKH (COP) lần lượt được tổ chức, tính đến nay đã trải qua 28 kỳ họp, trong đó có những dấu mốc quan trọng như COP3 diễn ra tại TP. Kyoto (Nhật Bản, năm 1997) đã thông qua Nghị định thư Kyoto đề xuất các cam kết cao hơn về giảm khí thải nhà kính; COP21 tại Thủ đô Pa-ri (Pháp, năm 2015) đã thông qua Thỏa thuận Pari, thay thế Nghị định thư Kyoto, với các cam kết và hành động cao hơn; COP26 diễn ra ở TP. Glát-xgâu (Anh, năm 2021) thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow, khẳng định quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,50C, kêu gọi thế giới giảm dần sử dụng điện than…

    Cảnh báo tác động tiêu cực do tình trạng mở rộng đầu tư cho nhiên liệu hóa thạch trong khi phát thải vẫn duy trì ở mức cao trong giai đoạn kinh tế thế giới phục hồi hậu Covid-19 và cuộc khủng hoảng năng lượng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng chỉ ra thực trạng tiếp tục phát triển nhiên liệu hóa thạch không phù hợp với mục tiêu phi các-bon hóa toàn cầu vào giữa thế kỷ 21 và mục tiêu kiềm chế mức nhiệt tăng. IEA kêu gọi tất cả mọi quốc gia đều phải cải thiện rõ rệt các mục tiêu trung hòa khí thải, đồng thời nêu rõ yếu tố chính giúp các mục tiêu khí hậu vẫn có thể đạt được là tăng sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Theo IEA, các nước giàu phải đặt mục tiêu trung hòa khí thải các-bon vào năm 2045, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu hiện nay và thế giới cần đầu tư 4.500 tỷ USD/năm cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch từ đầu thập niên tới, tăng từ mức 1.800 tỷ USD dự kiến cần có trong năm 2023. Ðến năm 2030, thế giới cần tăng gấp 3 công suất năng lượng tái tạo, gấp đôi cơ sở hạ tầng năng lượng hiệu quả, tăng doanh số bán các thiết bị bơm nhiệt và doanh số xe điện. Ngoài ra, thế giới cũng cần cắt giảm 75% khí thải mê-tan trong lĩnh vực năng lượng, với mức chi phí khoảng 75 tỷ USD (tương đương 2% thu nhập ròng của ngành dầu mỏ và khí đốt năm 2022).

    Bên cạnh đó, đầu tư khí hậu dành cho thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển là vấn đề được thế giới, trong đó có các thể chế tài chính lớn như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đặc biệt quan tâm. IMF hối thúc khu vực tư nhân đóng góp phần chính để đáp ứng nhu cầu về đầu tư khí hậu cho những nước đang phát triển. Trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất, IMF nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu trung hòa khí thải các-bon vào năm 2050, cần đầu tư đáng kể cho các hoạt động giảm thiểu tác động của BĐKH tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, vốn đang phát thải khoảng 2/3 lượng khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu hiện nay. Ðến năm 2030, những nền kinh tế này cần khoảng 2.000 tỷ USD/năm để đạt được mục tiêu đề ra (tăng 5 lần so với mức 400 triệu USD đầu tư khí hậu đã được hoạch định cho 7 năm tới). Trên cơ sở dự báo tăng trưởng đầu tư công sẽ bị hạn chế, IMF cho rằng lĩnh vực tư nhân sẽ phải là nguồn cung cấp khoảng 80% mức đầu tư. Báo cáo của IMF nêu rõ, cần có sự kết hợp chính sách trong nhiều lĩnh vực để tạo ra môi trường hấp dẫn và mở đường cho khu vực tư nhân đầu tư vào tài chính khí hậu ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Trong khi đó, WB cũng đã đề xuất các bước để tăng khả năng cho vay đối với những quốc gia đang phát triển thêm 100 tỷ USD trong thập kỷ tới. Ðộng thái này nằm trong tiến trình cải cách của WB nhằm mở rộng sứ mệnh hỗ trợ các nước thành viên tăng khả năng ứng phó với BĐKH.

    Trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu, bên cạnh cấp độ đa phương, ở cấp độ khu vực, song phương, hợp tác quốc tế cũng đạt được nhiều thành quả quan trọng. Ở cấp độ khu vực, các tổ chức khu vực, bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... đã tăng cường hợp tác, nỗ lực tìm giải pháp ứng phó với BĐKH, ngăn chặn dòng người di cư bất hợp pháp, BVMT biển và đại dương... Ở cấp độ song phương, đáng chú ý là trong khuôn khổ hợp tác đôi bên, cũng như hỗ trợ đáng kể của các nước phát triển dành cho các nước đối tác đang phát triển. Chẳng hạn, trong khi đang cạnh tranh về chiến lược gia tăng và còn tồn tại nhiều mâu thuẫn về quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, hợp tác chống BĐKH được xem là điểm sáng giữa mối quan hệ của Mỹ và Trung Quốc. Tại Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại TP. Ba li (Inđônêxia, tháng 11/2022), Mỹ cũng đã cùng các đối tác cam kết gây quỹ ít nhất 20 tỷ USD để hỗ trợ Inđônêxia dần từ bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa khí các-bon vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến.

Việt Nam xác định ứng phó với BĐKH là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia

    Mặt khác, nhận thức rõ tầm quan trọng của PTBV, vấn đề hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và đại dương... cũng ngày càng được thúc đẩy. Năm 2000, LHQ đã đề ra Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), gồm 8 mục tiêu cụ thể: Giảm tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; bảo đảm phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế, năng lực cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; nâng cao sức khỏe bà mẹ; phòng, chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác; bảo đảm bền vững về môi trường; thiết lập quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển. Năm 2015, LHQ thông qua các Mục tiêu PTBV (SDGs), thay thế MDGs và toàn diện hơn so với MDGs, bao gồm 17 mục tiêu nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm tất cả mọi người được hưởng hòa bình, thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên LHQ. 17 mục tiêu này được các quốc gia hưởng ứng và cụ thể hóa thành các mục tiêu phát triển của mỗi nước.

    3. Cam kết và hành động của Việt Nam

    Việt Nam là một trong 10 quốc gia được đánh giá bị tổn thương lớn nhất do tác động của BĐKH với biểu hiện rõ là nước biển dâng và xâm nhập mặn. Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) cảnh báo, khi mực nước biển dâng lên 100 cm, diện tích đất bị mất đi của Việt Nam sẽ lên tới 40.000 km2, chiếm 12,1% tổng diện tích đất hiện có, kéo theo đó là hệ quả khoảng 17,1 triệu người sẽ mất đi nơi sinh sống. BĐKH là nhân tố chính gây ra bão lụt, lũ quét, sạt lở, chiếm 87 - 91% số lượng thiên tai, ảnh hưởng đến 70% dân số, gây thiệt hại khoảng 1 - 1,5% GDP, đe dọa nghiêm trọng tới việc thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và các mục tiêu PTBV của đất nước. Theo tính toán kịch bản BĐKH, đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ tăng khoảng 3,40C, mực nước biển tăng thêm 1 m, sẽ có khoảng 40% diện tích đất đồng bằng sông Cửu Long bị ngập vĩnh viễn, khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp do mất đất; đồng bằng sông Hồng sẽ có 240.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; đối với vùng ven biển, ảnh hưởng của BĐKH lớn nhất là bão, áp thấp nhiệt đới và tình trạng hạn hán, lũ lụt, sạt lở đất diễn ra mạnh mẽ hơn… Đối diện với thách thức trên, kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã xây dựng và luôn thực hiện nhất quán chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong ứng phó, thích ứng với BĐKH, nhất là nỗ lực thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam tham gia với tư cách là thành viên, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đưa đất nước hướng đến mục tiêu PTBV.   

    Cụ thể, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng cho rằng “Tất cả các dân tộc và cộng đồng nhân loại cần có sự phối hợp với nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu, trong đó có BVMT”. Kể từ đó, nhận thức của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt của ứng phó, khắc phục các ảnh hưởng của BĐKH được nâng cao, trong đó ưu tiên tăng cường hợp tác quốc tế. Đại hội VII (năm 1991) đề ra chủ trương: “Nhà nước dành một phần quỹ dự phòng của ngân sách để chủ động cứu giúp những người gặp tai nạn do thiên tai”. Đại hội VIII (năm 1996) đưa ra quan điểm cần phải có sự hợp tác đa phương trong giải quyết các vấn đề toàn cầu, trong đó có BVMT. Đại hội IX (năm 2001) lần đầu tiên sử dụng cụm từ “BĐKH”, nhấn mạnh chủ động phòng tránh, hạn chế tác động xấu của thiên tai và sự biến động khí hậu bất lợi. Đại hội X (năm 2006) nhận định, tình trạng môi trường tự nhiên bị hủy hoại, khí hậu diễn biến ngày càng xấu, là vấn đề toàn cầu bức xúc, đòi hỏi các quốc gia, tổ chức quốc tế phối hợp giải quyết. Đại hội XI (năm 2011) chứng kiến sự phát triển nhận thức ngày càng đầy đủ về BĐKH, nhận định đây là vấn đề mang tính cấp bách, liên quan đến vận mệnh loài người, sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và chủ trương “Tích cực hợp tác cùng các nước, các tổ chức khu vực, quốc tế trong việc đối phó với tình trạng BĐKH”, “Tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế”. Tiếp đó, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI (năm 2013) của Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, khẳng định sự coi trọng, nhấn mạnh sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong ứng phó, thích ứng với BĐKH, thể hiện trách nhiệm quốc tế, đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung toàn cầu.

    Đặc biệt, Đại hội XII (năm 2016) của Đảng đánh giá “Hợp tác quốc tế về quản lý tài nguyên, ứng phó với BĐKH, phòng, chống thiên tai được đẩy mạnh”, đề ra nhiệm vụ “thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và BVMT, ứng phó với BĐKH” và lần đầu tiên đề ra chủ trương “chủ động thích ứng với BĐKH, phòng, tránh thiên tai, giảm mức phát thải KNK”. Đại hội XIII (năm 2021) nhấn mạnh “thích ứng với BĐKH là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới” và chủ trương “Chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, thích ứng với BĐKH... Thực hiện các cam kết quốc tế, góp phần cùng cộng đồng quốc tế thích ứng với BĐKH, bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu”.

    Trong hợp tác đa phương, kể từ năm 1992, Việt Nam đã tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC); Nghị định thư Kyoto (trong khuôn khổ Công ước khung của LHQ về BĐKH) năm 2002; Bản sửa đổi, bổ sung Doha của Nghị định thư Kyoto năm 2015; phê duyệt tham gia Thoả thuận Paris về BĐKH năm 2016. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 diễn ra ở TP. Glát-xgâu, Anh (năm 2021), Việt Nam cùng gần 150 quốc gia đã cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải mê-tan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu; cùng các nước trong và ngoài G7 thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng tại Vương quốc Bỉ ngày 14/12/2022…

    Tham gia Hội nghị COP27 (Ai Cập, tháng 11/2022), Việt Nam một lần nữa tái khẳng định cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 và thể hiện rõ nỗ lực trong cuộc chiến chống BĐKH. Tại đây, Việt Nam đã nộp Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 2, trong đó phản ánh các hành động cụ thể cần thực hiện từ nay đến năm 2030 phù hợp với lộ trình đạt phát thải ròng bằng “0” và cam kết giảm 30% phát thải khí mê-tan. Qua đó khẳng định, chuyển đổi năng lượng là yếu tố then chốt để Việt Nam đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển đổi năng lượng, đảm bảo giá thành hợp lý cho tất cả mọi người có thể tiếp cận. Tiếp nối thành công từ Hội nghị COP26, COP27, từ ngày 30/11/2023 - 12/12/2023, Hội nghị COP28 được tổ chức tại Dubai, Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), đến với COP28, Việt Nam tái khẳng định quyết tâm trong hợp tác quốc tế về chống BĐKH, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẽ tích cực tham gia các kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế chung như Bản đánh giá Toàn cầu lần đầu tiên (Global Stocktake); thảo luận về Quỹ Tổn thất, thiệt hại và lộ trình cắt giảm, loại bỏ điện khí than. Đặc biệt, trong khuôn khổ COP28, Việt Nam đã chính thức công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế, gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh và Bắc Ireland, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa Liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Cộng hòa Italia, Canada, Vương quốc Đan Mạch, Vương quốc Na Uy; các hoạt động giới thiệu nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh trong thời gian qua, cũng như mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế để triển khai thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” trong thời gian tới.

    Bên cạnh các cam kết quốc tế, Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc kiểm kê quốc gia KNK đối với lĩnh vực năng lượng, công nghiệp (IPPU), nông nghiệp, sử dụng đất và lâm nghiệp (AFOLU), chất thải. Theo Báo cáo cập nhật 2 năm/lần lần thứ 3 của Việt Nam, tổng phát thải ròng KNK trong năm 2016 là 316.734,96 nghìn tấn cacbon dioxit tương đương (CO2tđ). Trong đó, phát thải KNK từ lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng lớn nhất (65%), tiếp đó là lĩnh vực IPPU (chiếm 14,6%), lĩnh vực AFOLU (13,9%) và nhỏ nhất là lĩnh vực chất thải (chiếm 6,5%). Để thực hiện các mục tiêu về giảm phát thải KNK, phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp, Việt Nam đã nỗ lực xây dựng, ban hành các văn bản, chính sách liên quan đến giảm phát thải KNK tại cấp quốc gia, ngành và địa phương. Điều này cũng nhằm cụ thể hóa các chủ trương về giảm phát thải KNK, bao gồm: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngoài ra, khoản 7, Điều 91, Luật BVMT năm 2020 đã đưa ra quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp, cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê KNK... Nhằm cụ thể hóa các quy định này, ngày 7/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn. Tiếp đó, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…

    Tại Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Việt Nam đề ra mục tiêu đến năm 2030, bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia giảm 43,5% so với phát thải theo kịch bản phát triển thông thường (BAU), trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2tđ. Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải KNK quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; lượng phát thải đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm nhanh để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, trong đó, lĩnh vực năng lượng giảm 91,6%, lượng phát thải không vượt quá 101 triệu tấn CO2tđ.

    Có thể nói, những cam kết và hành động của Việt Nam đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm cao trong nỗ lực ứng phó với BĐKH, mở ra cơ hội tận dụng sự dịch chuyển nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển ít phát thải vào Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội hợp tác về tăng trưởng ít phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng hiệu quả với BĐKH.

Trương Thị Hậu

Bộ Giao thông vận tải

Gia Linh

    Tài liệu tham khảo:

  1. Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.

  2. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần I), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 37, 399, 684, 966.

  3. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần II), Sđd, tr. 23, 501, 554, 435, 489.

  4. Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới (phần II), Sđd, tr. 681, 650, 682.
    Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 108, 155.

  5. Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT.

  6. World Food Day: Soaring prices, soaring hunger” (Tạm dịch: Ngày Lương thực thế giới: Giá cả tăng vọt, nạn đói tăng vọt), World Food Progamme, ngày 14-10-2022, https://www.wfp.org/stories/world-food-day-soaring-prices-soaring-hunger

  7. Hợp tác giữa các quốc gia trong ứng phó với những vấn đề toàn cầu: Thực trạng và triển vọng, Nguyễn Ngọc Hùng, Học viện Ngoại giao (https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/the-gioi-van-de-su-kien/-/2018/827261/hop-tac-giua-cac-quoc-gia-trong-ung-pho-voi-nhung-van-de-toan-cau--thuc-trang-va-trien-vong.aspx)

Ý kiến của bạn